Tháo gỡ khó khăn cho ngành gốm sứ xây dựng
Trước tình hình sản xuất và tiêu thụ gạch ốp lát và sứ vệ sinh của Việt Nam đang thụt lùi đáng kể, các chuyên gia kiến nghị nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
>> Giải pháp nào để phục hồi ngành vật liệu xây dựng?
Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, thị trường bất động sản trong nước giảm sâu, nhiều doanh nghiệp phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng triển khai chậm. Đây là những nguyên nhân chính gây ra tắc nghẽn đầu ra cho chuỗi sản xuất cung ứng vật liệu xây dựng từ khâu khai thác khoáng sản làm nguyên liệu cho đến khâu sản xuất và cung ứng đến công trình.
Đơn cử như gạch ốp lát, theo Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, tổng công suất thiết kế mặt hàng này hiện là 839 triệu m2, sứ vệ sinh là 26 triệu sản phẩm. Với công suất này, ngành sản xuất gốm sứ Việt Nam đứng đầu ASEAN và đứng thứ 4 thế giới. Đáng nói, trước dịch Covid-19, doanh thu toàn ngành đạt 4 tỷ USD/năm, nhưng từ năm 2022 đến nay, sản lượng sản xuất thực tế sa sút, chỉ đạt 55 - 60% công suất.
Trong năm 2023, sản lượng sản xuất gạch ốp lát đạt khoảng 386,5 triệu m2, giảm khoảng 15%, sản lượng tiêu thụ khoảng 291,5 triệu m2, giảm 25% so với năm 2022. Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm khoảng 25% so với năm 2022, sản lượng tiêu thụ khoảng 11 triệu sản phẩm. Lượng hàng tồn kho của 2 loại sản phẩm này tại các nhà máy hiện nay rất lớn.
Mặt khác, dịch bệnh, chiến tranh ở một số khu vực đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Nhiều quốc gia đã rơi vào khủng hoảng kinh tế, dẫn đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Một số sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất trong nước gặp phải sự cạnh tranh gay gắt bởi hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Đơn cử như gạch ốp lát Ấn Độ đang ồ ạt vào thị trường Việt Nam, năm 2022 đã đạt 45 triệu USD, năm 2023 đã đạt tới 50,6 triệu USD, tăng trên 10% so với năm 2022.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác dẫn tới khó khăn của ngành gốm sứ xây dựng là do nguồn nguyên liệu (đất sét, cao lanh...) khan hiếm dần, các nhà máy hầu như không có mỏ nên đều phải mua gom. Đặc biệt, các doanh nghiệp gặp khó khi đi thu mua nguyên liệu tại các vùng Hải Dương, Bắc Giang...
>> Vật liệu xây dựng trông chờ bất động sản
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một loạt nội dung lớn, trong đó quy hoạch các vùng nguyên liệu, xét cấp mỏ gắn với nhà sản xuất chế biến sâu nâng cao chất lượng nguyên liệu.
“Trong lĩnh vực gạch ốp lát, chỉ cho phép đầu tư để thay thế các dây chuyền sản xuất đã lạc hậu, không cấp phép cho đầu tư mới. Chính phủ tạo dựng ngân quỹ quảng bá thương hiệu sản phẩm gốm sứ xây dựng Việt Nam, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp ngành gốm sứ tham gia những hội chợ, triển lãm quốc tế”, ông Đinh Quang Huy nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ chấp thuận quy trình cấp chứng chỉ đối với hàng nhập khẩu, cho phép kiểm tra đầu nguồn các sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu vào Việt Nam giống như quy trình cấp chứng chỉ của các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia..., đang thực hiện đối với sản phẩm gạch ốp lát của Việt Nam.
Trong đó có quy định cử đoàn đến kiểm tra tại nhà máy sản xuất để bảo đảm chất lượng hàng hóa trước khi được nhập khẩu vào thị trường. Việc kiểm tra đầu nguồn này gắn với hồ sơ hải quan và đạt yêu cầu thì hàng mới được thông quan.
Xoay quanh vấn đề này, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng, khi hoạt động đầu tư xây dựng và tiêu thụ vật liệu xây dựng, đặc biệt là các mặt hàng gạch ốp lát, sứ vệ sinh ở trong nước đang còn trầm lắng thì cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng đã có những giải pháp và phối hợp đồng bộ với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan về những chính sách thuế xuất khẩu phù hợp.
“Ví dụ trong khi hàng hóa vật liệu xây dựng trong nước còn tồn đọng, mà chất lượng sản phẩm của chúng ta lại ngang bằng với tiêu chuẩn của thế giới thì chính sách thuế cần điều chỉnh linh hoạt như giảm thuế xuất khẩu cho các mặt hàng vật liệu xây dựng để có tính cạnh tranh khi xuất khẩu hàng trong nước ra nước ngoài. Đây cũng chính là một trong những giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn của ngành Gốm sứ xây dựng nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung trong giai đoạn hiện nay”, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng chia sẻ.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, trong vài năm qua, gạch ốp lát Ấn Độ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam chiếm tới 50% tổng lượng nhập khẩu, vượt quá mức 3% theo quy định của WTO là được phép soát xét. Không những thế, gạch ốp lát Ấn Độ còn bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương ủng hộ trong vụ việc tiến hành điều tra bán phá giá gạch ốp lát nhập khẩu từ thị trường này. Đây cũng là biện pháp thiết thực để bảo vệ thị trường trong nước và ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp nào để phục hồi ngành vật liệu xây dựng?
03:00, 05/07/2024
Tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp
02:00, 28/04/2024
Xanh hoá vật liệu xây dựng
21:49, 25/04/2024
Ngành vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi từ việc kích cầu đầu tư công trong năm 2024
04:30, 14/04/2024
Ngành vật liệu xây dựng vẫn chưa có điểm sáng
02:57, 03/04/2024