Hành trình khởi nghiệp với khát vọng đưa cây chuối vươn tới thị trường lớn
Bằng niềm đam mê và nỗ lực không ngừng, chị Phạm Thị Trang, Huyện Ý Yên, Nam Định đã vượt qua những khó khăn, thử thách, để theo đuổi hành trình khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
>>>Khởi nghiệp ở Nghệ An – Bài 1: “Bệ đỡ” cho những doanh nhân trẻ!
Chuyển nghề để khởi nghiệp bằng cây chuối
Theo đuổi đam mê khởi nghiệp, chị Trang, đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất. Hiện chị Trang đang khá thành công với mô hình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ chuối như: bột chuối, chuối sấy dẻo, viên hoàn bột chuối kết hợp mật ong và táo đỏ. Qua đó mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Sinh ra và lớn lên từ cái nôi làng nghề Đằng Chương, xã Yên Tiến – Ý Yên – Nam Định nên khi trưởng thành, lập gia đình riêng, ban đầu vợ chồng cũng lấy nghề “đục đẽo” làm sinh kế.
Theo chồng về xã Yên Bằng, hai vợ chồng chị mở cơ sở cung cấp đồ thờ tự cho khách hàng. Từ đó vợ chồng chị quen và được các nhà chùa ở Phú Thọ truyền dạy cho nghề làm bột chuối xanh và viên hoàn bột chuối.
Chị Trang tâm sự, bột chuối xanh là sản phẩm nguyên chất sản xuất từ chuối tiêu xanh sấy khô nghiền mịn. Trong chuối tiêu xanh có hàm lượng tinh bột kháng rất cao xếp hàng đầu trong nhóm thực phẩm giàu tinh bột kháng, chúng còn cao gấp 20 lần so với chuối tiêu chín. Mặt khác, khi sấy chuối xanh sẽ dễ hơn so với chuối chín bởi hàm lượng đường thấp, sấy chuối sẽ khô giòn, dễ dàng nghiền thành bột mịn.
Sản phẩm có vị ngọt, thơm, chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C, kali, chất xơ và đặc biệt là các chất chống oxy hóa có tác dụng giúp phát triển lợi khuẩn, cải thiện hệ tiêu hóa.
Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học thì trong chuối xanh còn có hoạt chất có khả năng phòng bệnh ung thư đường ruột. Là người kinh doanh nên tôi nhanh chóng nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loại “siêu thực phẩm” đang được thị trường ưa chuộng mà nguyên liệu chuối xanh sẵn có ở địa phương.
Tôi bàn bạc với gia đình và quyết tâm vừa duy trì nghề mộc vừa kiên trì học hỏi theo nghề làm bột chuối. Năm 2022, gia đình tôi quyết định khởi nghiệp chế biến bột chuối tại quê nhà và sử dụng loại chuối goòng (chuối tây) làm nguyên liệu.
Chuối xanh sau khi vệ sinh làm sạch được tước nhẹ lớp vỏ ngoài giúp giữ tối đa chất xơ và dinh dưỡng rồi cắt lát, đem sấy hoặc phơi khô và nghiền thành bột. Thời gian đầu, công đoạn làm khô chuối chủ yếu bằng phơi nắng, phơi sương, phụ thuộc vào thời tiết; có buổi đang phơi gặp mưa không kịp thu đành ngậm ngùi đổ bỏ cả tạ nguyên liệu.
Vào mùa mưa nhiều, nồm ẩm hoặc vào mùa đông ít nắng, việc phơi chuối không thuận lợi khiến gia đình tôi cũng liêu xiêu. Bên cạnh đó, vừa khởi nghiệp, là “lính mới” nên sản phẩm, thương hiệu chưa được người tiêu dùng biết tới dẫn đến đầu ra của sản phẩm cũng hạn chế.
Không nản lòng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tôi tiếp tục áp dụng kiến thức được dạy và tìm hiểu các cách làm mới, khắc phục hạn chế. Ban đầu chúng tôi nhắm đến nhóm khách hàng thân quen, bán cho anh em, bạn bè sử dụng, nhờ mọi người quảng bá sản phẩm sau khi thực tế sử dụng. Bằng cách này, sản phẩm tinh bột chuối xanh của chị Trang dần được nhiều khách hàng biết đến và tin tưởng sử dụng.
