Hải Dương: Tìm lời giải bài toán giải ngân vốn đầu tư công

MINH HUỆ 16/07/2024 06:09

Để giải ngân cho các dự án có vốn đầu tư công theo đúng tiến độ, tỉnh Hải Dương cần sớm tìm lời giải nhanh nhất cho bài toán này.

>>>Hải Dương: Tạo không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp

Dưới mức trung bình

Theo UBND tỉnh Hải Dương báo cáo: Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của Hải Dương là 8.389,6 tỷ đồng, bao gồm vốn trong nước 8.034,7 tỷ đồng, vốn nước ngoài 354,9 tỷ đồng. Trong đó kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh 6.331,7 tỷ đồng, còn lại là vốn giao bổ sung.

Đến ngày 30/6/2024, Hải Dương đã giải ngân 1.087 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán và bằng 17,2% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm là 6.331,7 tỷ đồng. Căn cứ vào tình hình triển khai các dự án, công trình, tỉnh dự kiến sẽ giải ngân cả năm 2024 được 8.361,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99,7%.

Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân của Hải Dương đạt thấp do công tác lựa chọn nhà thầu của một số dự án chậm, giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng tiến độ thi công. Một số dự án phải lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài…

Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh là 8.389,6 tỷ đồng, bao gồm 8.034,7 tỷ đồng vốn trong nước và 354,9 tỷ đồng vốn nước ngoài. Hải Dương phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch vốn.

Đến ngày 30/6/2024, Hải Dương đã giải ngân 1.087 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán

Đến ngày 30/6/2024, Hải Dương đã giải ngân 1.087 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán (Ảnh minh họa)

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Lưu Văn Bản - PCT Thường trực UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các địa phương phải quyết liệt trong giải phóng mặt bằng. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương chỉ đạo Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng tháo gỡ điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng. Đối với các huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà và TP Chí Linh đang gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc để gỡ vướng về đất đai.

Giải phóng mặt bằng phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người bị thu hồi đất ở mức cao nhất trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời sẵn sàng chuẩn bị phương án cưỡng chế thu hồi đất trong trường hợp các tổ chức, cá nhân cố tình không chấp hành.

Làm gì để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Mới đây tại Kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Hải Dương khoá XVII, ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế bên cạnh kết quả tích cực. Đó là, tăng trưởng kinh tế quý II có dấu hiệu chững lại, tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp, dưới mức trung bình của cả nước.

Ông Chủ tịch tỉnh cũng đánh giá hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan như công tác tham mưu, điều hành tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa chủ động, tích cực, để xảy ra hạn chế kéo dài. Việc bố trí, phân công nhiệm vụ chưa hợp lý.

Theo ông Vũ Văn Cấp - Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc: Có một số nguyên nhân thủ tục đấu thầu đầu tư công còn một số bất cập, quy trình lập quy hoạch chi tiết, thiết kế dự án mất nhiều thời gian, qua nhiều bước. Cùng với đó công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, năng lực của nhiều nhà đầu tư còn hạn chế... “Thời gian tới, để khắc phục việc này, tỉnh cần tập trung cho quy hoạch xây dựng, đẩy nhanh quy trình thủ tục đầu tư, lựa chọn các nhà thầu có năng lực”

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ông Đồng Dũng Mạnh - Bí thư Huyện ủy Thanh Miện cho rằng cần tháo gỡ một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có việc quy định về điều kiện được bố trí tái định cư; có thêm cơ chế hỗ trợ để việc bố trí tái định cư được thực hiện theo đúng phương châm địa điểm tái định cư tốt hơn hoặc bằng chỗ ở cũ.

Đến ngày 30/6/2024, Hải Dương đã giải ngân 1.087 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán, và bằng 17,2% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm là 6.331,7 tỷ đồng

Đến ngày 30/6/2024, Hải Dương đã giải ngân được 17,2% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm là 6.331,7 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Ông Trần Hồ Đăng - Chủ tịch UBND TP Hải Dương cũng cho rằng tỉnh cần quan tâm tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng. Thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Việc áp dụng các quy định trong bồi thường, hỗ trợ mặt bằng theo hướng bảo đảm quyền lợi tối đa cho người dân đã tạo đồng thuận, thuận lợi trong giải phóng mặt bằng.

Hiện nay tỉnh đang thu hút đầu tư nhiều dự án trong khu vực trung tâm TP Hải Dương. Dự kiến để thực hiện các dự án cần phải quan tâm đến vấn đề bố trí tái định cư cho người dân để giải phóng mặt bằng. “Nếu việc bố trí tái định cư sát với nguyện vọng của người dân thì sẽ tạo thuận lợi để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án”

Được biết, tại Kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Hải Dương khoá XVII, ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu đến hết năm 2024, Hải Dương phấn đấu giải ngân đạt tối thiểu 95% nguồn vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ông Hùng cho rằng: Giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng với sự tăng trưởng của tỉnh Hải Dương trong 6 tháng cuối năm cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề khác nhau, mở ra những không gian phát triển cho tỉnh và cho từng địa phương.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Hút các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đến đầu tư

    Hải Dương: Hút các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đến đầu tư

    16:46, 09/07/2024

  • Hải Dương: Quyết liệt triển khai xây dựng nhà ở xã hội

    Hải Dương: Quyết liệt triển khai xây dựng nhà ở xã hội

    11:03, 09/07/2024

  • Hải Dương: Kết nối vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

    Hải Dương: Kết nối vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

    09:23, 09/07/2024

MINH HUỆ