Nhận diện tham nhũng trong công tác cán bộ: Vụ lợi và toan tính

NGUYỄN VIỆT thực hiện 08/07/2024 04:30

Phần nhiều những trường hợp cố ý làm trái không chỉ do phong cách gia trưởng, độc đoán của người lãnh đạo mà đều có “bóng dáng” của vụ lợi và toan tính.

>>Nhận diện tham nhũng trong công tác cán bộ: Mối quan hệ “cộng sinh” nguy hiểm

Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với PGS,TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

PGS,TS. Bùi Hoài Sơn.

PGS,TS. Bùi Hoài Sơn.

Những vụ án lớn đã và đang được điều tra, xử lý vừa qua cho thấy, tham nhũng trong công tác cán bộ ngày càng phức tạp, nghiêm trọng về phạm vi, tính chất, hậu quả. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?

Tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng và phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dù vậy, trong thời gian vừa qua, việc các vụ án tham nhũng lớn được điều tra và xử lý là một bước tiến quan trọng trong việc chống lại hiện tượng này, đặc biệt là trong công tác cán bộ.

Công tác cán bộ bao giờ cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, và nhắc nhở không phải làm cán bộ để “thăng quan phát tài”, để làm “quan cách mạng”.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm uốn nắn cán bộ, tránh cho họ khỏi đi vào con đường tham ô, lãng phí, quan liêu, một thứ “giặc nội xâm”, nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, vì nó phá ta từ bên trong.

Như vậy, việc xử lý cán bộ tham nhũng và tham nhũng trong công tác cán bộ chính là cách chúng ta thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời được nhân dân đánh giá cao, giúp củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng đáng buồn này. Dù việc lựa chọn cán bộ trải qua nhiều khâu, nhiều bước, với nhiều đánh giá khác nhau… nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta vẫn cảm thấy chưa đạt được kỳ vọng “chọn được đúng người”.

Một số người sau khi được lựa chọn không đảm nhiệm được vị trí của mình, không xứng với sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có những biểu hiện tự mãn, buông xuôi, thoái hóa biến chất. Những ví dụ gần đây trong các vụ đại án như AIC, Việt Á, SCB, tập đoàn Phúc Sơn… đều có sự tham gia của cán bộ lãnh đạo các cấp.

Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”, với các điều khoản rất chặt chẽ, khoa học, dân chủ như quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ.

Quy trình có 5 bước nhưng nếu nơi nào người đứng đầu có biểu hiện cá nhân, độc đoán và tinh thần đấu tranh phê bình, tự phê bình nội bộ yếu thì thực chất việc đề bạt, bổ nhiệm chỉ là hình thức, kết quả cuối cùng đều theo ý kiến của người đứng đầu.

Như vậy, cần tính toán kỹ hơn về quy trình bổ nhiệm cán bộ một cách thực chất hơn nữa, trong đó đề cao hơn nữa trách nhiệm của người tiến cử, vai trò của cộng đồng dân cư và các bên liên quan khác trong quá trình đánh giá cán bộ.

Chúng ta thấy rất rõ sự kết hợp giữa quyền lực và lợi ích cá nhân. Một số cán bộ đã lợi dụng quyền lực của mình để đạt được lợi ích cho bản thân, hoặc cho nhóm lợi ích của mình mà không cần quan tâm đến hậu quả cho xã hội, cho nhân dân và cho Đảng.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế-xã hội cũng tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích kinh tế lớn. Các dự án lớn, giao dịch thương mại quốc tế, hay cả các quyết định chính sách có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ, và điều này có thể kích thích sự tham nhũng, ảnh hưởng đến công tác cán bộ.

Nhiều người xem việc lên chức, lên quyền gắn với việc làm giàu cho bản thân và gia đình. Thay vì đảm nhận vị trí để cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho nhân dân, thì họ lại tìm mọi cách để đạt được vị trí lãnh đạo và tìm mọi cách để kiếm lợi từ vị trí ấy. Dư luận xã hội đã nói đến tình trạng con ông cháu cha, hay 5 từ “ệ” như “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đồ đệ rồi mới đến trí tuệ” liên quan đến bổ nhiệm cán bộ.

Tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ rất nguy hại khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin nhân dân, cơ hội bình đẳng trong thăng tiến và tìm kiếm người thực tài, có đức cho đất nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

>>Quốc hội sẽ giám sát công tác phòng, chống tham nhũng

>>Tham nhũng, tiêu cực đe dọa vận mệnh của Đảng

Hàng loạt cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự trong thời gian qua.

Hàng loạt cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự trong thời gian qua.

Thực tế, phần nhiều những trường hợp cố ý làm trái không chỉ do phong cách gia trưởng, độc đoán của người lãnh đạo hay vun vén cho gia đình mà đều có “bóng dáng” của vụ lợi, toan tính, thậm chí “há miệng mắc quai”, bị “đại gia” chi phối, thưa ông?

Tôi cũng tin là như vậy, phần lớn các trường hợp tham nhũng và lạm dụng quyền lực không chỉ đến từ phong cách gia trưởng hay độc đoán của người lãnh đạo, mà còn phản ánh sự toan tính và vụ lợi cá nhân của cá nhân hoặc các nhóm lợi ích.

Những người này thường có “bóng dáng” của vụ lợi và toan tính, và thậm chí có thể bị chi phối hoặc tham gia vào mạng lưới tham nhũng của các “đại gia”. Việc “há miệng mắc quai” thường diễn ra khi các cán bộ, người đứng đầu không tuân thủ nguyên tắc đạo đức và pháp luật, và họ sẵn lòng nhận lợi ích cá nhân từ các hành động tham nhũng.

Điều này đã phản ánh một thực tế trong xã hội, tham nhũng đã tồn tại khá lâu, nhiều khi trở thành thói quen xấu của một bộ phận quan chức, khiến cho hành vi tham nhũng đôi lúc bị coi là điều bình thường hoặc “chấp nhận được”.

Chính vì thế, chúng ta càng phải quyết tâm hơn trong công cuộc phòng chống tham nhũng để trả lại môi trường trong lành, bình đẳng, tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước mà Đảng ta đang phát động và triển khai mạnh mẽ.

Để ngăn chặn tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ hiện nay, theo ông chúng ta cần phải có những giải pháp mạnh gì?

Trước hết, chúng ta phải nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của công tác cán bộ đối với sự phát triển bền vững đất nước, coi bố trí cán bộ phù hợp, đúng người, đúng việc là khâu đột phá trong mọi đột phá.

Tiếp theo đó, cần rà soát và tiếp tục triển khai thật tốt các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ. Khi các quy định đúng mà chọn cán bộ vẫn sai thì phải tìm hiểu thật kỹ về những nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn sai đó. Tôi tin tưởng vào ý kiến của nhân dân trong công tác đánh giá cán bộ.

Vấn đề của chúng ta là làm sao để có được những ý kiến thẳng thắn, trung thực, dám nói của nhân dân, những người liên quan trực tiếp đến cán bộ, tránh hình thức để đáp ứng quy định, quy trình.

Để khắc phục những bất cập đang xảy ra, chúng ta cần phải tiếp tục học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Đó là: “Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia. Chỉ sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”.

Hay “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa… Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Nhận diện tham nhũng trong công tác cán bộ: Mối quan hệ “cộng sinh” nguy hiểm

    03:30, 18/06/2024

  • Quốc hội sẽ giám sát công tác phòng, chống tham nhũng

    16:15, 08/06/2024

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 4 – Liêm chính trong kinh doanh

    03:00, 17/05/2024

  • “Bệnh” tham nhũng và “vi rút” kim tiền: Bài 3 – Chiếc phong bì … thông lệ “bôi trơn”

    03:00, 03/04/2024

NGUYỄN VIỆT thực hiện