Giải pháp nào để phục hồi ngành vật liệu xây dựng?
Trước những khó khăn hiện tại, để phục hồi ngành vật liệu xây dựng, các chuyên gia đề nghị, cần đẩy mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công, cùng các chính sách gỡ khó về tín dụng, thuế của Chính phủ.
>> Vật liệu xây dựng trông chờ bất động sản
Những năm gần đây, ngành vật liệu xây dựng là một trong những ngành nghề có đóng góp không nhỏ cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, mỗi năm ngành này đóng góp trung bình khoảng 7% GDP của cả nước.
Tuy nhiên, sự ảm đạm của thị trường bất động sản trong suốt năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đã khiến sản lượng và doanh số bán ra của các sản phẩm vật liệu xây dựng tiếp tục giảm sâu. Hơn nữa, cước vận tải tăng làm tăng giá bán vật liệu xây dựng, cộng thêm hàng nhập khẩu đổ bộ, khiến cạnh tranh tiêu thụ càng thêm khó.
Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy, 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng, doanh thu nhiều mặt hàng trong nhóm ngành vật liệu xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, luyện cán thép chỉ sản xuất hơn 58,2 nghìn tấn, bằng 14,9% kế hoạch năm (390 nghìn tấn) và thấp hơn cùng kỳ năm 2023 gần 25 nghìn tấn. Sản lượng thép sản xuất giảm do tác động từ lượng nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm và xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh.
Đối với chỉ tiêu sản xuất bê tông và các sản phẩm từ bê tông, 4 tháng đầu năm 2024 thực hiện được 27.575 m3, bằng 27,6% kế hoạch năm (100 nghìn m3) và thấp hơn cùng kỳ năm 2023 là 4.526 m3.
Cùng với đó, ngành xi măng cũng chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các dự án đầu tư công triển khai chậm, nguồn cung xi măng vượt xa so với cầu; việc áp dụng cầu cạn cao tốc bằng bê tông cốt thép còn hạn chế, giải pháp sử dụng xi măng để gia cố, ổn định nền đất chưa được áp dụng; giá nguyên, nhiên liệu cho đầu vào cho sản xuất xi măng vẫn ở mức cao...
Trước thực trạng nêu trên, để phục hồi ngành vật liệu xây dựng, các chuyên gia kiến nghị giải pháp là đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở; tăng sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng các công trình giao thông...
>> Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, tăng cường tiêu thụ vật liệu xây dựng
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhận định, để khơi thông đầu ra cho ngành vật liệu xây dựng, mấu chốt phải đẩy nhanh tốc độ xây dựng, tăng tốc giải ngân đầu tư công, thúc thị trường bất động sản với trọng tâm là các dự án ở xã hội, nhà ở công nhân.
“Về quy hoạch, khi lập quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất thì phải có khu đô thị, trong đó phải có khu nhà ở xã hội. Tập trung vào các dự án này, từ đó dần gỡ khó cho ngành vật liệu”, ông Tống Văn Nga chia sẻ.
Ngoài ra, cần tăng cường sử dụng xi măng cho xây dựng đường giao thông, xây dựng cầu cạn ở vùng đồng bằng, nền đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long vì tiết kiệm đất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, chi phí bảo dưỡng thấp…
Đồng quan điểm, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho rằng, cần tập trung vào giải pháp tăng diện tích xây dựng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội và tăng tỷ lệ xây dựng cầu cạn đối với các công trình giao thông, trên các tuyến quốc lộ, cao tốc.
Trong đó, cần tập trung thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Mỗi năm xây dựng 150 nghìn căn nhà ở xã hội sẽ tiêu thụ 4 triệu tấn xi măng, 1 triệu tấn sắt thép, từ đó sẽ góp phần kích cầu các sản phẩm khác như sứ vệ sinh, gạch ốp lát, kính xây dựng, đạt được nhiều mục đích.
“Hiện tử lệ sử dụng cầu cạn trên các tuyến quốc lộ, cao tốc còn khá khiêm tốn, chỉ dưới 10%. Tuy nhiên thực tế tuyến cao tốc Sài Gòn – Trung Lương đã lên tới 30% cầu cạn nên việc nâng tỷ lệ cầu cạn lên 20- 30% là hoàn toàn khả thi. Xây cầu cạn không phải mất thời gian chờ lún, vừa có thể chủ động ứng phó thiên tai, tăng độ bền công trình. Nếu làm tốt các vấn đề này thì có thể giải quyết 70 - 80% lượng xi măng tồn”, ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, với ngành thép, sự phục hồi vẫn hạn chế, vì đơn hàng chỉ tập trung chủ yếu với các doanh nghiệp lớn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. Đặc biệt, lượng lớn hàng nhập khẩu tiếp tục tạo áp lực cạnh tranh khốc liệt.
Trong tình hình hiện tại, cùng với kiến nghị, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đề nghị, Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách ổn định tỷ giá, duy trì giá điện hợp lý, ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư với dự án thép có quy mô lớn, bởi đặc thù của các dự án sản xuất thép cần chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp ngành vật liệu gia nhập thị trường địa ốc
05:00, 22/06/2024
Vật liệu xây dựng trông chờ bất động sản
05:00, 19/06/2024
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng, tăng cường tiêu thụ vật liệu xây dựng
13:23, 15/06/2024
Sẽ có giải pháp nguyên vật liệu cát cho các dự án
15:14, 04/06/2024
Tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp
02:00, 28/04/2024