Hải Phòng: Xác định chuyển đổi số để thu hút nhà đầu tư

MINH HUỆ 18/07/2024 00:20

Hải Phòng xác định chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế từ nay đến năm 2030. Đặc biệt cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

>>>Ngành Thuế Hải Phòng: Tăng tốc nhiệm vụ để “về đích” năm

Số hóa để phát triển

TP Hải Phòng xác định chương trình chuyển đổi số (CĐS) có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong chiến lược phát triển Hải Phòng từ nay đến năm 2030. Việc CĐS tốt sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, góp phần xây dựng đô thị thông minh và thịnh vượng.

Trên địa bàn thành phố hiện có gần 1.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động; gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số (đạt hơn 40%). Nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn điện tử LG, Fuji Xerox, Haengsung Electronics, VinGroup... hoạt động trong lĩnh vực ICT, kinh tế số hiệu quả đã có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế. 6 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng  đã thu hút thêm khoảng 1,5 tỷ USD đầu tư.

Triển khai Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, và đặc biệt là Quyết định 58/QĐ-UBQGCĐS ngày 19/4/2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng 2030. Trong đó, đặt ra chỉ tiêu phát triển kinh tế số năm 2025 đạt tỷ trọng 25%/GRDP, năm 2030 đạt 35%/GRDP.

Hải Phòng xác định CĐS có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong chiến lược phát triển kinh tế từ nay đến năm 2030.

Hải Phòng xác định CĐS có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong chiến lược phát triển kinh tế từ nay đến năm 2030.

Thời gian qua, Hải Phòng đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng số. Số trạm phát sóng 4G mới được xây dựng tăng 6% so với cuối năm 2023, cơ bản xóa toàn bộ các vùng lõm sóng. Vùng phủ 4G đạt khoảng 95%, nâng tốc độ tải khoảng 16% so với cuối năm 2023, cao hơn 62% so với yêu cầu tối thiểu của Bộ TT&TT. Mạng băng rộng cố định đạt vùng phủ 96% hộ gia đình (năm 2022 mới đạt 82%). Tốc độ tăng khoảng 150% so với cuối năm 2023. Đã có thêm 1 trung tâm dữ liệu điện toán đám mây của doanh nghiệp viễn thông được khai trương và đưa vào hoạt động.

Ngoài việc triển khai thử nghiệm 5G thương mại tại các khu đô thị trung tâm tương tự tại các địa phương khác, để thúc đẩy các ngành mũi nhọn là cảng biển và công nghiệp, thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai 5G tại các cảng Tân Vũ, Đình Vũ để thí điểm xây dựng cảng thông minh và triển khai thành công mạng 5G dùng riêng cho nhà máy thông minh đầu tiên trên toàn quốc tại Công ty Pegatron (khu công nghiệp DEEP C II).

Tăng tốc chuyển đổi số Cảng biển và ngành Logistics

Thời gian qua, Hải Phòng đi đầu trong hoạt động chuyển đổi số Cảng, giải pháp Cảng điện tử ePort đã và đang được ứng dụng thành công tại một số cảng Hải Phòng. Theo Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu giai đoạn từ 2045 – 2050 Hải Phòng sẽ trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Với lợi thế riêng là cửa ngõ ra biển, Hải Phòng được xác định trở thành thành phố trọng điểm về cảng biển, dịch vụ logistics của vùng và cả nước.

Hệ thống cảng biển Hải Phòng là cảng biển lớn nhất khu vực miền Bắc, đứng thứ 2 toàn quốc, bao gồm 53 cảng, sản lượng hàng hóa qua cảng 6 tháng đầu năm đạt 75,7 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ, chiếm trên 25% lưu lượng toàn quốc.

Do đó Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến số hóa ngành kinh tế cảng biển. Trong thời gian qua, việc đưa các giải pháp công nghệ số make in Vietnam, nền tảng chuyển đổi số cảng biển vào ứng dụng đã góp phần chuyển đổi số nhanh.

Hải Phòng đi đầu trong hoạt động chuyển đổi số Cảng, giải pháp Cảng điện tử ePort đã và đang được ứng dụng thành công tại một số cảng Hải Phòng.

Hải Phòng đi đầu trong hoạt động chuyển đổi số Cảng, giải pháp Cảng điện tử ePort đã và đang được ứng dụng thành công tại một số cảng Hải Phòng.

Kết quả là 100% các cảng tại Hải Phòng đã có hệ thống quản lý cảng TOS, khoảng >40% số cảng (22 cảng) đã ứng dụng các nền tảng cảng biển số, với nhiều ưu việt như triển khai nhanh (2-4 tuần cho 1 cảng thay vì 16-18 tháng), chi phí chỉ 10-20% so với các sản phẩm cùng loại từ nước ngoài, nâng năng lực đón tàu của hệ thống cẩu tăng khoảng 50%, khả năng giải phóng hàng hóa tại bãi tăng 30%, các thủ tục hành chính, dịch vụ cảng giảm mạnh từ 6-8h với 12 điểm chạm xuống chỉ còn 3 phút với 2 điểm chạm.

