OECD quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ gia tăng
Đánh giá của OECD cho thấy các quy định thị trường ở Trung Quốc, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đang ít cạnh tranh công bằng nhất giữa bối cảnh các chính sách phòng vệ thương mại đang gia tăng trên toàn cầu.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thừa nhận thị trường tự do cạnh tranh và cởi mở đã ngày càng thu hẹp trên thế giới trong nửa thập kỷ qua.
>>FED đang tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất?
Các thị trường ít cạnh tranh tự do nhất
Cơ quan tư vấn chính sách có trụ sở tại Paris thường xem xét khung pháp lý của 38 thành viên và 9 nền kinh tế khác, bao gồm cả Trung Quốc, cứ 5 năm một lần. Mới đây nhất, OCED kết luận rằng sự nhiệt tình của các chính phủ về thúc đẩy các thị trường cạnh tranh tự do đã dần suy giảm trong thập kỷ qua, bất chấp xu hướng tích cực ở những năm đầu của thế kỷ này.
Cụ thể, đánh giá của OECD cho thấy các quy định thị trường ở Trung Quốc, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ có mức độ hạn chế cạnh tranh cao nhất, trong khi Lithuania, Thụy Điển và Ireland là cởi mở nhất. Hoa Kỳ có nhiều hạn chế hơn so với mức trung bình của các thành viên OECD, nhưng có những yếu tố khác thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng năng suất ở nền kinh tế số 1 thế giới, bao gồm khả năng tiếp cận tài chính và kỹ năng lao động.
Trong khi một số quốc gia đang phát triển – bao gồm Brazil, Indonesia và Peru – đã nới lỏng các hạn chế trong các quy định của họ trong 5 năm kể từ năm 2018, thì tiến độ chung toàn cầu vẫn còn hạn chế. Rào cản đối với những người mới tham gia vẫn còn phổ biến, làm suy yếu khả năng cạnh tranh.
OECD lưu ý rằng hầu hết các quốc gia vẫn chưa có một trang web duy nhất cung cấp tất cả thông tin cần thiết để mở doanh nghiệp và chỉ một số quốc gia cung cấp cơ chế một cửa để có thể hoàn tất tất cả các thủ tục.
Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng
OECD lo ngại rằng việc chuyển đổi sang chính sách công nghiệp bảo hộ hơn có thể khiến tiến bộ thậm chí còn khó khăn hơn, đặc biệt nếu các doanh nghiệp lớn tác động đến tiến trình chính trị.
>>Chính sách thu hút FDI (Kỳ II): Nhận diện những xu hướng mới
Chính sách công nghiệp nhấn mạnh việc chuyển sang sử dụng trợ cấp và các rào cản thương mại để thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng. Theo OECD, điều này đã góp phần tạo ra một thời kỳ tăng trưởng năng suất yếu.
Trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp đang phụ thuộc vào vai trò của những người vận động hành lang nhằm thúc đẩy các chính sách có lợi cho ngành. Đạo luật CHIPS của Mỹ là một ví dụ, nơi ngành công nghiệp bán dẫn và hiệp hội SIA quyền lực của nó đang đóng vai trò đầu tàu.
Alvaro Pereira, nhà kinh tế trưởng của OECD, cho biết: “Quay trở lại giảm bớt các rào cản đối với sự đổi mới và cạnh tranh là chìa khóa để bù đắp và xoay chuyển tình trạng tăng trưởng năng suất thấp hơn mà chúng ta đã thấy trong những năm qua”.
Các nhà vận động hành lang đang hoạt động tích cực ở Mỹ, nhưng OECD cho biết họ “đã có những nỗ lực đáng kể để áp đặt nghĩa vụ công bố thông tin đối với các nhà hoạch định chính sách và vận động hành lang nhằm đảm bảo tính minh bạch trong các tương tác này”. Ở nhiều quốc gia, việc tiết lộ như vậy là không bắt buộc.
“Ở các nước khác, các bộ trưởng gặp một số công ty nhất định và không ai biết. Điều này bảo vệ những người đương nhiệm. Họ rất quyền lực ở nhiều nước," ông Pereira nói.
OECD cho biết “khoảng trống quy định này” cho phép những công ty lớn với túi tiền dồi dào sẽ định hình các quy tắc có lợi cho họ, gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ hơn và những người mới tham gia.
Chống lại bức tranh tổng thể đáng lo ngại đó, OECD xác định Pháp, Ireland và Chile đã có “những nỗ lực đáng kể để điều chỉnh sự tương tác giữa các nhà hoạch định chính sách và các nhóm lợi ích”.
OECD cảnh báo rằng một số hoạt động kỹ thuật số – bao gồm công cụ tìm kiếm, thị trường trực tuyến, điện toán đám mây và cửa hàng ứng dụng – đặc biệt có khả năng gặp phải các rào cản gia nhập và thiếu cạnh tranh, ngăn cản sự phổ biến của công nghệ mới và nâng cao năng suất.
“Thị trường kỹ thuật số có thể dễ dàng chuyển sang trạng thái gần như độc quyền bởi vì, khi một công ty xây dựng được cơ sở người dùng đáng kể, các rào cản gia nhập sẽ trở nên nhanh chóng đến mức khiến các đối thủ, bất kể sáng tạo hay hiệu quả đến đâu, gặp thách thức,” tổ chức này nói.
Nỗ lực quản lý nhằm chống lại những xu hướng đó đang ở giai đoạn đầu và OECD lưu ý rằng chỉ có Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc mới đưa ra luật để giải quyết chúng. Trong khi đó, Mỹ dường như không có động thái đó.
OECD cho biết: “Hoa Kỳ đã nỗ lực đánh giá các thách thức cạnh tranh do sự phát triển của các thị trường này gây ra. Các cuộc thảo luận đang diễn ra về cách giải quyết chúng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bước cụ thể nào được thực hiện.”
OECD cũng kêu gọi giảm bớt nhiều hạn chế chi phối việc cung cấp dịch vụ - chẳng hạn như tư vấn pháp lý và thuốc men - nhưng lưu ý rằng các ngành này có nhiều khả năng để huy động sự phản đối hiệu quả đối với sự thay đổi.
Có thể bạn quan tâm