FED đang tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất?

TRƯỜNG ĐẶNG 11/07/2024 03:30

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell trong phiên điều trần trước Quốc hội đã giảm nhẹ vai trò của chỉ số việc làm Mỹ, qua đó gợi ý về khả năng cắt giảm lãi suất trong tương lai gần.

FED vừa hạ giảm tác động của các chỉ số liên quan tới thị trường lao động Mỹ

Chủ tịch FED vừa giảm tác động của các chỉ số liên quan tới thị trường lao động Mỹ. 

Thị trường lao động "hạ nhiệt"

Tại phiên điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch FED Jerome Powell đã thực hiện một sự thay đổi nhỏ nhưng quan trọng, đưa ngân hàng trung ương tiến gần hơn đến việc hạ lãi suất khi gợi ý rằng sự giảm nhiệt thêm trong thị trường lao động có thể là điều không mong muốn.

>>FED bị “dồn vào chân tường”, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?

Ông Powell nói với Ủy ban Ngân hàng Thượng viện trong ngày điều trần đầu tiên vào thứ Ba vừa qua rằng: “Chúng tôi đã thấy thị trường lao động đã "giảm nhiệt" rất đáng kể trên nhiều chỉ số... Điều này không còn là nguồn gây áp lực lạm phát rộng rãi cho nền kinh tế hiện nay.”

Đánh giá này đáng chú ý vì các quan chức FED từ lâu đã coi thị trường lao động quá nóng là rủi ro chính trong việc đưa lạm phát trở lại mức bình thường. Mới chỉ 2 tháng trước, ông Powell đã tỏ thái độ rất thận trọng khi báo cáo việc làm tháng Sáu của Bộ Lao động Mỹ được công bố. Báo cáo này cho thấy tổng số việc làm trong các ngành phi nông nghiệp đã tăng thêm 206.000, vượt qua dự báo của các nhà kinh tế học.

Thay đổi về lập trường giảm lãi suất của FED bắt nguồn từ dữ liệu thị trường lao động cho thấy sự chậm lại trong việc tuyển dụng và sự gia tăng nhẹ nhưng đều đặn về tỷ lệ người Mỹ tìm kiếm việc làm trong bối cảnh lực lượng lao động tăng lên, một phần do sự gia tăng di cư.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng lên mức 4,1% trong tháng 6/2024 từ mức 3,7% vào tháng 12/2023, theo báo cáo của tuần trước. Powell mô tả thị trường việc làm hiện tại tương tự như điều kiện trước khi đại dịch xảy ra, khi nó “mạnh mẽ nhưng không quá nóng.”

Trong khi đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng (PCE) tháng 5 đã giảm xuống 2,6% từ mức 4% một năm trước nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của FED.

>>Châu Á có thể chịu đựng mức lãi suất cao của FED?

Thay đổi lập trường quan trọng của FED

FED đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm vào năm 2022 và 2023 để chống lại lạm phát, lên mức 5,25- 5,5%, mức cao nhất trong bốn thập kỷ qua. 

Trong suốt năm ngoái, các quan chức FED chỉ tập trung vào việc giải quyết vấn đề lạm phát cao bất chấp cảnh báo của các nhà kinh tế về sự đánh đổi giữa tăng lãi suất với tăng trưởng và sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Có khả năng FED chuẩn bị tiến hành một đợt giảm lãi suất trong năm 2024

Thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Còn hiện tại, quan điểm mới của ông Powell có thể gợi ý về việc các quan chức FED đang cố gắng xem xét rủi ro của việc giữ lãi suất cao quá lâu.  

Tuy nhiên, dường như FED vẫn chưa thể quyết định khi nào sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất. Bởi vì, việc giảm lãi suất quá sớm có thể kích thích hoạt động kinh tế và khiến lạm phát tăng mạnh trở lại.

“Trong một thời gian dài, chúng tôi không đạt được mục tiêu lạm phát của mình. Chúng tôi rất ý thức rằng chúng tôi hiện đang đối mặt với những rủi ro từ cả lạm phát và thị trường lao động, dù các rủi ro này đã giảm trong thời gian qua,” ông Powell nhấn mạnh.

Bởi vậy, trong cuộc điều trần trước Quốc hội, ông Powell liên tục từ chối đề nghị của các nhà lập pháp về việc xác định thời điểm cắt giảm lãi suất. “Tôi sẽ không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về thời điểm cắt giảm lãi suất của FED trong tương lai,” ông Powell nói.

Các dự báo kinh tế được công bố vào tháng trước cho thấy hầu hết các quan chức FED dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất một hoặc hai lần trong năm nay nếu lạm phát chậm lại và tăng trưởng ổn định. Đầu tháng 3, lãnh đạo cơ quan này đã gợi ý rằng FED có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 6 nếu tốc độ tăng lạm phát chậm lại; tuy nhiên chỉ số này lại tăng trong quý đầu tiên đã làm thất bại kế hoạch đó.

Cuộc họp tiếp theo của FED sẽ diễn ra ngày 30-31 tháng 7. Các nhà kinh tế khắp thế giới vẫn đang tập trung vào việc liệu các quan chức có thể cung cấp những tín hiệu rõ ràng hơn về khả năng nới lỏng tiền tệ. Nhưng cho tới khi đó, sự biến động khó lường của lạm phát vẫn đang buộc FED phải tiếp tục trạng thái chờ đợi thêm các dữ liệu.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao FED vẫn thận trọng trong cắt giảm lãi suất?

    Vì sao FED vẫn thận trọng trong cắt giảm lãi suất?

    04:00, 14/06/2024

  • Fed không gây sốc khi giữ nguyên lãi suất

    Fed không gây sốc khi giữ nguyên lãi suất

    05:05, 13/06/2024

  • Chính sách lãi suất của các NHTW tại Đông Nam Á ít phụ thuộc Fed

    Chính sách lãi suất của các NHTW tại Đông Nam Á ít phụ thuộc Fed

    03:24, 12/06/2024

  • IMF: Châu Á cần giảm phụ thuộc vào FED

    IMF: Châu Á cần giảm phụ thuộc vào FED

    04:00, 11/06/2024

  • FED tính toán gì trước cuộc họp quan trọng?

    FED tính toán gì trước cuộc họp quan trọng?

    04:00, 10/06/2024

TRƯỜNG ĐẶNG