Đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng
Đối với đảng viên, đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Nhiều chỉ thị, nghị quyết xây dựng Đảng về đạo đức đã được ban hành, thể hiện tư duy mới.
>>Nhận diện tham nhũng trong công tác cán bộ: Mối quan hệ “cộng sinh” nguy hiểm
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35 về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, ngày 9/7.
Cụ thể, tại Đại hội Đảng lần thứ XII lần đầu tiên đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, một lần nữa Đảng nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện cả về chính trị, về tư tưởng, về đạo đức, về tổ chức và cán bộ. Đây là tư duy rất mới.
Có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống
"Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng đã thực hiện nêu gương bằng những việc làm, những hành động cụ thể với phương châm “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau”, học tập đi đôi với làm theo. Nhiều cán bộ, đảng viên là tấm gương mẫu mực trong học tập, công tác, lao động, sản xuất và chiến đấu", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng chỉ ra một số bất cập như công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự mẫu mực.
Cá biệt có một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thậm chí, cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao do Trung ương quản lý.
Nguyên nhân căn bản của hạn chế, tồn tại trên là do sự thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên. “Do đó, đòi hỏi cần có chế tài, hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh song song với biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện mang tính phòng ngừa tích cực”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Vẫn theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, trong 3 nhiệm kỳ từ Đại hội XI, XII, XIII, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách rất quyết liệt thể hiện “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, nhằm đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tinh trạng tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Minh chứng rõ nét là các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan hành vi sai trái diễn ra từ những năm trước và cả sai phạm mới phát sinh. Khởi tố nhiều cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương.
>>Nhận diện tham nhũng trong công tác cán bộ: Vụ lợi và toan tính
>>Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức
Quyết liệt với “không vùng cấm”, “không ngoại lệ”
Điểm mới là từ khởi tố ban đầu về hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu, làm rõ bản chất vụ án, khởi tố hành vi vi phạm về tham nhũng, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ, khi Ban Tuyên giáo Trung ương điều tra dư luận xã hội thì trên 83% cán bộ, đảng viên, nhân dân khi được hỏi đều đồng tình phải kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa bàn phân công, phụ trách.
Bên cạnh đó, phải kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút. Điều này thể hiện sự nghiêm minh, cũng như rất nhân văn, đưa việc "có lên có xuống, có vào, có ra" dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ.
Ngoài ra, việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp. Trong đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều cán bộ diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý, thể hiện tinh thần kiên quyết, nghiêm minh và tinh thần này được thể hiện từ Trung ương xuống địa phương.
Điều quan trọng, cốt lõi trong việc triển khai Quy định 144 là làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần sâu sắc quy định, làm cho đạo đức cách mạng trở thành nét đặc trưng, nổi bật ở người cán bộ, đảng viên; trở thành vũ khí sắc bén, vượt qua mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
“Để từ đó thúc đẩy xây dựng, củng cố nền tảng đạo đức, văn hóa xã hội, làm cho văn hóa, con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển và bảo vệ đất nước”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ.
Quy định 144 quy định 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, gồm: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. |
Có thể bạn quan tâm
Nhận diện tham nhũng trong công tác cán bộ: Vụ lợi và toan tính
04:30, 08/07/2024
Nhận diện tham nhũng trong công tác cán bộ: Mối quan hệ “cộng sinh” nguy hiểm
03:30, 18/06/2024
Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức
09:30, 06/06/2024