Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô pick-up, lợi bất cập hại
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, thay vì mức thuế từ 15 - 25% như quy định hiện hành.
>> Giương “cờ trắng” trước ô tô nhập khẩu?
Thay đổi bất thình lình
Bộ Tài chính cho rằng, loại xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép khi tham gia giao thông, được áp dụng các hệ thống báo hiệu đường bộ như ô tô con, không bị hạn chế về thời gian được phép lưu thông trong đô thị, được phép lưu thông vào làn đường dành cho ô tô con…
Để góp phần đảm bảo quản lý Nhà nước đối với ô tô pick-up chở hàng cabin kép và điều tiết hạn chế sử dụng phương tiện giao thông tại các thành phố lớn, thấy cần thiết phải nghiên cứu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại xe này cho phù hợp với quy định của chính sách thuế, phí và lệ phí hiện hành.
Do đó Bộ Tài chính đề xuất, với ô tô pick-up chở hàng cabin kép, xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng, áp dụng thuế suất bằng 60% so với ô tô con có cùng dung tích xi lanh.
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định, ô tô pick-up chở hàng cabin kép, có dung tích xi lanh từ 2.500cc trở xuống, chịu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15%; từ 2.500cc – 3.000cc chịu thuế suất 20% và trên 3.000cc chịu thuế suất 24%.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu đề xuất tăng thuế thành hiện thực, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe pick up ca bin kép sẽ tăng lên các mức tương ứng là 24%, 36% và 54%. Ước tính sẽ giá xe bán ra sẽ tăng từ 70 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng. Đó là chưa kể khi giá bán tăng thì số tiền nộp lệ phí trước bạ của khách hàng sẽ tăng lên. Đề xuất này khiến nhiều doanh nghiệp ô tô lo lắng, bởi chính sách thay đổi đột ngột, không có lộ trình từ trước. Như vậy sẽ tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch dài hạn của doanh nghiêp.
Lợi bất cập hại
Đại diện Ford Việt Nam cho biết, thuế tăng sẽ khiến cho doanh số bán xe pick up ca bin kép sụt giảm khoảng 30% so với hiện nay. Năm 2023 Ford có doanh số bán xe pick up lớn nhất Việt Nam với hơn 16.000 xe, như vậy ước tính sẽ giảm khoảng 5.000 xe và tác động mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ năm 2020 Ford Việt Nam đã đầu tư thêm 80 triệu USD vào nhà máy tại Hải Dương, với kế hoạch tập trung sản xuất, lắp ráp xe pick up và dừng nhập khẩu xe nguyên chiếc. Hiện mẫu xe này đạt tỷ lệ nội địa hóa 25% và Ford đã lên kế hoạch tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, cùng với sản lượng tăng. Tuy nhiên, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng, sẽ làm giảm doanh số, giảm sản lượng, kế hoạch đề ra đứng trước nguy cơ phá sản và đặt hoạt động của doanh nghiệp trước rủi ro.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), xe pick-up chở hàng cabin kép là phương tiện đa dụng, chạy được trên nhiều loại địa hình và có tính ứng dụng cao trong thực tế. Thống kê trong vòng 5 năm qua cho thấy, trên 70% người dùng xe pick-up chở hàng cabin kép đến từ các tỉnh, thành ngoài Hà Nội và tp Hồ Chí Minh. Vì vậy, Bộ Tài chính đưa ra lý do tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông tại các thành phố lớn là thiếu thuyết phục.
Chính sách tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với xe pick-up chở hàng cabin kép, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất các dòng xe này, đặc biệt là tới các doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng dây chuyển sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Việc đầu tư sản xuất, lắp ráp xe pick-up chở hàng cabin kép tại Việt Nam, thay vì nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan với thuế suất 0%, vừa tạo thêm việc làm cho người lao động, vừa góp phần phát triển công nghiệp ô tô trong nước, được Chính phủ khuyến khích.
Nếu thuế tăng lên, các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc tạm dừng hoặc thu hẹp dự án đầu tư, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới định hướng chiến lược kinh doanh lâu dài; khiến các doanh nghiệp khác cẩn trọng hơn trong việc đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Bởi chính sách thay đổi đột ngột, bất thình lình, không thể dự đoán được.
Không những thế, thuế tăng khiến cho sản lượng và doanh số bán giảm, dẫn đến nguồn thu cho ngân sách từ xe pick-up chở hàng cabin kép giảm. Kết quả tính toán của VAMA cho thấy, với phương án tăng thuế do Bộ Tài chính đề nghị, sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước hơn 7,6 nghìn tỷ đồng, trong giai đoạn từ 2026-2030, do sản lượng và doanh số bán giảm.
Có thể bạn quan tâm
Gặp khó khi đưa thương hiệu ô tô mới vào sản xuất lắp ráp
04:16, 04/07/2024
Nhận nhiều ưu đãi, ô tô Trung Quốc ôm tham vọng lớn tại thị trường Việt Nam
04:12, 24/06/2024
Kết cục đáng buồn của ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang đến?
04:13, 12/06/2024
Công nghiệp ô tô Việt Nam có đón bắt được “cơ hội vàng”?
04:46, 30/05/2024
Doanh nghiệp ô tô ngập trong khó khăn
04:28, 23/05/2024