Hiện nay, dịch vụ cảng là đầu mối quan trọng và đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả của toàn bộ quá trình vận chuyển. Mục tiêu chính của dịch vụ cảng là tập trung vào việc xây dựng các khu dịch vụ cảng nhằm tối ưu hóa quy trình logistics bằng cách cải thiện khả năng tương thích và nâng cao công nghệ của cảng. Chính vì thế, cùng với việc đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, các cảng biển đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại, các phần mềm ứng dụng tiện ích nhằm tạo thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí nhất cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

Mới đây, để giúp khách hàng thuận lợi nhất trong việc sử dụng các tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin trong giao nhận hàng hóa qua cảng, TC-HITC - Tổng công ty Tân cảng Sài Gònđã đưa vào ứng dụng ePort trên thiết bị di động. Ra đời năm 2016, ePort là tiện ích cổng thông tin điện tử mà công ty xây dựng nhằm hỗ trợ các khách hàng tra cứu thông tin, khai báo thủ tục nâng, hạ container và thanh toán phí nâng, hạ container trực tuyến.

Đặc biệt, chức năng check in online là ưu điểm vượt trội của chương trình giúp các tài xế rút ngắn tối đa thời gian dừng chờ trước cổng cảng. Các lô hàng đã được doanh nghiệp khai báo trên ePort Mobile và thực hiện các tính năng, như: Xác thực EDO, thanh toán, khai báo tờ khai, check-in online, khai báo đơn vị vận tải, đăng ký tàu xuất, đăng ký cắt bấm seal... chương trình này được doanh nghiệp đánh giá cao vì nhiều tiện ích.

Một trong những đột phá trong việc triển khai dự án cảng điện tử chính là việc áp dụng Lệnh giao hàng điện tử tại cảng (EDO). EDO thay thế lệnh giao hàng thông thường bằng cách truyền nhận dữ liệu điện tử.

Theo đại diện TC-HITC nhận định, Lệnh giao hàng điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, chi phí chung cho xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực xung quanh cảng, là tiền đề xây dựng cảng số, hiện đại.

Theo ông Hoàng Minh Cường – PCT UBND thành phố Hải Phòng: Để thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh hơn nữa, thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án 06, đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt.

Hiện khu vực Hải Phòng có gần 40 cảng biển, trở thành thương cảng lớn thứ 2 cả nước, lớn nhất phía Bắc. Lượng hàng qua cảng năm 2022 đạt 168 triệu tấn, với mức tăng trung bình từ 10- 18%/năm. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu có quy mô 752 ha, bao gồm 369 ha khu sản xuất công nghiệp và 173 ha khu dịch vụ kho bãi-logistics.

Vị trí khu phi thuế quan nằm ngay sau và tiếp giáp 6 km chiều dài với Cảng nước sâu Lạch Huyện, là cơ sở hình thành một khu công nghiệp gắn liền cảng biển hiện đại trong nước và khu vực. Tại Lạch Huyện, 8 bến cảng nước sâu, Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu được hình thành không chỉ làm tăng sức hấp dẫn của cảng biển, của thành phố Hải Phòng mà còn là nền tảng, bệ đỡ để khu vực này sẽ có thêm nhiều bến cảng khác, để Cảng Hải Phòng ngày càng sôi động, góp phần đắc lực vào thực hiện các mục tiêu phát triển Hải Phòng tới năm 2030 và năm 2045.

Thời gian tới Hải Phòng sẽ triển khai liên kết cụm cảng, cảng mở, xây dựng trung tâm logistics tầm cỡ khu vực. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo giao một cơ quan chuyên môn phụ trách xây dựng trung tâm dữ liệu và nền tảng số quốc gia quản lý việc chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực logistics, nhằm liên kết các đơn vị trong chuỗi dịch vụ logistics, hạn chế cát cứ dữ liệu, hạn chế thất thoát dữ liệu xuyên biên giới do hiện nay dữ liệu lĩnh vực này đang nằm ở nhiều nơi như doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan, thuế, cảng vụ, biên phòng… và đặc biệt là ở các hãng tàu nước ngoài mà chưa có các quy định chế tài để liên kết chia sẻ dữ liệu.

Có thể bạn quan tâm

  • Bắc Ninh: Chuyển đổi số -p/Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ

    Bắc Ninh: Chuyển đổi số - Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ

    00:04, 08/07/2024

  • Loay hoay chuyển đổi số logistics

    Loay hoay chuyển đổi số logistics

    14:22, 02/07/2024

MINH HUỆ