Tín dụng tăng tốc, lãi suất cho vay khó giảm thêm
Với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong 2 quý, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2024 khi nhu cầu vốn gia tăng thúc đẩy nhu cầu huy động.
>>>Kỳ vọng nợ xấu giảm nhẹ, tín dụng tăng 3,7% trong quý III/2024
Tín dụng sẽ tăng tốc nửa cuối năm 2024
Kết thúc nửa đầu 2024, tín dụng tăng trưởng 6% tính từ đầu năm đến 30/6, đạt mục tiêu 6 tháng 2024 của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN, SBV) đề ra. Mức tăng trên khá ấn tượng khi tính đến ngày 24/06/2024, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,45%. Chỉ trong tuần cuối tháng 6, tín dụng tăng trưởng 1,5%.
Chúng tôi đánh giá diễn biến tăng trưởng tín dụng trên là tương đối tích cực, đồng pha với dữ liệu kinh tế trong giai đoạn cuối quý II. Một phần do áp lực giải ngân hiện hữu khi SBV sẽ điều chuyển hạn mức từ ngân hàng không có nhu cầu sang các ngân hàng có khả năng tăng trưởng. Tuy nhiên tương tự như giai đoạn cuối 2023, việc tín dụng tăng trưởng đột biến trong thời gian ngắn có thể tác động tiêu cực đến tiến độ tín dụng trong những tháng liền kề.
Chúng tôi giữ nguyên kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc trong 2 quý còn lại của 2024, sau diễn biến “ì ạch” trong nửa đầu năm, dẫn dắt bởi (1) bắt đầu đẩy mạnh đầu tư công, nhất là đối với các dự án cơ sở hạ tầng lớn (2) tín dụng bán lẻ dần hồi phục dưới sự dẫn dắt của cho vay mua nhà khi có thêm dự án mở bán trong 2 quý 2024 (3) môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Hiện tại chúng tôi dự phóng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 15% trong 2024, phù hợp với mục tiêu Chính phủ đề ra.
>>>Tín dụng tiêu dùng tăng tốc, tăng trưởng tín dụng hết quý II/2024 đạt 6%
Phân hóa nhu cầu tín dụng
Các ngân hàng có động lực dẫn dắt tăng trưởng tín dụng trong quý I, chủ yếu từ cho vay khách hàng doanh nghiệp và SME, trong khi cho vay bán lẻ còn ảm đạm khi nhu cầu vốn ở phân khúc này còn yếu, đặc biệt là mảng cho vay mua nhà.
Sự phân hóa thể hiện rõ rệt qua mức tăng trưởng tín dụng tích cực ở các ngân hàng có danh mục cho vay khách hàng doanh nghiệp (KHDN) mạnh như LPB, TCB, HDB và ACB ở phân khúc SME.
Bất động sản (BĐS) là ngành dẫn dắt khi nhóm NHTM có danh mục cho vay BĐS (không bao gồm cho vay mua nhà) lớn như MSB, TCB, HDB ghi nhận tăng trưởng tích cực, cho thấy thị trường BĐS đã có tín hiệu hồi phục.
Trong những giai đoạn đầu tiên của phục hồi kinh tế, nhu cầu tín dụng từ phía khách hàng doanh nghiệp sẽ tích cực hơn phân khúc bán lẻ. Phân khúc KHDN sẽ được các ngân hàng ưu tiên đẩy mạnh khi nhu cầu tín dụng từ phía doanh nghiệp sẽ sớm hơn bán lẻ. Do vậy, chúng tôi đánh giá cao những ngân hàng có danh mục cho vay doanh nghiệp mạnh và sẽ có mức tăng trưởng tích cực hơn trong những quý tiếp theo.
Chất lượng tài sản, NIM và lãi suất
Lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng nhẹ trong quý 2, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn ở mức rất thấp so với lịch sử. Với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong 2 quý còn lại, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2024 khi nhu cầu vốn gia tăng thúc đẩy nhu cầu huy động. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trong thời gian tới khó có thể giảm thêm, và với kỳ vọng tín dụng tăng tốc, các ngân hàng sẽ có dư địa tăng lãi suất cho vay – từ đó bù đắp cho đà tăng của chi phí vốn huy động (CoF). Do vậy, tác động của lãi suất huy động tăng đến biên lãi ròng (NIM) là không đáng kể.
Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng NIM sẽ cải thiện trong 2024, thúc đẩy bởi (1) kỳ vọng tín dụng bắt đầu tăng tốc trong 2 quý bù đắp gia tăng của chi phí huy động (2) tín dụng bán lẻ sẽ bắt đầu hồi phục trong quý II đồng pha với phục hồi kinh tế, với sự dẫn dắt của cho vay mua nhà (3) chất lượng tài sản dần cải thiện khi nền kinh tế hồi phục.
Mức độ cải thiện NIM sẽ phân hóa giữa các ngân hàng, tùy thuộc vào khả năng tăng trưởng tín dụng và tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Những ngân hàng không có lợi thế về CoF từ CASA như SHB, STB, VIB sẽ gặp khó trong việc cải thiện NIM và phải phụ thuộc vào tín dụng đầu ra, tuy nhiên thách thức vẫn còn trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất trong ngành để thu hút khách hàng.
Chất lượng tài sản của 11 ngân hàng chúng tôi quan sát giảm trong quý 1 khi tỷ lệ nợ xấu (NPLs) tăng 24 điểm phần trăm lên mức 1,88%, tiệm cận vùng đỉnh nợ xấu quý III/2023.
Dù cần thêm dữ liệu để đánh giá chi tiết, chúng tôi nhận thấy áp lực trích lập là rất lớn trong những quý tới khi các ngân hàng đã bắt đầu sử dụng bộ đệm dự phòng để xử lý nợ xấu để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong bối cánh tăng trưởng tín dụng yếu trong nửa đầu năm.
Bên cạnh đó, dù triển vọng của nền kinh tế và tín dụng tích cực trong thời gian tới, chúng tôi nhận thấy chất lượng tài sản vẫn còn là mối lo ngại khi rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay BĐS vẫn chưa hạ nhiệt, trong khi bộ đệm dự phòng của các ngân hàng đã mỏng dần sau quý I.
Có thể bạn quan tâm