Lãi suất tăng có đáng lo?
Sau thời gian lãi suất huy động của các ngân hàng được duy trì ở vùng thấp nhất lịch sử để hỗ trợ nền kinh tế, thì từ tháng 4 một số ngân hàng đã rục rịch tăng biểu lãi suất khi tín dụng tăng trở lại.
>>>Triển vọng kinh tế tích cực, lãi suất giữ ổn định như hiện tại
Nếu giai đoạn trước việc tăng lãi suất chỉ diễn ra ở một vài ngân hàng chứ không phổ biến thì trong nửa cuối tháng 06 lãi suất huy động đã bắt đầu tăng ở quy mô hệ thống với hơn 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong các tuần cuối tháng 6.
Tác động tâm lý thị trường
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tín dụng đến 24/06 tăng 4,45% so với đầu năm, là mức tăng nhanh hơn cùng kỳ năm 2023 chỉ ở mức 3,83%. Nếu nhìn thời gian ngắn hơn thì tín dụng tăng đến 2,04% chỉ trong hơn 1 tháng (21/5-24/6) hay tăng hơn 1,38% trong vòng 10 ngày (15/6-24/6). Do đó, có thể thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng đang có gia tốc tăng nhanh trong tháng 6. Trong bối cảnh tín dụng đang tăng nhanh chóng trong tháng 6 thì huy động vốn đến 24/6 chỉ tăng 1,5% với với đầu năm, là mức tăng rất chậm so với cùng kỳ năm 2023 ở mức 3,68% do nền lãi suất huy động đang rất thấp.
>>>Ngân hàng còn động lực và năng lực duy trì lãi suất thấp
Như vậy, tăng trưởng tín dụng là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động gần đây, ngoài một số nguyên nhân khác.
Lãi suất của nền kinh tế luôn là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến dòng tiền thị trường chứng khoán và triển vọng của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Do đó, việc tăng lãi suất gần đây nếu tiếp diễn sẽ chắc chắn gây ra các tác động tâm lý đến thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân – bài học còn đó vào giữa năm 2022.
Lãi suất thị trường sẽ ra sao?
Để đánh giá tác động của lãi suất đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán cần nhìn nhận lãi suất ở 2 góc độ là mức độ và xu hướng lãi suất. Phân tích các giai đoạn biến động lãi suất trong quá khứ cho thấy thị trường chịu tác động mạnh của lãi suất khi lãi suất tăng mạnh và/hoặc lãi suất ở vùng cao gây áp lực cho nền kinh tế như giai đoạn 2010-2012 hay cuối 2022. Trong khi đó, thị trường hưởng lợi và hồi phục mạnh khi lãi suất giảm mạnh như thời dịch Covid -19 hay năm 2023; thị trường tăng trưởng ổn định trong giai đoạn lãi suất tăng chậm khi nền kinh tế phục hồi và trở lại guồng tăng trưởng như giai đoạn 2014-2018.
Ở thời điểm hiện tại, lãi suất dù tăng trong tháng 6 nhưng mức tăng không cao và các mức lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức thấp nhất lịch sử. Vì vậy, việc tăng lãi suất sẽ không tác động quá mạnh đến triển vọng thị trường chứng khoán và xu hướng tăng dần lãi suất huy động từ đây đến cuối năm sẽ tương tự thời kỳ đầu của giai đoạn 2014-2018. Ở thời kỳ phục hồi này, thị trường dần đi theo các yếu tố cơ bản liên quan đến triển vọng kinh doanh của các nhóm ngành và doanh nghiệp niêm yết.
Như đã phân tích ở trên, một trong những nguyên nhân chính khiến lãi suất tăng là tín dụng đang tăng trở lại trong khi huy động vốn tăng chậm, đầu tư tư nhân quý 2/2024 đã có những bước phục hồi nhất định so với nền yếu 2023 và quý 1/2024. Do đó, lãi suất tăng trong trường hợp này có thể xem là tích cực hơn là tiêu cực.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê thì GDP Việt Nam tăng trưởng 6,93% là mức tăng trưởng tốt và vượt qua hầu hết dự phóng của nhiều bên phân tích vốn dự báo tăng trưởng quý 2 trung bình 6%. Mức tăng trưởng này càng củng cố đà phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 và mức tăng trưởng chung cả năm có thể đạt 6,0% hoặc hơn.
Trong bối cảnh kinh tế đang hồi phục thì dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 15-18% trong năm 2024 so với nền thấp 2023 sẽ là động lực chính và lớn nhất của thị trường giai đoạn này, chứ không phải lãi suất nếu thay đổi không quá lớn.
Ngoài ra, nếu lãi suất liên ngân hàng hay điều hành tăng nhẹ trong bối cảnh này cũng là một điều tốt cho thị trường và nền kinh tế. Bản chất là dù nâng lãi suất nhẹ thì lãi suất vẫn đang ở mức hỗ trợ lớn cho nền kinh tế, trong khi đó việc tăng lãi suất sẽ giải quyết được vấn đề tỷ giá giúp hỗ trợ ổn định dòng vốn ngoại và ổn định đồng nội tệ. Do đó, nếu nhìn góc nhìn rộng hơn thì việc tăng lãi suất ở mức độ vừa phải sẽ không tác động quá lớn đến nền kinh tế trong khi đó có thể giúp hạn chế nhiều áp lực ngắn hạn.
Tóm lại, theo tôi, việc nâng lãi suất hiện tại và sắp tới với mức độ thấp sẽ tác động chủ yếu đến thị trường về mặt tâm lý. Động lực lớn của thị trường chứng khoán năm nay trọng tâm ở phục hồi kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Ngoài ra, việc nâng lãi suất ở mức độ vừa phải có thể hạn chế các áp lực ngắn hạn có thể giúp thị trường chứng khoán tốt hơn trong nửa cuối 2024.
Có thể bạn quan tâm
Tỷ giá hỗ trợ lãi suất
02:15, 29/06/2024
Lãi suất cho vay giảm, cơ hội cho người trẻ sở hữu bất động sản
11:57, 25/06/2024
Ngân hàng cần chia sẻ thực chất: Tăng lãi suất cho vay chậm hơn
05:01, 22/06/2024
Châu Á có thể chịu đựng mức lãi suất cao của FED?
03:00, 18/06/2024
Nhiều NHTW cắt giảm lãi suất, kinh tế Việt Nam ảnh hưởng ra sao?
10:11, 14/06/2024
Vì sao FED vẫn thận trọng trong cắt giảm lãi suất?
04:00, 14/06/2024