Mỗi kỹ sư công nghệ là một nghệ nhân
Ngay từ những ngày đầu thành lập, VTI Group đã tư duy phải đưa công nghệ và sản phẩm Việt ra quốc tế. Đây là kim chỉ nam xuyên suốt sứ mệnh hoạt động của VTI.
>>“May đo” giải pháp công nghệ “make in Việt Nam”
Sau nhiều năm làm đối tác cho các doanh nghiệp Nhật Bản, VTI Group quay lại thị trường nội địa, tiếp tục tinh thần khởi nghiệp, phát triển các giải pháp, sản phẩm công nghệ, trước hết phục vụ nhu cầu chuyển đổi số tại Việt Nam và từng bước tiếp cận thị trường quốc tế.
“Đi một ngày đàng”…
Ở thời điểm giữa những năm 2010, thị trường software outsourcing (gia công xuất khẩu phần mềm) tại Nhật Bản có quy mô rất lớn, lên đến gần 4 tỷ USD, VTI đã lựa chọn con đường hợp tác, gia công xuất khẩu phần mềm cho những khách hàng có những tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe nhất thế giới. Con đường này không chỉ mang lại doanh thu mà còn giúp doanh nghiệp Việt trưởng thành nhanh chóng, tích lũy được rất nhiều lưng vốn kiến thức, kinh nghiệm để cuối năm 2020, VTI Group quay về thị trường nội địa phát triển các sản phẩm công nghệ “make in VietNam”.
Với những doanh nghiệp đã làm cho thị trường nước ngoài, tôi cho rằng, có hai cái lợi thế chính. Thứ nhất, tiếp cận quy trình làm việc bài bản, chuyên nghiệp và hệ thống hạ tầng có tính đồng bộ cao, công nghệ tiên tiến khi phát triển các giải pháp về phần mềm. Thứ hai, thị trường Nhật Bản đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho đối tác Nhật Bản, việc tuân thủ quy định trên đã trở thành ý thức thường ngày, chúng tôi đã tự trang bị cho mình cách nhìn tổng quát, lộ trình rõ ràng và luôn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Đặc biệt, trong môi trường văn hoá kinh doanh nổi tiếng toàn cầu, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp sản xuất của Nhật Bản đều thực hành theo khái niệm thống nhất. Đó là các sản phẩm làm ra phải đạt đến mức độ tinh tế, gần như không có tì vết; các bạn đánh giá sản phẩm rất tỉ mỉ, khắt khe. Những người làm sản phẩm được tôn vinh như nghệ nhân. Với suy nghĩ và hành động như vậy, tất cả các sản phẩm từ những vật dụng bình thường đến các giải pháp phần mềm đều phải tuân thủ rất nhiều tiêu chí, quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt. Rất may mắn cho chúng tôi khi được tiếp cận, học hỏi và “thẩm thấu” tinh thần làm việc, tinh hoa văn hoá kinh doanh trong các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày.
Kiến tạo giá trị mới … “học một sàng khôn”
Vào những năm 2020, quay lại thị trường Việt Nam, chúng tôi cũng mang theo tác phong làm việc và quy trình sản xuất đó. Thời điểm này, hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Theo khảo sát của VCCI, sau đại dịch COVID-19 có đến hơn 25% doanh nghiệp ở Việt Nam trước đây không/chưa có ý định chuyển đổi số đều đã bắt đầu vận dụng, duy trì và sử dụng các giải pháp số cho doanh nghiệp. Thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn khi các doanh nghiệp đang đồng thời thực hiện quá trình chuyển đổi số - chuyển đổi xanh; phát triển bền vững trở thành ý thức xuyên suốt trong các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp công nghệ sẽ có lợi thế rất lớn khi tham gia thị trường, nhất là các doanh nghiệp có giải pháp hoàn chỉnh đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của đối tác.
Hơn nữa, trong thế giới phẳng, việc tiếp cận công nghệ và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp gần như nhau. Các giải pháp công nghệ nội địa do doanh nghiệp trong nước cung cấp có lợi thế cạnh tranh về mặt chi phí, đâu đó chỉ chiếm khoảng 30% - 50% so với giải pháp tương tự của nước ngoài. Thêm nữa, nhờ lợi thế tương đồng về ý thức và tư duy văn hóa nên các doanh nghiệp có thể dễ dàng hiểu được mong muốn, suy nghĩ của nhau, từ đó, triển khai dễ dàng hơn và linh hoạt trong thay đổi, tương thích.
Với sản phẩm và giải pháp công nghệ đang phát triển, ngoài phục vụ thị trường trong nước, VTI đã bắt đầu giới thiệu với các đối tác tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ góc độ của doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy, để một sản phẩm công nghệ “make in VietNam” có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài, vấn đề quan trọng nhất phải chú trọng rất nhiều vào yếu tố chất lượng và chuẩn hoá sản phẩm. Đây là yếu tố bắt buộc bởi chỉ khi được chuẩn hóa theo quy định của nước ngoài thì sản phẩm công nghệ Việt mới có cơ hội cạnh tranh được.
Trong quá trình sản phẩm công nghệ Việt “go Global” theo chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngoài nỗ lực đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm của Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa quan trọng. Hàng năm, doanh nghiệp đều có các chương trình làm việc với các đối tác nhưng nỗ lực tự thân này không đủ quy mô và tạo được sự tin cậy. Hiệu quả của việc hợp tác đầu tư tốt hơn rất nhiều, doanh nghiệp dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận được với khách hàng nếu có sự tham gia của các ban, ngành, hiệp hội.
Có thể bạn quan tâm
Nền tảng số “Make in Việt Nam” – Tiếp sức cho doanh nghiệp Việt trong quá trình chuyển đổi số
09:42, 09/04/2024
JobOKO được vinh danh Top 3 sản phẩm công nghệ số xuất sắc Make in Viet Nam 2023
11:00, 19/12/2023
Bkav sẽ ra thế giới bằng phần mềm diệt virus Make in Viet Nam
09:49, 12/12/2023
CMC thắng lớn tại giải thưởng Make in Viet Nam 2023
15:01, 11/12/2023
Nền tảng số Make in Việt Nam giúp lưu trữ dữ liệu – ‘vàng đen’ của người Việt
14:18, 10/10/2023