Chính sách thu hút FDI (Kỳ I): Lợi thế truyền thống không còn hấp dẫn
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đến Việt Nam, nhưng sau đó chọn quốc gia khác để đầu tư. Những lợi thế truyền thống có vẻ như đã không còn hấp dẫn.
>>Nvidia cho thấy điều gì về tương lai kinh tế toàn cầu?
Sau cú sốc đại dịch COVID-19 và căng thẳng Mỹ - Trung trở nên sâu sắc hơn, môi trường đầu tư toàn cầu đã có nhiều thay đổi. Trong khi Trung Quốc bắt đầu “sàng lọc” nền kinh tế thì Mỹ đã ban hành nhiều đạo luật thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mới.
Nhiều tập đoàn lớn tính toán rời khỏi Trung Quốc để tìm bến đỗ mới, hình thành chuỗi cung ứng do Mỹ và đối tác thân cận chủ trì. Các công ty Trung Quốc công khai cạnh tranh với những doanh nghiệp phương Tây - trước đây đã từng được xem là đầu mối chuyển giao công nghệ.
Sự thay đổi đáng chú ý nhất là cách tiếp cận mới của Mỹ trong thu hút đầu tư, với đạo luật “Chips và khoa học” - dành ra 39 tỷ USD tiền tài trợ cộng với 75 tỷ USD tiền cho vay và bảo lãnh, đã thúc đẩy hơn 200 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn.
Chính phủ Mỹ có kế hoạch chi trả trên 6,4 tỷ USD tiền trợ cấp cho công ty điện tử Samsung (Hàn Quốc) để hãng tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Texas, nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, quốc phòng và ô tô điện của Mỹ.
Intel đã nhận được gần 20 tỷ USD tiền tài trợ và cho vay; TSMC, nhà sản xuất chip chính cho các hãng công nghệ Nvidia và Apple, nhận được 11,6 tỷ USD theo đạo luật nói trên.
Mỹ đã thay đổi cách thức thu hút đầu tư bằng cuộc chơi vô cùng đắt đỏ, điều đó đã khiến những lợi thế truyền thống như lao động giá rẻ, ưu đãi thuế, đất đai, chính sách “mềm”,… trở nên nhạt nhòa.
Điều đáng nói, trước đây các đặc điểm truyền thống thường là thế mạnh duy nhất tại các nền kinh tế đang phát triển. Giờ đây, bài toán hóc búa đặt ra với những quốc gia không đủ tiềm lực tài chính để hỗ trợ trực tiếp cho nhà đầu tư.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết, nhiều tập đoàn lớn đã đến khảo sát, nghiên cứu,... nhưng chọn nơi khác để đầu tư. Nhà sản xuất pin LG Chemical chọn Indonesia vì nước này đáp ứng yêu cầu hỗ trợ 30% chi phí sản xuất.
Intel đề xuất dự án sản xuất chip 3,3 tỷ USD ở Việt Nam, nhưng đề xuất hỗ trợ 15% tiền mặt, sau đó chuyển sang Ba Lan; Tập đoàn bán dẫn AT&S (Áo) đã khảo sát, dự kiến đầu tư, nhưng Việt Nam không đáp ứng được về hỗ trợ theo chi phí và lao động công nghệ cao có sẵn, nên đã chuyển sang Malaysia.
>>Nvidia đầu tư vào Indonesia: Việt Nam đáng lo ngại?
Các CEO Apple, Nvidia cũng đến Việt Nam. Sau đó, “táo khuyết” lại cam kết tăng gấp 5 lần quy mô đầu tư tại Ấn Độ; còn công ty chip giá trị nhất hiện nay - Nvidia chọn căn cứ địa tại châu Âu, đầu tư trung tâm R&D tại Nhật Bản, làm hạ tầng AI tại Singapore, xây dựng trung tâm dữ liệu ở Malaysia,…
Xu hướng đầu tư của những công ty bán dẫn hàng đầu như Nvidia, Samsung, Intel cho thấy, họ chọn nhà giàu - nơi có thể trợ cấp khoản tiền mặt, thay vì tìm kiếm lợi thế cạnh tranh truyền thống.
Trên thực tế, các ngành công nghiệp mới không cần nhiều nhân lực phổ thông như may mặc, láp ráp máy móc, thực phẩm. Cái mà các nhà đầu tư cần là vốn dồi dào, nền tảng công nghệ sẵn có... Nói cách khác, ưu thế công nghệ đang thay thế ưu điểm giá cả lao động, thuế.
Ba thập kỷ trước, phương Tây ồ ạt đầu tư sang châu Á, đến nay những ngành công nghiệp cũ đã tới hạn, nhường chỗ cho bán dẫn, năng lượng tái tạo, AI. Lúc này, phương Tây đã “đánh trống thu quân”. Chưa bao giờ cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài đắt đỏ như bây giờ.
Còn tiếp…
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để thu hút đầu tư
17:10, 03/07/2024
Đông Nam Á tiếp tục là "điểm sáng" thu hút đầu tư toàn cầu
03:00, 30/06/2024
Nam Định: Tạo bứt phá trong thu hút đầu tư
02:04, 30/06/2024
Phương thức mới trong thu hút đầu tư tại Nghệ An
07:22, 26/06/2024
Bình Dương: Mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư
06:33, 22/06/2024