Nợ xấu bất động sản sẽ hết “xấu”?

VI ANH 01/07/2024 03:00

Tình trạng nợ xấu bất động sản vẫn chưa được giải quyết triệt để trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề này được dự báo sẽ dần được giải quyết khi thị trường địa ốc phục hồi bền vững.

>>Bất động sản công nghiệp khởi sắc nhờ FDI

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, tổng nợ xấu là 224.146 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cuối năm 2023 với 26/28 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng. Đặc biệt, nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng mạnh của nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).

Hoạt động thu hồi nợ của các ngân hàng diễn ra vẫn khó khăn đối với các khoản thế chấp là bất động sản.

Hoạt động thu hồi nợ của các ngân hàng vẫn khó khăn đối với các khoản thế chấp là bất động sản.

Nợ xấu vẫn tồn tại

Thực tế cho thấy, hoạt động thu hồi nợ của các ngân hàng diễn ra vẫn khó khăn đối với các khoản thế chấp là bất động sản. Từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều ngân hàng đăng tin ồ ạt thanh lý tài sản đảm bảo là nhà đất, dự án bất động sản, khách sạn trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, không xoay xở được dòng tiền trả nợ cho ngân hàng. Song, phần lớn các tài sản với trị giá từ hàng chục đến hàng nghìn tỷ đồng này đều không dễ bán.

Điển hình như đợt bán đấu giá hàng nghìn m2 đất tại Nha Trang đã phải giảm hơn 20 tỷ đồng so với 5 lần trước vì không có khách mua. Nhiều bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn ở Hội An, Đà Nẵng, Phú Quốc.. cũng chung tình cảnh tương tự.

>>Tiếp thêm sức mạnh cho môi giới bất động sản

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho biết, ngân hàng muốn bán tài sản gắn với nợ xấu cũng không đơn giản. Phần lớn các bất động sản phát mại đều có giá trị rất lớn từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng nên tính thanh khoản sẽ không cao. Chưa kể nếu tài sản là máy móc, thiết bị, nhà xưởng... gắn liền với bất động sản thì qua thời gian sẽ còn bị xuống cấp, khó hấp dẫn người mua. Thêm nữa, những nguy cơ rủi ro pháp lý cùng các thủ tục xử lý tài sản phức tạp cũng gây tâm lý e ngại cho người mua.

Để xử lý nợ xấu có hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động xử lý nợ. Tuy nhiên, đến nay, Nghị quyết này đã hết hiệu lực, do đó sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý lớn, gây khó khăn cho việc xử lý nợ của các tổ chức tín dụng.

Theo đánh giá của ông Trần Minh Bình - Chủ tịch HĐQT VietinBank, việc xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp gặp khó khăn, mà phần lớn nguyên nhân là phải chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài (đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột Nga-Ukraine và tại Trung Đông).

Để đẩy mạnh tín dụng bất động sản, cần tập trung đẩy mạnh nhà ở giá rẻ. Ảnh:VA

Để đẩy mạnh tín dụng bất động sản cần tập trung phát triển nhà ở giá rẻ. Ảnh:VA

Điều này khiến chi phí nguyên liệu bị đẩy lên rất cao, kéo theo chi phí doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ. Qua đó có thể thấy, nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng của ngành ngân hàng.

Nắn dòng vốn bất động sản bền vững

Trước tình hình nợ xấu bất động sản như trên, các ngân hàng đang ngày càng có sự chọn lọc kỹ lưỡng hơn khi giải ngân dòng tiền cho lĩnh vực này. Điều này được các chuyên gia cho là một xu hướng giúp dòng vốn vào bất động sản trở nên bền vững hơn.

Như trong ĐHĐCĐ thường niên mới đây, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết, cho vay bất động sản là lĩnh vực tiềm năng, tuy nhiên, trong thời gian qua chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Khi cho vay, ngân hàng phân biệt rất rõ giữa sản phẩm chung cư thông thường và sản phẩm có tính đầu cơ cao. Khách hàng vay đầu cơ thì ngân hàng không tài trợ.

"Tôi đánh giá bất động sản vẫn là ngành đáng quan tâm, nếu chúng ta phân tích và đánh giá đúng" - ông Dũng nhấn mạnh.

Đánh giá thị trường trong thời gian tới, theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế, từ nay tới cuối năm 2024, lĩnh vực có khả năng “đẩy” vốn khả quan nhất là lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh tín dụng bất động sản, cần thiết kế lại chính sách, nhất là tập trung đẩy mạnh nhà ở giá rẻ.

Ông Nghĩa cho rằng, nếu chỉ gói gọn trong nhà ở xã hội như hiện nay, sẽ dẫn tới tình trạng bế tắc, do người có khả năng mua nhà thì không mua được nhà, còn người nằm trong đối tượng mua nhà ở xã hội lại không có khả năng thanh toán. Bởi vậy, việc tập trung đáp ứng nhu cầu ở thực của đại đa số người dân hiện nay, dòng tín dụng cho ngành địa ốc cũng sẽ được bảo đảm hơn khi thị trường phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cũng nhận định rằng, thị trường bất động sản sẽ phục hồi tốt hơn khi hoàn thiện hành lang pháp lý và yếu tố vĩ mô tích cực, từ đó tín dụng sẽ hồi phục tốt hơn.

“Thời điểm áp dụng các luật mới ban hành như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… được đẩy lên sớm hơn sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tài chính - ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn”, ông Lực đánh giá.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiếp thêm sức mạnh cho môi giới bất động sản

    Tiếp thêm sức mạnh cho môi giới bất động sản

    11:03, 30/06/2024

  • Bất động sản công nghiệp khởi sắc nhờ FDI

    Bất động sản công nghiệp khởi sắc nhờ FDI

    11:00, 30/06/2024

  • Nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp trên thị trường bất động sản

    Nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp trên thị trường bất động sản

    20:23, 29/06/2024

  • Bất động sản dẫn đầu dòng tín dụng

    Bất động sản dẫn đầu dòng tín dụng

    05:00, 29/06/2024

  • Tín dụng nhà ở tăng trở lại, nhóm bất động sản kỳ vọng cải thiện lợi nhuận

    Tín dụng nhà ở tăng trở lại, nhóm bất động sản kỳ vọng cải thiện lợi nhuận

    04:50, 29/06/2024

VI ANH