Apple “nhắm” đến nhân viên của Google để xây dựng đội ngũ AI
Apple đã chiêu mộ hàng chục chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) ở Google và tạo ra một phòng nghiên cứu bí mật khu vực châu Âu được đặt ở Zurich (Thụy Sĩ).
Theo Financial Times, công ty trị giá 2,7 nghìn tỷ USD này đã thực hiện một loạt hoạt động tuyển dụng trong những năm gần đây, nhằm mở rộng đội ngũ máy học và AI toàn cầu.
Nhà sản xuất iPhone đặc biệt nhắm đến đội ngũ nhân sự ở Google, thu hút ít nhất 36 chuyên gia từ công ty đối thủ, bắt đầu từ khi công ty chiêu mộ ông John Giannandrea trở thành giám đốc điều hành AI vào năm 2018.
Trong khi phần lớn nhóm AI của Apple làm việc ở các văn phòng tại California và Seattle, tập đoàn công nghệ này cũng đã mở ra một căn cứ quan trọng ở Zurich.
Giáo sư Luc Van Gool (Đại học Thụy Sĩ ETH Zurich) nói rằng, việc mua lại hai công ty khởi nghiệp AI địa phương – công ty thực tế ảo FaceShift và công ty nhận diện hình ảnh Fashwell – đã giúp cho Apple xây dựng một phòng nghiên cứu thí nghiệm, có tên là “Vision Lab”, trong thành phố.
Các nhân viên của cơ sở Zurich đã tham gia vào nghiên cứu của Apple về công nghệ cơ sở, nhằm hỗ trợ những sản phẩm như chatbot ChatGPT của OpenAI. Các bài nghiên cứu của họ tập trung vào những mô hình AI tiên tiến, kết hợp đầu vào hình ảnh và văn bản để đưa ra phản hồi cho truy vấn.
Công ty đã chạy quảng cáo việc làm liên quan đến AI tạo sinh trên hai cơ sở ở Zurich, một trong số đó có hồ sơ thông tin cực kỳ nghèo nàn. Một số người trả lời Financial Times rằng họ thậm chí còn chẳng biết có sự tồn tại của văn phòng ở đó.
Apple rất kín tiếng về các kế hoạch AI của họ, ngay cả khi những đối thủ công nghệ lớn như Microsoft, Google và Amazon đã đề nghị các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD cho công nghệ tiên tiến này.
Cổ phiếu của công ty đã giảm kể từ đầu năm nay, khi cổ phiếu đối thủ lại tăng cao, gây áp lực thêm cho gã khổng lồ công nghệ để công bố các tính năng AI có khả năng thay đổi tình thế, thúc đẩy doanh thu bán hàng.
Apple đã tập trung triển khai AI tạo sinh lên các thiết bị điện thoại của họ, một đột phá cho phép những chatbot AI và ứng dụng chạy trên phần cứng và phần mềm của điện thoại, thay vì được cung cấp bởi dịch vụ đám mây trong trung tâm dữ liệu.
Giám đốc điều hành Tim Cook chia sẻ, Apple “đã và đang thực hiện nghiên cứu trên hàng hoạt các công nghệ AI”, cũng như đầu tư và đổi mới “một cách có trách nhiệm” xung quanh công nghệ mới này.
Chuck Wooters, chuyên gia về AI đàm thoại và các mô hình ngôn ngữ lớn, đã gia nhập Apple vào tháng 12/2013 và đã làm về Siri trong gần 2 năm, nói rằng: “Trong thời gian đó, một trong những áp lực diễn ra thường trực với đội ngũ làm việc Siri là chuyển dịch sang kiến trúc thần kinh để nhận dạng giọng nói. Ngay cả khi đó, trước khi các mô hình ngôn ngữ lớn phát triển, họ cũng đã rất ủng hộ mạng lưới thần kinh này.”
Năm 2016, Apple đã mua lại Perceptual Machines, công ty được thành lập bởi Ruslan Salakhutdinov và hai sinh viên của ông ở Đại học Carnegie Mellon, chuyên nghiên cứu về nhận biết hình ảnh dựa trên AI.
Ông Salakhutdinov cho biết “Trong khoảng thời gian đó, Apple đã chiêu mộ một số nhà nghiên cứu và cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng để huấn luyện những mô hình này.”
Ông Salakhutdinov là nhân vật chủ chốt trong lịch sử mạng lưới thần kinh, từng học tại Đại học Toronto dưới sự hướng dẫn của “bố già” ngành công nghệ, Geoffrey Hinton, người đã rời Google vào năm ngoái với lý do lo ngại về sự nguy hiểm của AI tạo sinh. Ông Salakhutdinov đã làm giám đốc nghiên cứu AI tại Apple cho đến năm 2020, đến khi ông trở lại học viện ở Carnegie Mellon.
Samy Bengio, giám đốc cấp cao về nghiên cứu AI và máy học, trước đây là một nhà khoa học AI hàng đầu của Google. Ruoming Pang, người đứng đầu đội ngũ Foundation Models của Apple thường làm việc với các mô hình ngôn ngữ lớn, trước đó đã lãnh đạo nghiên cứu nhận dạng giọng nói bằng AI của Google.
Công ty cũng đã từng chiêu mộ Ian Goodfellow, một nhà tiên phong khác về phương pháp “deep learning” trong máy học, nhưng ông đã quay về Google vào năm 2022, phản đối chính sách quay trở lại làm việc của Apple.
“Điều quan trọng tiếp theo sẽ là “điện thoại thông minh AI” – và những thứ này sẽ đòi hỏi nhiều bộ nhớ truy cập động ngẫu nhiên (Dram) hơn nữa,” Phó Chủ tịch điều hành kiêm giám đốc kinh doanh Micron Technology, ông Sumit Sadana cho biết.
Erik Woodring, một chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley, cho biết chiếc iPhone tiếp theo “có thể trở thành trợ lý cá nhân thông minh, được kích hoạt bằng giọng nói, điều hành bởi Siri đã được nâng cấp, có thể tương tác với tất cả các ứng dụng trên điện thoại của bạn thông qua tính năng điều khiển bằng giọng nói.”
Ông nói thêm: “Những gì chúng tôi tìm kiếm tại WWDC là bản xem trước một hoặc hai tính năng AI có thể trở thành yếu tố thay đổi tình thế đối với tệp khách hàng tiêu dùng thông thường.”
Sau sự kiện WWDC ngày 12/06, cổ phiếu Apple đã tăng thêm 7% đạt được mức cao mới trên 200 USD/cổ phiếu, công ty thu hút về thêm 198 tỷ USD giá trị vốn hóa khi cổ phiếu đạt đỉnh.