Xây dựng doanh nhân Việt Nam có tâm - tầm - trách nhiệm
“Nếu tất cả doanh nhân Việt Nam đều sống có tâm vì sự phát triển đất nước, vì người lao động của đơn vị mình và vì giá trị sản phẩm đem lại cho xã hội, tôi tin rằng đất nước sẽ phát triển”.
>>Chiến thuật xuất khẩu gạo trong sân chơi CPTPP
Đó là chia sẻ của ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed với Doanh Nhân.
- Đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Ông có cảm nhận như thế nào?
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc. Đội ngũ doanh nhân đã ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, cũng có 4 điểm cần nhìn lại và đánh giá cho đúng về đội ngũ doanh nhân. Thứ nhất, doanh nghiệp chúng ta nhỏ, trình độ quản trị thấp, vốn ít, khoa học công nghệ lạc hậu, những doanh nghiệp lớn dẫn dắt chưa nhiều. Thứ hai, tính liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp chưa tốt, chưa thật chặt chẽ. Có không ít doanh nhân đang đặt lợi ích cá nhân, lợi ích kinh tế lên trên tất cả mọi lợi ích của xã hội. Thứ ba, việc đào tạo đội ngũ doanh nhân chưa thật tốt. Hiện nay, các trường mới chủ yếu đào tạo về quản trị và coi nhẹ việc đào tạo về đạo đức doanh nhân. Thứ tư, cơ chế, chính sách không đồng bộ, dẫn đến việc triển khai thực hiện bị méo mó. Nhiều doanh nhân đã lợi dụng cơ chế chính sách không đồng bộ, không chặt chẽ để trục lợi. Đó là vấn đề mà những người làm doanh nhân chúng tôi trăn trở.
- Tại Nghị quyết 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới, đạo đức doanh nhân là nhân tố quan trọng để đưa doanh nghiệp phát triển. Là một doanh nhân ông nhìn nhận vấn đề này ra sao, thưa ông?
Đạo đức doanh nhân là cốt lõi để đưa doanh nghiệp phát triển. Doanh nhân phải đem giá trị của mình đến xã hội, phải mang giá trị sáng tạo và công sức bản thân mình đóng góp cho xã hội. Trách nhiệm của doanh nghiệp là sản phẩm đưa ra phải tăng giá trị xã hội, tăng ý nghĩa cuộc sống cho những người sử dụng sản phẩm.
Vì vậy, chúng ta phải xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có tầm, có tâm, có đức và có trách nhiệm xã hội.
- Ông có nói đến sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam chưa chặt chẽ. Điều này sẽ có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của doanh nghiệp, thưa ông?
Doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự liên kết chặt chẽ. Ví dụ ngày xưa tôi học quản trị kinh doanh, người ta nói rằng nếu một người Việt Nam với 1 người Nhật Bản thì Việt Nam thắng, nhưng 3 người Việt Nam với 3 người Nhật Bản thì Việt Nam thua. Đó chính là do tính liên kết.
Tôi thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đâu đó có tính nghi kị. Trong các doanh nghiệp cùng ngành cũng không hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau chưa nói đến các ngành khác, chúng ta đang mạnh ai người ấy làm. Điều này cần phải thay đổi.
Các cụ ngày xưa đã dạy buôn có bạn, bán có phường làm ăn có xóm, có làng mới vui nhưng hiện đang có hiện tượng người nọ nói xấu người kia thậm chí dùng cả những thủ đoạn thao túng trong kinh doanh.
Nếu tất cả doanh nhân Việt Nam đều sống có tâm vì sự phát triển đất nước, vì người lao động của đơn vị mình và vì giá trị sản phẩm mà doanh nghiệp đem lại cho xã hội, tôi tin rằng đất nước sẽ phát triển.
- Ông có kỳ vọng thế nào về Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới?
Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống phải dưới sự chỉ đạo từ Trung ương đến các Bộ, ngành, địa phương để làm sao cán bộ nhận thức đúng về vai trò của giới doanh nhân. Thứ 2 là phải ban hành cơ chế chính sách chặt chẽ, phù hợp.
Ở trong doanh nghiệp phải đào tạo, hướng dẫn người lao động. Người lao động phải có trách nhiệm với doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người lao động. Việc đào tạo, giáo dục, xây dựng văn hóa doanh nghiệp sao cho tốt, đó chính là trách nhiệm của giới doanh nhân.
Vấn đề nữa chúng ta phải tăng cường hội nhập, nhân rộng những điển hình, những người tốt một cách kịp thời nhưng phải đúng. Đó chính là mong mỏi, sự trông đợi của giới doanh nhân chúng tôi với Nghị quyết 41. Nếu thực hiện được Nghị quyết 41 tốt, thì tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để thu hút đầu tư
17:10, 03/07/2024
Sửa Luật thuế 71: Vì một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững
15:45, 17/06/2024
Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp
04:30, 04/06/2024
Các startup nông nghiệp bền vững thu hút vốn đầu tư "khủng"
15:23, 02/06/2024