MBS lãi kỷ lục nhờ đâu?

ĐÌNH ĐẠI 11/07/2024 04:00

Trong quý II/2024, MBS mang về gần 217 tỷ đồng lãi ròng, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty chứng khoán này.

>>>Công ty chứng khoán ráo riết tăng vốn

Chứng khoán MB có quý lãi kỷ lục trong lịch sử hoạt động.

Chứng khoán MB có quý lãi kỷ lục trong lịch sử hoạt động.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính riêng quý II/2024, Công ty CP Chứng khoán MB (HNX: MBS) ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 883 tỷ đồng, tăng trưởng 120% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 271 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ 2023. Lãi ròng thu về gần 217 tỷ đồng, tăng 74% so với quý I/2023. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục theo quý trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Trong quý II/2024, lãi từ cho vay và phải thu đóng góp cho MBS gần 262 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối quý II/2024, dư nợ cho vay của MBS ghi nhận 9.979 tỷ đồng, trong đó cho vay ký quỹ (margin) gần 9.823 tỷ đồng, tăng 549 tỷ đồng so với quý đầu năm.

Mảng môi giới trong quý II cũng tiếp tục khởi sắc với doanh thu đạt hơn 179 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cho biết, giá trị và khối lượng giao dịch chứng khoán toàn thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ,

Về mảng tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) ghi nhận 341 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước; lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) ghi nhận 33 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước âm hơn 4 tỷ đồng). Ngược lại, lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) xuống còn 36 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.

Trên thị trường, cổ phiếu MBS chốt phiên giao dịch ngày 10/7 đạt

Trên thị trường, cổ phiếu MBS chốt phiên giao dịch ngày 10/7 đạt 33.600 đồng/cổ phiếu, tăng gần 49,5% so với hồi đầu năm.

Thời điểm cuối quý II/2024, khoản mục FVTPL của MBS có giá trị thị trường gần 1.600 tỷ đồng, tăng gần 480 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là trái phiếu niêm yết là 843 tỷ đồng, giấy tờ có giá khác là 689 tỷ đồng.

Khoản mục AFS tại thời điểm cuối quý II/2024 chủ yếu là trái phiếu chưa niêm yết 1.889 tỷ đồng và gần 118 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thuyết minh cụ thể về khoản mục này. Ngoài ra, doanh thu từ các hoạt động khác như: tư vấn, lưu ký chứng khoán... cũng tăng trưởng mạnh, góp phần làm tăng tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động của MBS đạt 1.557 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ; lãi ròng đạt 399 tỷ đồng.

Được biết năm 2024, MBS đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu đạt 2.786 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 930 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 53% và 36% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu và gần 54% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024.

Theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), doanh thu và lợi nhuận của ngành chứng khoán đã thiết lập mặt bằng mới ở mức cao nhờ thanh khoản dồi dào và sự sẵn sàng nhập cuộc của dòng tiền “bắt đáy” dù thị trường gặp phải nhiều áp lực điều chỉnh do các yếu tố bất lợi. Kết quả quý I/2024 thậm chí còn đạt mức cao nhất trong 8 quý gần đây.

PHS cho rằng, kết quả trên được dẫn dắt chủ yếu bởi mảng tự doanh và cho vay margin của các công ty chứng khoán, cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu doanh thu. Giờ đây các công ty chứng khoán đều bước vào cuộc chiến cho vay đẩy số dư margin lên mức cao nhất lịch sử và sẽ còn tăng cao hơn trong tương lai khi dư địa vẫn còn dồi dào.

Cũng theo PHS, doanh thu và lợi nhuận của mảng môi giới ngày càng teo tóp đi kể từ năm 2021, cho thấy sự cạnh gay gắt của các công ty chứng khoán trong việc cắt giảm phí để tranh giành thị phần, thu hút thêm khách hàng để hướng đến nguồn thu khác, đặc biệt là từ cho vay margin. Thời gian qua, các công ty chứng khoán có gốc ngân hàng như TCBS, MBS,… đã quyết liệt thực hiện chiến lược này và gặt hái được thị phần đáng kể, hướng đến mở rộng nguồn thu từ cho vay margin nhờ lợi thế lãi huy động ở mức thấp.

“Nhờ ngân hàng mẹ, các công ty chứng khoán có gốc ngân hàng trong các năm qua đã nhanh chóng vươn lên top đầu về vốn điều lệ nhờ liên tục được tăng vốn. Với lợi thế nguồn vốn, nhóm này đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh như: tự doanh, bảo lãnh phát hành và cho vay margin, qua đó, vươn lên dẫn đầu về lợi nhuận”, PHS đánh giá.

Tuy nhiên, PHS cho rằng, doanh thu toàn ngành sẽ tập trung vào các “tay chơi” lớn , với lợi thế về nguồn lực, đặc biệt là vốn sẽ giúp nhóm dẫn đầu ngày càng bỏ xa các đối thủ còn lại. Trong quý đầu năm, tổng doanh thu của top 15 công ty đứng đầu về quy mô vốn chủ sở hữu chiếm hơn 69% doanh thu toàn ngành.

Có thể bạn quan tâm

  • Công ty chứng khoán ráo riết tăng vốn

    Công ty chứng khoán ráo riết tăng vốn

    05:00, 08/07/2024

  • Kỳ vọng một kịch bản tích cực cho thị trường chứng khoán

    Kỳ vọng một kịch bản tích cực cho thị trường chứng khoán

    05:00, 03/07/2024

  • Chứng khoán còn dư địa tăng trưởng

    Chứng khoán còn dư địa tăng trưởng

    16:30, 01/07/2024

  • Thị trường chứng khoán sẽ phân hóa mạnh

    Thị trường chứng khoán sẽ phân hóa mạnh

    02:30, 30/06/2024

  • Thị trường chứng khoán: Bảo toàn nguồn lực, chờ cơ hội

    Thị trường chứng khoán: Bảo toàn nguồn lực, chờ cơ hội

    09:58, 25/06/2024

ĐÌNH ĐẠI