“Siết” quy định giao mỏ khoáng sản: Bít “lỗ hổng”, chống thất thoát
Cần chuyển mạnh sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản, hoặc có hình thức thực hiện phù hợp nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản của quốc gia.
>>“Siết” các quy định giao mỏ khoáng sản
Đó là những ý kiến từ các chuyên gia trước những bất cập trong quản lý tài nguyên khoáng sản, vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, đặc biệt là vấn nạn giao mỏ VLXD vô tội vạ đang tồn tại ở nhiều địa phương, gây bức xúc dư luận trong suốt thời gian qua.
Bít “ lỗ hổng”
Theo PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, dó đó, phải tiến hành điều tra nắm chắc trữ lượng từng loại để xây dựng quy hoạch, kế hoạch khai thác bảo đảm hiệu quả cao nhất, đồng thời chú trọng cả 3 mục tiêu, gồm: kinh tế, xã hội và môi trường.
Cũng theo PGS.TS Trần Chủng, nhìn nhận ở tầm quản lý vĩ mô thì khoáng sản là tài nguyên, là nguồn lực quốc gia, hay nói cẩn thận hơn là “của để dành” cho đời sau. Do vậy, việc cấp thiết là phải khẩn trương ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng khai thác bừa bãi đang diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương; đồng thời chấn chỉnh toàn diện công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Một vấn đề khác không kém phần quan trọng, là tăng năng lực nội tại để nền kinh tế đất nước không phải dựa quá nhiều vào nguồn tài nguyên…
“Những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản tại các địa phương về cơ bản đã đáp ứng đủ cho nhu cầu xây dựng đối với các dự án đầu tư công, góp phần hoàn thiện hạ tầng cơ sở trong tiến trình phát triển đất nước. Tuy nhiên, trên lĩnh vực này còn nhiều tồn tại, trong đó, có những giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời hạn nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ; nhiều mỏ khoáng sản khai thác lâu nay nhưng không lập thiết kế kỹ thuật thi công, chưa thực hiện các thủ tục như quy định. Bên cạnh đó còn có những yếu kém trong công tác quản lý khai thác khoáng sản tại các địa phương”, PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Chín - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Phú Yên, “lỗ hổng” lớn nhất trong quản lý khoáng sản chính là giao mỏ khoáng sản không thông qua đấu giá, đấu thầu. Đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm, do đó, đã đến lúc Chính phủ và các bộ ngành liên quan phải vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
“Việc cấp phép khai thác đối với những mỏ khoáng sản tổng hợp gồm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và các khoáng sản khác, cần quy định cấp nào có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng và cấp phép chính; phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong việc xác nhận đã thực hiện cải tạo phục hồi môi trường và sau 5 năm xác nhận doanh nghiệp đã thực hiện hoàn toàn nội dung của dự án phục hồi môi trường… Bởi, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì với những tồn tại như đã nêu, sẽ tạo ra “lỗ hổng” rất dễ dẫn đến sai phạm, thậm chí là mất cán bộ”, ông Chín lưu ý.
>>Tránh thất thoát trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Chống thất thoát
Để chống thất thoát tài nguyên, theo ông Chín, cần lưu ý các chế tài, và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng vào cơ chế “đặc thù” để vi phạm trong quá trình khai thác khoáng sản.
Đáng chú ý, liên quan tới những bất cập về đấu giá mỏ khoáng sản, phát biểu thảo luận tại nghị trường Quốc hội về dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, chiều 28/6/2024. Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng, báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010 cho thấy việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả cao, tăng thu cho ngân sách nhà nước nhưng tỉ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá rất thấp. Do đó, ông Hậu cho rằng: "Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã lấy lại 3/7 nội dung của Nghị định 158/2016 có quy định rộng hơn và khái quát hơn. Đồng thời giao Chính phủ, Thủ tướng quy định chi tiết và quyết định".
Theo ông Hậu, "chưa biết Chính phủ và Thủ tướng sẽ quy định và quyết định thế nào nhưng nếu không có sự thay đổi căn bản các quy định, thì Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương sẽ khó mà chuyển mạnh sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản, hoặc có hình thức thực hiện phù hợp nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản của quốc gia".
Dẫn chứng về những bất cập, ông Hậu cho biết thực tế có nhiều tình huống cần được lưu ý và quy định chặt chẽ để tránh tiêu cực. Ví dụ, trường hợp doanh nghiệp không tự triển khai các dự án khai thác nhưng có thể dùng quyền khai thác để liên doanh, liên kết, góp vốn đầu tư với doanh nghiệp khác để khai thác.
Đây là cách làm đúng, mở hướng ra cho doanh nghiệp và huy động được nguồn lực xã hội vào khai thác, chế biến khoáng sản. Nhưng như vậy doanh nghiệp khác sẽ không cần đấu giá vẫn đương nhiên được khai thác. Với trường hợp này, ông Hậu đề nghị nên định giá quyền khai thác khoáng sản khi đưa vào góp vốn để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước.
“Dự luật cần bổ sung một điều về định giá quyền khai thác khoáng sản. Bởi, việc định giá quyền khai thác khoáng sản rất cần thiết nhưng khá phức tạp, cần được nghiên cứu và quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch trong luật để phục vụ cho các hoạt động liên quan”, ông Hậu đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
“Siết” các quy định giao mỏ khoáng sản
11:00, 07/07/2024
Tránh thất thoát trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản
18:16, 28/06/2024
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Cần bổ sung đầy đủ hành vi bị cấm
03:30, 25/06/2024
Quảng Ninh: Tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản
00:06, 22/06/2024
Cân nhắc quy định về quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản
03:40, 20/06/2024
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Tránh xung đột pháp luật
00:06, 20/06/2024
Nên thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế
03:50, 18/06/2024
Cân nhắc quy định về ưu tiên nộp hồ sơ với doanh nghiệp đã thăm dò khoáng sản
03:50, 17/06/2024