Áp dụng công nghệ số để bán hàng
Chị Trang chia sẻ, để thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm. Tôi đã mạnh dạn ứng dụng thương mại điện tử, giới thiệu và chào bán các sản phẩm “của nhà trồng được” trên các nền tảng mạng xã hội, từ up ảnh giới thiệu, quay clip đến livestream bán hàng...
Chị Trang chia sẻ thêm, bên cạnh khi đời sống phát triển thì việc mua bán, trao đổi hàng hóa trở nên sôi động hơn, trong đó các hình thức tìm kiếm, đặt mua hàng hóa thông qua các kênh mua bán hàng online, livestream, sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội như: Facebook, Zalo… ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, việc phát triển các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm của chúng tôi trên các nền tảng mạng xã hội là phù hợp với xu thế hiện nay.
Thêm nữa, việc duy trì và phát huy hiệu quả của các kênh quảng bá này ra sao để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm sản phẩm, thông tin sản phẩm cần được cập nhật thường xuyên với nhiều hình thức giới thiệu sáng tạo, linh hoạt nhằm tránh sự nhàm chán, sơ sài khi người tiêu dùng nhấn vào sản phẩm để tham khảo, đặt mua. Đặc biệt, phải đảm bảo chất lượng hàng hóa. Khi đảm bảo uy tín chất lượng, các đơn đặt hàng ngày một tăng, nhiều khách hàng đã trở thành “khách ruột”, rồi từ mua lẻ thành đầu mối đổ sỉ.
Sản lượng tiêu thụ tăng lên, tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc để phát triển quy mô sản xuất. Trên diện tích hơn 200m2, cơ sở sản xuất được phân ra từng khu vực và trang bị đầy đủ các loại máy móc hiện đại như: máy sấy, máy nghiền viên hoàn, máy đóng gói và kho lạnh riêng…
Để đảm bảo các khâu sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng. Nhờ có máy sấy dung tích lớn, việc sấy nguyên liệu không còn lo phụ thuộc vào thời tiết; mỗi ngày có thể sản xuất ổn định và tiêu thụ trên 500kg chuối tươi nguyên liệu với các sản phẩm khác nhau như: tinh bột chuối, viên hoàn bột chuối kết hợp mật ong, táo đỏ. Bên cạnh đó, tôi cũng nghiên cứu thị trường, phát triển thêm sản phẩm mới là chuối ép dẻo.
Việc đa dạng các sản phẩm cũng giúp cho cơ sở của cơ sở sản xuất của chị Trang tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng, đầu ra cũng rộng và ổn định hơn. Với mức giá bán hợp lý: tinh bột chuối là 265 nghìn đồng/kg, viên hoàn bột chuối 160 nghìn đồng/hộp 200g và chuối sấy dẻo giá 120 nghìn đồng/kg, cùng với chất lượng đảm bảo nên các sản phẩm chế biến từ chuối của cơ sở được người tiêu dùng rất ưa chuộng và ủng hộ. Kết hợp các kênh bán hàng qua đại lý bán lẻ, thương mại điện tử và tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm chế biến từ chuối của cơ sở hiện có mặt khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Doanh thu bán hàng từ kênh điện tử đạt từ 150-180 triệu đồng/tháng. Riêng chế biến chuối, cơ sở sản xuất của chị Trang tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 200-250 nghìn đồng/ngày.
Nhờ cơ sở nhận thu mua chuối nguyên liệu, các hộ trồng chuối trong huyện tăng thêm nguồn thu nhập. Chị Trang đã thành lập Công ty TNHH Tâm Bảo Tràng để thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Với sự tạo điều kiện của các ngành chức năng và địa phương, hiện Công ty đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý và quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất để sản phẩm chế biến từ chuối của Công ty được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương.
Đằng sau mỗi thành công là những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự tận tụy. Chặng đường vượt khó khăn, và hành trình khởi nghiệp của chị Trang đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, nỗ lực sáng tạo dám vượt lên, đang là câu chuyện “kiểu mẫu” về khởi nghiệp cho nhiều thế hệ trẻ noi theo.
Có thể bạn quan tâm