Phòng vệ thương mại: Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng
Trước bối cảnh gia tăng nhanh chóng hàng hóa nhập khẩu, để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, cần tiếp tục đẩy mạnh biện pháp phòng vệ thương mại.
>> Giảm rủi ro phòng vệ thương mại: Cần chủ động ứng phó sớm
Thực tế cho thấy, khi năng lực sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp ngày càng nâng cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài thì các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đã đem lại những kết quả tích cực, giúp các ngành hàng xuất khẩu thuận lợi hơn.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho biết đã triển khai điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại. Trong đó, tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 1 vụ việc mới; tiếp nhận và xử lý 7 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Hiện tại, có 4 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực với các sản phẩm thép nhập khẩu và 1 biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm liên quan tới thép (vật liệu hàn), 2 vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm cáp thép dự ứng lực và tháp điện gió. Bộ Công Thương cũng đang tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội (AD01) và thép phủ màu (AD04) để đánh giá hiệu quả biện pháp cũng như khả năng tiếp tục gia hạn thêm 5 năm. Dự kiến, trong tháng 10 năm nay sẽ có kết quả rà soát của 2 vụ việc này.
Về công tác kháng kiện, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (138 vụ), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (50 vụ), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (37 vụ) và chống trợ cấp (27 vụ).
Đáng chú ý, nguy cơ hàng Việt bị kiện phòng vệ thương mại trong thời gian tới là hiện hữu, khi kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh cũng đặt ra nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại gia tăng. Do đó, các biện pháp phòng vệ thương mại bảo vệ sản xuất trong nước cần tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với vụ kiện phòng vệ thương mại nhằm giảm rủi ro và tăng lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu.
>> Tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ doanh nghiệp nội
Xoay quanh vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, bất cứ mặt hàng nào bị điều tra phòng vệ thương mại và dẫn tới bị áp thuế đều sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn tới mất uy tín về thương hiệu, thị phần tại thị trường quốc tế.
“Mặt khác, trước các nguy cơ, thách thức về điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài, cơ quan chức năng cần xây dựng hàng rào phòng vệ thương mại trong nước vững chắc và được kiểm soát, cập nhật thường xuyên để đảm bảo hiệu ứng, hiệu quả trên thực tế, tránh gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước cũng như môi trường đầu tư trong nước”, ông Phong nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, không chỉ các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không công bằng, mà còn tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Đặc biệt, ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài.
“Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng phòng vệ thương mại đối với các nguyên liệu cơ bản cũng giúp tăng khả năng tận dụng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do ta đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế thu được vào ngân sách nhà nước", ông Trịnh Anh Tuấn cho hay.
Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại thông qua việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác phòng vệ thương mại trong 5 năm qua.
Có thể bạn quan tâm
Giảm rủi ro phòng vệ thương mại: Cần chủ động ứng phó sớm
04:00, 19/03/2024
Tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ doanh nghiệp nội
03:40, 07/03/2024
Phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải ứng phó thế nào?
03:30, 30/01/2024
Chú trọng cảnh báo sớm để tạo lợi thế trong phòng vệ thương mại
04:00, 10/01/2024
Tăng cường nguồn lực cho… phòng vệ thương mại
04:00, 19/01/2023