Trung Quốc tung gói trái phiếu mới (Kỳ I): Hóa giải thách thức
Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ dài hạn trị giá gần 140 tỷ USD nhằm củng cố chi tiêu chính phủ, đầu tư vào các dự án trọng điểm và phát triển kinh tế chất lượng cao.
Gói trái phiếu này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế nước này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cần được hóa giải.
>> "Xu hướng lạ” đe dọa kinh tế Trung Quốc
“Cơn lốc” xoáy
Khu vực bất động sản (BĐS) chiếm gần 30% GDP và là khu vực quan trọng dẫn dắt tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, khu vực này lại trở thành gánh nặng cho nền kinh tế Trung Quốc, và chính nó đang triệt tiêu nhiều nguồn động lực khác cho tăng trưởng của nền kinh tế này.
Thứ nhất, BĐS đang triệt hạ nguồn tài chính của các chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương Trung Quốc hiện đang gánh khoản nợ lớn khoảng 15 nghìn tỷ USD (GDP của Trung Quốc năm 2023 là gần 18 nghìn tỷ USD). Trong khi đó, nguồn thu quan trọng của các chính quyền đến từ BĐS và đất đai.
Nguồn thu từ bán quyền sử dụng đất và thuế liên quan đến BĐS chiếm tới 37% tổng thu của chính quyền địa phương Trung Quốc trong năm 2021. Thị trường BĐS trì trệ đã làm giảm thu của các chính quyền địa phương tới 23% trong năm 2022. Năm 2023, thu từ bán quyền sử dụng đất giảm tiếp 13,2%. Chính quyền địa phương bị giảm nguồn thu cũng đồng nghĩa với triển vọng tăng trưởng kinh tế mờ mịt.
Thứ hai, BĐS đang triệt hạ sức tiêu dùng cá nhân, một yếu tố được hy vọng sẽ thay thế cầu xuất khẩu trong tương lai để làm chỗ dựa cho tăng trưởng kinh tế. Gần 80% tiết kiệm của người dân Trung Quốc dưới dạng nhà ở. Sự giảm giá và khủng hoảng của khu vực này đồng nghĩa với sự mất mát lớn số tiền tiết kiệm của họ trong nhiều thập kỷ qua. Điều này cộng với thất nghiệp gia tăng đã khiến chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh, làm cho giảm phát ngày càng trầm trọng.
Chỉ số CPI tháng 5/2024 chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng mức tháng 4, nhưng thấp hơn mức dự báo là 0,4%, cho thấy nguy cơ giảm phát lại tăng cao trở lại. Rõ ràng tiêu dùng ở Trung Quốc đang rất yếu.
Thứ ba, tồi tệ và nguy hiểm hơn, khủng hoảng bất động sản đem lại nợ xấu và nguy cơ khủng hoảng cho cả khu vực ngân hàng được xem là nguồn cấp tín dụng quan trọng nhất cho tăng trưởng nhanh trong vài thập kỷ qua.
>> Trung Quốc "loay hoay" phục hồi sản xuất
Một khảo sát của Standard & Poor công bố ngày 15/4/2024 cho biết hệ thống ngân hàng của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với làn sóng nợ xấu lớn. Tỷ lệ nợ xấu theo tính toán sẽ dao động từ 5,5% - 5,9% trong khoảng thời gian 2024 – 2026. Tỷ lệ nợ xấu từ BĐS dự báo sẽ lên đỉnh 6,4% vào năm 2025 trước khi giảm xuống dưới 6% khi các ngân hàng cẩn trọng hơn trong cho vay BĐS. Nói cách khác, chính khu vực ngân hàng cũng cần phải được giải cứu; nếu không, nó sẽ đối mặt với khủng hoảng và sụp đổ, kéo theo cả nền kinh tế.
