Giá nhà quá cao nhóm khách hàng Việt kiều "khó với"

DIỆU HOA 05/07/2024 16:00

Trong quá khứ Việt kiều từng mua các sản phẩm cao cấp nhưng hiện nay giá của những sản phẩm này đã trở nên quá cao so với khả năng tài chính của nhóm khách hàng này.

>>"Rộng cửa" cho Việt kiều mua bất động sản

Phần lớn những người mua sản phẩm cao cấp và siêu cao cấp tại Việt Nam không phải Việt kiều.

Đó là chia sẻ của TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính - Bất động sản của Dat Xanh Services tại buổi công bố báo cáo nghiên cứu thị trường mới đây.

Giá cao, không phải "khẩu vị" của Việt kiều

Luật Đất đai 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1.8.2024, trong đó điểm thay đổi mới nhận được nhiều sự chú ý là chi tiết mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều. 

Cụ thể, Khoản 3 và khoản 6 điều 4 Luật Đất đai 2024 về "Người sử dụng đất" quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận, bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Quy định trên được kỳ vọng sẽ mở ra "cửa sáng" cho thị trường bất động sản tận dụng dòng vốn từ kiều hối.

Song, theo TS. Phạm Anh Khôi, trái ngược với suy nghĩ ban đầu của ông, phần lớn những người mua sản phẩm cao cấp và siêu cao cấp tại Việt Nam lại là người Việt Nam, không phải Việt kiều.

Dựa trên kinh nghiệm trực tiếp làm việc với tệp khách hàng này, ông Khôi cho biết hầu như những khách hàng giàu và siêu giàu ở Việt Nam mới có khả năng mua những sản phẩm này. Còn phần lớn khách hàng Việt kiều hiện nay đều tìm kiếm những sản phẩm đầu tư dài hạn nên họ tập trung vào các phân khúc có khả năng khai thác cho thuê, với mức sinh lời cao.

Theo vị chuyên gia, ở các quốc gia khác như Australia hay Mỹ thường có lãi suất tiết kiệm rất thấp. Do vậy, khi trở về quê nhà, Việt kiều sẽ tập trung vào sản phẩm có khả năng sinh lời 3-5%/năm, vừa túi tiền và có thể cho thuê ngay. Đây là nhu cầu rất lớn của Việt kiều.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Khánh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DXMD Việt Nam cũng tiết lộ rằng phần lớn Việt kiều từ Đông Nam Á mua bất động sản không phải để đầu tư, mà để người thân sở hữu nên thường chọn các phân khúc tầm trung, vừa với khả năng tài chính.

>>Tín hiệu tích cực từ dòng vốn FDI vào bất động sản

Cách nào tận dụng dòng kiều hối?

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng nguồn kiều hối kỷ lục 19 tỷ USD của năm 2022 đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất từ nước ngoài.

Tiêu chí để Việt kiều chuyển tiền vào đầu tư bất động sản là pháp lý rõ ràng. Ảnh: DH

Nhu cầu về kiều hối đối với lĩnh vực bất động sản đã được ghi nhận. Theo một thống kê từ 2016 của của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15-20% số tiền đó được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Có thể thấy rằng đây là nguồn vốn rất quan trọng đối với Việt Nam. 

Theo PSG. TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, một số Việt kiều có nhu cầu chuyển tiền về để đầu tư vào bất động sản vì nhận thấy giá đang rẻ, tiêu chí họ chọn mua đều là nhà đất có giấy tờ rõ ràng.

Theo ông Huân, trong thời gian tới, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tăng cao hơn nữa để đón đầu hiệu ứng chính sách, khi Luật Đất đai 2024 cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được nhận quyền sử dụng đất, được trực tiếp tham gia giao dịch bất động sản trong nước…, mà không cần phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch như trước đây.

Tuy vậy, để tận dụng dòng kiều hối này vào thị trường bất động sản, theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), để kéo lực cầu này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, viễn thông và các dịch vụ công cộng khác để tăng tính cạnh tranh của thị trường bất động sản và thu hút Việt kiều.

Đồng thời, cần thiết lập các chính sách thuế ưu đãi như giảm thuế hoặc miễn thuế đối với Việt kiều đầu tư vào bất động sản, đặc biệt là đối với những dự án có quy mô lớn hoặc mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường địa ốc kỳ vọng đón dòng vốn lớn từ kiều hối

    Thị trường địa ốc kỳ vọng đón dòng vốn lớn từ kiều hối

    03:00, 24/06/2024

  • Kiều hối đổ vào bất động sản

    Kiều hối đổ vào bất động sản

    12:00, 05/05/2024

  • Dòng kiều hối sẽ đổ mạnh vào bất động sản

    Dòng kiều hối sẽ đổ mạnh vào bất động sản

    04:00, 02/05/2024

  • TP.HCM: Huy động kiều hối qua kênh phát hành trái phiếu dự án và trái phiếu đô thị

    TP.HCM: Huy động kiều hối qua kênh phát hành trái phiếu dự án và trái phiếu đô thị

    17:00, 23/04/2024

DIỆU HOA