Hải Dương: Kết nối vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng là khả năng tiếp cận vốn.
>>>Hải Dương: Tạo không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hải Dương được kết nối với một số quỹ đầu tư để tiếp cận vốn, huy động vốn, vay vốn.
Tọa đàm kết nối
Đặc thù của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là sản phẩm, công nghệ mới gần như chưa có trên thị trường, phải có định hướng phát triển nhanh chóng với mô hình kinh doanh có thể lặp lại dễ dàng và áp dụng trên mọi địa lý.
Mới đây, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương đã tổ chức tọa đàm kết nối đầu tư cho doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hải Dương. Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp cũng đã được nghe Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đã giới thiệu về các hoạt động, chương trình hỗ trợ; Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giới thiệu cách thức tiếp cận vốn; giới thiệu Quỹ đầu tư tác động IIX, dự án sẵn sàng cho đầu tư tạo tác động IIRV; hướng dẫn hỗ trợ kỹ thuật và kết nối, huy động vốn với các nhà đầu tư nước ngoài thông qua nền tảng Impact Partners …
Tại chương trình, các doanh nghiệp đã đặt nhiều câu hỏi đối với đại diện các quỹ như: quỹ sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp như thế nào; doanh nghiệp sẽ được đào tạo những gì; lãi suất, thủ tục của các quỹ hỗ trợ khác gì so với lãi suất, thủ tục cho vay của các ngân hàng hiện nay; có cạnh tranh gì giữa các quỹ và ngân hàng hay không; ngành nghề gì mà các quỹ đang hướng đến để hỗ trợ cho các doanh nghiệp…
Tại buổi tọa đàm ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, trong thời gian tới, Hải Dương sẽ tập trung tối đa các nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh và kết nối liên vùng để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, Hải Dương đang xây dựng đề án thành lập khu kinh tế chuyên biệt để tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khu kinh tế chuyên biệt sẽ được chia thành 7 phân khu gồm: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp với dự kiến gồm 13 khu công nghiệp (diện tích dự kiến 3.001 ha), 3 cụm công nghiệp (dự kiến diện tích 150 ha). Khu thương mại dịch vụ, logistic có diện tích khoảng 75 ha. Khu trung tâm đổi mới sáng tạo (hạt nhân phát triển công nghiệp công nghệ cao) có diện tích khoảng 60 ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Hải Dương phù hợp với thực tế của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đề nghị qua tọa đàm, các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nhằm hỗ trợ, tài trợ để hiện thực hóa các ý tưởng; huy động và khơi thông được các nguồn lực để doanh nghiệp phát triển, góp phần giúp Hải Dương phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, tiên phong trong hoạt động đổi mới, sáng tạo.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương còn đề nghị, các quỹ khởi nghiệp, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư sẽ quan tâm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hải Dương; ươm mầm cho những ước mơ, chắp cánh cho các ý tưởng khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; nâng cao hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh; nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Hải Dương, các Đề án: “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2025"; "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030"...
Ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng tin tưởng rằng với kinh nghiệm và trí tuệ của các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp tham dự chương trình tọa đàm sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Hải Dương phù hợp yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Thông qua chương trình tọa đàm, bước đầu có thể giới thiệu, kết nối cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận được với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư; huy động và khơi thông được các nguồn lực, góp phần đưa Hải Dương trở thành một tỉnh có nhiều đột phá và điểm nhấn về phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, tiên phong trong hoạt động đổi mới sáng tạo.
Ông Quân cũng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm, tập hợp thành tài liệu để nghiên cứu và tiếp tục tham mưu với tỉnh các chủ trương, chính sách về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một cách hữu hiệu nhất.
Chính sách hỗ trợ
Ông Phạm Văn Mạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương cho biết, trong những năm qua, Hải Dương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát huy tối đã tiềm năng, lợi thế vốn có… để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển như: Nghị quyết 23/2023 của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019 - 2025"; đề án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030"…
Được biết, tỉnh Hải Dương đã khuyến khích thành lập trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Cụ thể tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư kinh phí hoặc kết nối với các doanh nghiệp, quỹ mạo hiểm để phát triển các ý tưởng và dự án.
Đây là mục tiêu được UBND tỉnh Hải Dương đưa ra tại Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu thực hiện.
UBND tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp các doanh nghiệp tổ chức hoạt động giao lưu, khởi nghiệp cho học viên; tổ chức thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ thực tiễn đề xuất các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hữu ích.
Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành lập các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp hoặc câu lạc bộ khởi nghiệp phù hợp ngành, nghề đào tạo, tạo không gian khởi nghiệp.
Đây là một trong những chương trình giúp Hải Dương thực hiện “Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”.
Có thể bạn quan tâm