“Hạ gục” 2 trụ cột
Quan trọng không kém, cuộc thương chiến và xung đột địa chính trị với Mỹ và phương Tây đang “hạ gục” hai trụ cột quan trọng khác của nền kinh tế Trung Quốc, đó là xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Xuất khẩu kể từ 2022 luôn trong xu hướng giảm. Dù tháng 5/2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 1,5%, nhưng mức này vẫn được xem là yếu ớt. Quan trọng, mức tăng trưởng này chủ yếu là nhờ hàng loạt chính sách thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng được xác định là “chiến lược” của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai, đó là xe ô tô điện (EV), các tấm pin mặt trời, và pin cho xe điện. Không may, triển vọng của hướng đi này hiện cũng không có gì sáng sủa do cả Mỹ, EU và Canada đều đã nâng thuế rất mạnh đánh vào những hàng hóa này của Trung Quốc. Thậm chí, Mỹ đã tăng thuế lên 102% đối với xe điện Trung Quốc; còn EU đánh thuế lên tới 38% vì cho rằng Trung Quốc đã trợ cấp mạnh cho các sản phẩm này.
Động thái nói trên của Mỹ và phương Tây gây ra tình trạng dư thừa công suất quy mô lớn, làm méo mó thị trường toàn cầu và cạnh tranh không công bằng. Mỹ và phương Tây tuyên bố họ sẽ không chấp nhận tình trạng dư thừa, như sự dư thừa sắt thép hồi thập kỷ 2000 mà Trung Quốc gây ra biết bao thiệt hại cho các đối tác phương Tây.
Mặt khác, các lãnh đạo EU và NATO đều phát biểu rằng Trung Quốc đang giúp Nga làm hại châu Âu, lại vừa muốn kiếm lợi từ châu Âu là điều không thể. Trung Quốc không thể có cùng cả hai mục đích. Điều này cho thấy EU sẽ cứng rắn với Trung Quốc trong các vấn đề quan hệ kinh tế, báo hiệu những khó khăn trong thời gian tới.
Trong khi đó, dòng vốn FDI vào Trung Quốc đang sụt giảm thê thảm do thương chiến và xung đột địa chính trị với Mỹ và phương Tây ngày càng căng thẳng. Dòng vốn này trong 5 tháng đầu năm 2024 giảm tới 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp lớn phương Tây đang tăng tốc rời khỏi Trung Quốc sau một thời gian tìm được bến đỗ mới.
Xét cả bên trong và bên ngoài, tất cả các động lực cơ bản cho tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong vài thập kỷ qua đã và đang suy giảm mạnh. Đó lý do giải thích tình hình kinh tế Trung Quốc đang xấu đi nhanh chóng.
Triển vọng tăng trưởng GDP năm 2024 mà Thủ tướng Lý Cường công bố khoảng 5% vẫn được xem là mức thấp nhất trong vài thập kỷ qua với mức tăng trưởng trung bình là 10%/năm. Còn dự báo tăng trưởng GDP của 2025 và 2026 của Trung Quốc tiếp tục giảm xuống còn 3%/năm.
Kỳ II: Hiệu quả tới đâu?
Có thể bạn quan tâm
Nhiều doanh nghiệp lạc quan thận trọng về kinh tế Trung Quốc
03:30, 18/06/2024
Kinh tế Trung Quốc đang chậm lại hay đi vào ổn định?
03:30, 17/06/2024
Hydro xanh: Trụ cột thứ tư của kinh tế Trung Quốc
03:00, 16/06/2024
Mỹ “đánh chặn” thêm mũi nhọn kinh tế Trung Quốc
03:00, 11/06/2024
Kinh tế Trung Quốc vẫn chật vật, khả năng có thêm hỗ trợ chính sách
04:00, 16/05/2024
Kinh tế Trung Quốc chững lại, giới trẻ săn vàng để tiết kiệm
03:30, 30/04/2024
Điều chưa biết về kinh tế Trung Quốc
03:00, 08/04/2024