Đào tạo cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp

THANH HẢI 05/07/2024 01:48

Để tránh phải đào tạo lại, nhiều doanh nghiệp có xu thế liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo để tìm kiếm, đặt hàng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

>>Đào tạo nhân lực bán dẫn theo “tín hiệu” của thị trường

“Sự tham gia của các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là yếu tố bắt buộc. Có như vậy, sinh viên mới hiểu rõ những yêu cầu của thị trường lao động, tích lũy kiến thức cần thiết, bước chân vào thế giới việc làm một cách chủ động”- Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội với DĐDN.

Ông Điền cũng nhận định: Việt Nam đang thiếu lao động có tay nghề cũng như nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Để tránh phải đào tạo lại, nhiều doanh nghiệp có xu thế liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo để tìm kiếm, đặt hàng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Về phía nhà trường, đây là cơ hội để thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”. 

- Tuy nhiên, cơ chế hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thưa ông?

Sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là hợp tác hai bên cùng có lợi. Thông qua sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, nhà trường có thể tìm kiếm những chủ đề mà doanh nghiệp đang gặp phải, từ đó, hình thành các chương trình nghiên cứu hỗn hợp với doanh nghiệp, gắn chặt với thực tiễn để giải quyết những vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, họ mong muốn sinh viên các trường về kỹ thuật công nghệ, chỉ cần thời gian làm quen ngắn để có thể tham gia ngay vào thực tế sản xuất.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn tìm được những ứng viên phù hợp. Với các doanh nghiệp này, ngoài trình độ, kiến thức năng lực ra thì sự am hiểu về văn hóa doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Vậy nên khi nhà trường có các chủ trương về chương trình thực tập kéo dài khoảng 3 tháng, 6 tháng thì doanh nghiệp rất ủng hộ vì thông qua đó, doanh nghiệp có thể tìm được những ứng viên phù hợp, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư làm kỹ thuật.

Các trường cao đẳng, trung cấp trình diễn nghề tại diễn đàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

Các trường cao đẳng, trung cấp trình diễn nghề tại diễn đàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

Qua thời gian thực tập tại doanh nghiệp, các em sinh viên cũng làm quen với văn hóa doanh nghiệp, đã được học thông qua trải nghiệm một số kỹ thuật của doanh nghiệp. Như vậy, các em có thể rút ngắn thời gian và tiết kiệm được công sức của doanh nghiệp khi đi tìm ứng viên.

Thực ra nhà trường và doanh nghiệp hoàn toàn có thể hợp tác trong lĩnh vực đào tạo. Nhà trường ký hợp đồng gửi sinh viên đi thực tập và doanh nghiệp có thể phối hợp cùng xây dựng chương trình thực tập sinh viên. Như vậy, 2 bên hoàn toàn có thể hợp tác được. Tùy theo mức độ cố gắng của các trường đại học (ĐH) có thể hoàn thành được nhiệm vụ này.

- Nhưng đây mới dừng ở công tác “kết hợp”, để hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao không chỉ dừng lại ở sự kết hợp này, thưa ông?

Đúng vậy, về khía cạnh doanh nghiệp hợp tác sâu hơn, đó là việc nghiên cứu khoa học, các trường có thể cử những chuyên gia nghiên cứu phát triển xuống các doanh nghiệp để giải quyết vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp. Điều này, thực sự đang vướng về cơ chế. Làm sao tháo gỡ cơ chế tài chính để chi tiêu cho vấn đề nghiên cứu và giải quyết vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp từ nguồn nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp?

Có lẽ đây là một nút thắt. Tôi cho rằng, nếu giải quyết được nút thắt này thì có thể giải phóng được quỹ bắt buộc của doanh nghiệp cho nghiên cứu phát triển, đặc biệt cho đào tạo thì chắc chắn phần kinh phí sẽ được sử dụng hiệu quả, khai thông được mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp.

- Còn giải pháp riêng có của ĐH Bách Khoa là gì, thưa ông?

Nhà trường hợp tác doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Do vậy, việc hợp tác phải đưa vào chiến lược, chủ trương phát triển của từng trường. Tại Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp đang có sự hợp tác với Trường thông qua các hoạt động như hội chợ, ký kết doanh nghiệp, tham quan… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác theo chiều sâu nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

- ĐH Bách khoa Hà Nội đã có hướng đi thế nào để các em sinh viên đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thưa ông?

ĐH Bách khoa Hà Nội là trường đào tạo chủ chốt chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ. Đầu ra của ĐH Bách khoa Hà Nội là các kỹ sư, làm việc trong các doanh nghiệp đặc biệt là nghiên cứu phát triển, vận hành trong các hệ thống sản xuất hoặc phát triển các dự án trong các doanh nghiệp trọng tâm.

Trong quá trình học, sinh viên cần phải củng cố các kiến thức thực tiễn, tuy nhiên, dù chương trình đào tạo được thiết kế rất cẩn thận nhưng vẫn còn thiếu yếu tố về thực tiễn, vì rất nhiều việc, rất nhiều các kỹ năng các em sinh viên cần học qua trải nghiệm. Và giải pháp kết hợp với doanh nghiệp là chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo về khía cạnh này.

ĐH Bách khoa Hà Nội có truyền thống gắn kết với các doanh nghiệp từ rất lâu nên các tập đoàn công nghiệp của Việt Nam đều ký kết các văn bản hợp tác. Sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội luôn tìm được các địa điểm thực tập ở các doanh nghiệp.

Hiện tại chúng tôi cũng mở rộng hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp sản xuất có trình độ cao. Ví dụ như hệ thống của công ty LG, Samsung, hay các lĩnh vực khác…

Nhà trường luôn cải tiến quy trình thực tập cho sinh viên, kéo dài thời gian thực tập. Các em sinh viên sẽ có một khoảng thời gian làm việc thực tế tại doanh nghiệp để hiện thực hóa các kiến thức đã học trong trường vào công việc thực tế và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Đào tạo nhân lực bán dẫn theo “tín hiệu” của thị trường

    Đào tạo nhân lực bán dẫn theo “tín hiệu” của thị trường

    03:00, 18/06/2024

  • Cơ chế đột phá và vượt trội cho đào tạo nhân lực bán dẫn

    Cơ chế đột phá và vượt trội cho đào tạo nhân lực bán dẫn

    02:45, 28/04/2024

  • Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành du lịch

    Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành du lịch

    03:00, 23/12/2023

  • Mô hình đào tạo nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập

    Mô hình đào tạo nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập

    03:00, 09/02/2024

THANH HẢI