Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cách nào phù hợp?
Chuyện thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đang là tâm điểm dư luận trong thời gian gần đây. Trong đó việc thu phí sẽ được thực hiện như thế nào và đơn vị nào triển khai vẫn có nhiều tranh cãi…
>>Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Còn điều gì băn khoăn?
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự thảo nghị định về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Dự thảo nghị định này khẳng định đường cao tốc do Nhà nước xây dựng sẽ được tổ chức thu phí. Mức phí có sự chênh lệch giữa các loại xe và các loại đường cao tốc khác nhau dự kiến từ 900 đồng đến 6.000 đồng/km.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, biểu phí trên được xây dựng theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí có liên quan (chi phí quản lý, tổ chức vận hành thu phí, bảo trì đường…), có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và tính đến lợi ích của người sử dụng đường cao tốc.
Theo thông lệ quốc tế, người sử dụng đường cao tốc thường sẵn sàng chi trả mức chi phí tương đương với 50-70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc. Với mức phí đề xuất như trên, Cục Đường bộ Việt Nam ước tính khi áp dụng thu cho 10 tuyến cao tốc đang khai thác, số phí thu được là 3.210 tỷ đồng/năm và số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.850 tỷ đồng/năm.
Đơn vị quản lý thu phí cao tốc có thể là cơ quan quản lý đường bộ, tổ chức nhận nhượng quyền thu phí hoặc tổ chức nhận nhượng quyền kinh doanh - quản lý tài sản kết cấu đường cao tốc.
Theo dự thảo, toàn bộ số tiền thu phí (sau khi trừ chi phí cung cấp dịch vụ thu phí) sẽ được chuyển vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của đơn vị quản lý thu mở tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ lần chuyển tiền trước đó, trừ các trường hợp đặc biệt đã được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ thu phí.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc thu phí trên các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư không phải là phí chồng phí mà là một biện pháp cần thiết để duy trì nguồn vốn bảo trì đường bộ và phát triển hệ thống cao tốc tiếp theo. Việc người dân có quyền lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng đường cao tốc là minh chứng rõ ràng cho tính minh bạch và công bằng của chính sách này.
Theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy, so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân 4.824 đồng/xe/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường. Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân 14.132 đồng/xe/km, phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn với lợi ích bình quân là 1.174 đồng/km. Lợi ích bình quân tính theo xe đơn vị là 2.616 đồng/PCU/km.
Để xác định mức phí cho các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết là đã dựa trên 4 nguyên tắc, trong đó đáng lưu ý là việc mức thu đảm bảo hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Bên cạnh đó, mức thu cho phép người sử dụng đường cao tốc chia sẻ lợi ích với nhà nước. Do đó, mức thu phải thấp hơn lợi ích người sử dụng đường cao tốc thu được.
>>Thu phí đường cao tốc Nhà nước đầu tư: Nên thí điểm trước khi luật hoá
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo tính toán sẽ có 2 hình thức thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm Nhà nước tự tổ chức thực hiện và thứ hai là nhượng quyền cho tư nhân quản lý, khai thác.
"Cục Đường bộ Việt Nam đã chuẩn bị các phương án, nếu tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm trên tinh thần cung cấp dịch vụ công đảm bảo tính liên tục cho người sử dụng.
Về mức phí, Cục đã nghiên cứu các kịch bản, tính toán, làm sao đảm bảo cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng và mức thu. Các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chi phí logistics", ông Thái phân tích.
Chia sẻ từ góc nhìn chuyên gia, PGS TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, mô hình Nhà nước làm đường rồi bán quyền thu phí, đấu thầu quản lý theo hình thức hợp đồng kinh doanh-quản lý (O&M) đã được áp dụng hiệu quả từ lâu tại nhiều nước.
"Mô hình O&M có nhiều ưu điểm như Nhà nước không phải nuôi bộ máy quản lý, thu phí và có ngay một khoản tiền để tái đầu tư các tuyến cao tốc mới. Vấn đề là làm sao để chọn được nhà thầu chuyên nghiệp, có năng lực về công nghệ, thiết bị", ông Chủng cho hay.
Theo ông Chủng, với mô hình này, Nhà nước quản lý, giám sát quá trình khai thác, vận hành thông qua hợp đồng kinh tế, qua đấu thầu công khai, thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
"Riêng các tuyến cao tốc có lưu lượng thấp, khó thu hút nhà đầu tư, Nhà nước cần xây dựng mức giá phù hợp, thời gian thu phí có thể dài hơn, đảm bảo khả thi phương án tài chính cho nhà đầu tư", ông Chủng nhận định.
Có thể bạn quan tâm