Đề xuất tăng thuế “sốc” với rượu bia: Chuyên gia nói gì?

KHÔI NGUYÊN 07/07/2024 02:30

Trước đề xuất tăng thuế “sốc” đối với rượu bia, chuyên gia cho rằng, việc thay đổi chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng…

>>Tăng 10 % thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có hợp lý?

IHHIIHIH

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình 2026 - 2030 với mức thuế cao nhất lên tới 100%. Ảnh minh hoạ

Theo đó, tại Hồ sơ dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình 2026 - 2030 với mức thuế cao nhất lên tới 100%. Lo lắng trước đề xuất này, Hiệp hội Bia – rượu nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia lên mức tuyệt đối sẽ khiến doanh nghiệp trong ngành gặp "khó khăn chưa từng có trong lịch sử".

Trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính ngày 1/7 vừa qua, VBA cũng đã bày tỏ lo ngại việc tăng thuế sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước. Đặc biệt, tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và bất hợp pháp cho hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng. Đưa ra dẫn chứng số liệu cụ thể, VBA cho biết hiện nay ước sản lượng những sản phẩm bia nhái thương hiệu khoảng 200-300 triệu lít.

Cũng theo VBA, phần đánh giá tác động tại Hồ sơ Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) chưa đề cập đến những tác động đầy đủ và toàn diện như vị trí và những đóng góp đáng kể của ngành đồ uống cho xã hội và nền kinh tế nói chung. Do đó, VBA cho rằng cần xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý để tránh gây "sốc", ổn định thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới.

Nêu quan điểm về đề xuất của Bộ Tài chính trước những khó khăn của các doanh nghiệp ngành đồ uống, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các doanh nghiệp cần đưa ra những lập luận và số liệu cụ thể khi phản biện chính sách. Hiện tại, Bộ Tài chính chưa cung cấp cơ sở khoa học về tác động của chính sách đến ngành, người lao động, và chuỗi cung ứng. “Các doanh nghiệp nên chủ động cung cấp thông tin và dữ liệu để thuyết phục cơ quan soạn thảo và Quốc hội”, TS. Nguyễn Minh Thảo nói.

>>Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?

ihihihih

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, chuyên gia cho rằng nên duy trì ổn định các thể chế/chính sách nhằm tiếp sức doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước. Ảnh minh hoạ

Dù ủng hộ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, tuy nhiên, chia sẻ trên báo Dân trí, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng nên duy trì ổn định các thể chế/chính sách nhằm tiếp sức doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước. Theo ông Việt, việc thay đổi chính sách cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

"Có 2 vấn đề cần xem xét, thứ nhất có nhất thiết phải tăng thuế hay không. Nếu có thì tăng ở thời điểm nào và mức độ nào, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn", vị chuyên gia nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông Việt cũng cho rằng, các chính sách cũng cần có lộ trình để hạn chế những rủi ro đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp. "Mỗi doanh nghiệp trong một ngành sẽ gặp nhiều bất lợi do những thay đổi quá đột ngột hoặc quá mạnh của chính sách, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các lĩnh vực khác", ông Việt phân tích.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lại ủng hộ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu trên 20 độ của Bộ Tài chính bởi theo ông Thịnh lý giải, sắc thuế này đối với mặt hàng bia rượu của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều nước.

"Tình trạng gia tăng tiêu dùng đối với rượu, bia lại liên tục tăng qua các năm. Việt Nam là một trong số quốc gia có tốc độ tăng trưởng tiêu dùng rượu, bia trên đầu người cao nhất châu Á", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Theo vị chuyên gia này, chính sách tăng thuế với rượu, bia là bài toán lâu dài để đảm bảo lượng tiêu thụ ở mức thấp. Về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Thịnh cho rằng doanh nghiệp sản xuất nên thực hiện tái cấu trúc để đáp ứng yêu cầu của xã hội và vì lợi ích lâu dài của thế hệ mai sau.

Có thể bạn quan tâm

  • Áp thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào với bia rượu để đạt hiệu quả?

    Áp thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào với bia rượu để đạt hiệu quả?

    04:30, 19/06/2024

  • Tăng 10 % thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có hợp lý?

    Tăng 10 % thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường có hợp lý?

    03:00, 17/06/2024

  • Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?

    Có nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?

    03:00, 15/06/2024

  • Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cân nhắc ban hành trong khung thời gian phù hợp

    Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cân nhắc ban hành trong khung thời gian phù hợp

    04:00, 12/06/2024

KHÔI NGUYÊN