Quảng Nam sẽ thu hồi dự án ven biển chậm tiến độ
Tỉnh Quảng Nam sẽ kiên quyết thu hồi các dự án ven biển chậm tiến độ, “bỏ hoang” nếu chủ đầu tư không có khả năng thực hiện sau khi địa phương đưa ra các phương án tháo gỡ.
>>Tín hiệu mới cho bất động sản Quảng Nam: Hàng loạt dự án được gia hạn tiến độ
Đó là thông tin từ ông Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đối với các dự án đang triển khai ven biển trên địa bàn. Theo lý giải của ông Hưng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án ven biển đìu hiu, “đứng bánh” xuất phát từ 3 nhóm nguyên nhân chính.
Cụ thể, các doanh nghiệp gặp khó trong việc ký quỹ bảo đảm, khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và khó khăn về nguồn vốn. Việc này đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, cùng với đó là nhiều dự án không thi công trong suốt một thời gian dài.
Theo ông Nguyễn Hưng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 58 dự án du lịch ven biển. Trong đó, địa phương đã thực hiện thu hồi 5 dự án, chỉ còn 53 dự án có hiệu lực tiếp tục triển khai.
Trong số 53 còn hiệu lực, đã có 25 dự án đã đi vào hoạt động, đóng góp vào ngân sách địa phương. Còn lại là các dự án đang triển khai, trong đó một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc.
“Có rất nhiều doanh nghiệp khó khăn về ký quỹ bảo đảm doanh nghiệp theo quy định. Với dự án thương mại, dịch vụ quy mô khoảng 3 – 4 nghìn tỉ đồng thì số tiền ký quỹ rất lớn. Với vai trò của mình, Sở đã tham mưu, đề nghị doanh nghiệp cam kết khi được cấp chứng nhận quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trong thời gian nhất định nếu không ký bảo lãnh thì sẽ bị thu hồi”, ông Nguyễn Hưng cho hay.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam cũng cho biết đối với nhóm dự án khó khăn do bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) địa phương đã đề nghị rà soát lại, khu vực không thực hiện bồi thường được thì điều chỉnh, giao phần không thể bồi thường được cho địa phương quản lý để đảm bảo thi công kết nối với hạ tầng khu vực. Còn lại, đối với những dự án có khả năng bồi thường thì yêu cầu đơn vị địa phương tiếp tục triển khai.
“Các giải pháp tháo gỡ được đưa ra nhưng nếu nhà đầu tư không có khả năng thực hiện do vướng bồi thường không làm được, không có tài chính để làm thì kiên quyết thu hồi”, ông Hưng thông tin.
Theo ghi nhận của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, dọc bờ biển tỉnh Quảng Nam phần lớn được ưu tiên để phát triển các dự án phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Đặc biệt tại Thị xã Điện Bàn và TP. Hội An là 2 địa phương chiếm phần lớn trong tổng số dự án.
Tuy nhiên, sau một thời gian thi công thì chủ đầu tư tạm dừng và nhiều đơn vị vẫn chưa có kế hoạch triển khai trở lại. Cũng có dự án đã hoạt động nhưng gặp ảnh hưởng thiên tai phải ngừng hoạt động, nhiều dự án trở nên hoang hóa ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương.
Có thể kể đến dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf cao cấp Mai House Hội An (thị xã Điện Bàn), các dự án Hoi An Golden Sea, dự án Hội An Golden Sand, Agribank Hoi An Beach Resort tại TP. Hội An,... Ngoài ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, vướng mắc GPMB, vốn thì vấn đề sạt lở biển cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động của các chủ đầu tư.
Ngoài các dự án bất động sản du lịch, tại tỉnh Quảng Nam còn có hàng loạt dự án bất động sản đất nền, biệt thự, căn hộ, nhà ở xã hội,... lâm cảnh tương tự. Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, địa phương này đã xem xét, thống nhất gia hạn tiến độ loạt dự án để chủ đầu tư triển khai khai, hoàn thiện dự án đưa vào sử dụng.
Tỉnh Quảng Nam đề nghị các chủ đầu tư dự án tích cực phối hợp với địa phương hoàn thành công tác bồi thường, GPMB đối với phần diện tích còn lại để tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành dự án. Trường hợp quá khó khăn, không thể tiếp tục giải phóng mặt bằng mà phần diện tích đất chưa giao còn lại ít và không thuộc phạm vi đầu tư hạ tầng khung đô thị, hạ tầng giao thông kết nối thì phối hợp với địa phương xem xét, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chi tiết (1/500), đưa ra khỏi quy hoạch của dự án để chỉnh trang đô thị hoặc giữ nguyên quy hoạch, lập thủ tục điều chỉnh quy mô dự án để kết thúc, hoàn thành công tác nghiệm thu, quyết toán, bàn giao hạ tầng đã đầu tư cho địa phương quản lý.
Đồng thời, đề nghị cơ quan thẩm quyền giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tách thửa, đăng ký biến động, cấp giấy cho người nhận chuyển nhượng theo đúng quy định. Phần diện tích đất còn lại bàn giao cho địa phương để thực hiện các dự án đầu tư công sau này và sử dụng phần diện tích đất ở (nếu có) để bố trí tái định cư theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam: “Nhập nhằng” tại dự án Khu đô thị Viêm Minh - Hà Dừa
11:00, 02/07/2024
Giảm áp lực cho doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam
11:31, 17/06/2024
Quảng Nam: Kiến nghị gia hạn tiến độ dự án vì không vướng mắc
03:00, 01/06/2024
Quảng Nam: Dự án khu dân cư 16 năm vẫn chưa có hướng giải quyết
16:42, 27/05/2024