Hợp tác quốc tế để khởi nghiệp sáng tạo
Kết nối, tương tác với các nhà đầu tư, chuyên gia tri thức kiều bào và chuyên gia quốc tế là đặc biệt quan trọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Để thu hút, hợp tác các nguồn lực quốc tế cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST), một số bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực phối hợp để triển khai các hoạt động kết nối với nhiều đối tác, chuyên gia quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài.
Những hợp tác tích cực
Việt Nam đã bước đầu thành công trong việc thu hút đặt bài và đầu tư cho các giải pháp hiệu quả từ doanh nghiệp KNST. Các tập đoàn đến từ Hàn Quốc như: Lotte hình thành quỹ đầu tư Lotte Ventures có trụ sở tại Hà Nội, ngân hàng Shinhan Bank triển khai chương trình Shinhan Square Bridge nhằm hỗ trợ doanh nghiệp KNST có tác động xã hội; tập đoàn Sunwah triển khai chương trình Sunwah Innovations và khai trương trung tâm Đổi mới Sáng tạo (ĐMST) Sunwah TP. Hồ Chí Minh tháng 12 năm 2020…
Từ năm 2021 đến nay, Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ký kết thoả thuận hợp tác nhằm thu hút mạng lưới chuyên gia, trí thức kiều bào Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ với một số chương trình cụ thể. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của hơn 2.000 nhóm/doanh nghiệp sáng tạo, khoảng 50 chuyên gia tri thức kiều bào người Việt Nam sinh sống và làm việc ở một số quốc gia như Pháp, Úc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Trung Quốc...
Trong năm vừa qua, Bộ KH&CN đã tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp ĐMST (Techfest) với quy mô quốc tế tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, cũng như tại Melbourne, Úc.
Từ năm 2013, Việt Nam đã chính thức “hòa mạng” vào Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu - GEN mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI với vai trò là tổ chức đầu mối, đại diện cho Việt Nam tham gia vào Mạng lưới này. Hằng năm, VCCI đều phát động, chủ trì và điều phối các hoạt động khởi nghiệp hướng tập trung vào Tuần lễ Khởi nghiệp toàn cầu - GEW (tuần thứ 3 tháng 11); tổ chức Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp Toàn cầu – EWC tại Việt Nam.
Mở rộng sự hợp tác
Chủ trương hợp tác của Việt Nam vẫn tích cực lồng ghép nội dung thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ mục tiêu hỗ trợ KNST trong các hoạt động đối ngoại cấp cao và ngoại giao kinh tế. Bộ Ngoại giao đã lồng ghép nội dung về tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, ĐMST trong Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (6/2023); Thúc đẩy đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực ĐMST với các đối tác như Singapore, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản..; tiếp tục vận động Thụy Sỹ xem xét nâng cấp Ý định thư hợp tác thành Hiệp định hợp tác giữa 02 Chính phủ về khoa học, công nghệ, ĐMST và thiết lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác 21 ưu tiên về đổi mới sáng tạo”. Chương trình Aus4Innovation - chương trình hợp tác hỗ trợ từ Úc sẽ kéo dài thêm 5 năm đến 2028, nâng mức tài trợ từ 13,45 triệu AUD lên 33,5 triệu AUD.
Ngày 11/9/2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Việt Nam và Mỹ đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó yếu tố công nghệ, ĐMST và đầu tư là những trụ cột quan trọng. Đây là tiềm năng mới để hai nước cũng như doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác, dành nguồn lực ưu tiên cho các lĩnh vực đầu tư mới, đặc biệt là chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, các bộ ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư từ các cá nhân, tổ chức, quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế, các quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm