Thách thức Net Zero: Nền móng phát triển cho các nhà khởi nghiệp công nghệ chống biến đổi khí hậu

DIỆU OANH 17/07/2024 07:18

Cuộc thi thách thức Net Zero nhằm kêu gọi các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ chống biến đổi khí hậu từ khắp nơi trên thế giới tham gia.

>>>Kinh tế “net zero”: Cuộc đua với carbon

Thách thức Net Zero được tổ chức bởi quỹ đầu tư Touchstone Partners và Temasek Foundation (một tổ chức phi lợi nhuận đến từ Singapore), phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS).

 Thách thức Net Zero là sân chơi tìm kiếm các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu với mục tiêu triển khai thí điểm tại Việt Nam. Cuộc thi được tổ chức ở quy mô toàn cầu, với mục tiêu hỗ trợ các nhà khởi nghiệp thu hẹp khoảng cách về nguồn vốn, mở rộng cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư, đối tác chiến lược và các liên minh về biến đổi khí hậu.

Nối tiếp thành công của năm 2023, cuộc thi năm nay hướng tới việc thiết lập nền tảng mở cho khởi nghiệp xanh (open innovation platform), giúp các bên liên quan trong lĩnh vực công nghệ chống biến đổi khí hậu có thể hỗ trợ và hợp tác hiệu quả. Nền tảng này cũng đồng thời kết nối các tập đoàn với các công nghệ xanh, hỗ trợ các nhà sáng lập huy động thêm nguồn vốn xanh, nhằm hỗ trợ công nghệ khí hậu giai đoạn đầu tại Việt Nam có thể nhanh chóng phát triển ở quy mô lớn.

Tiêu chuẩn tham gia không thay đổi, theo đó các đội cần phát triển một sản phẩm thử nghiệm (Minimal Viable Product, MVP) có tiềm năng nhân rộng hoặc thương mại hóa thành công và sẵn sàng triển khai thí điểm tại Việt Nam. Các đội có thể là công ty khởi nghiệp, đội ngũ nghiên cứu, dự án của doanh nghiệp, hoặc tổ chức phi lợi nhuận sẵn sàng cho một dự án thử nghiệm quy mô lớn. Các giải pháp đã thương mại hóa tại nước ngoài nhưng muốn thí điểm tại Việt Nam cũng có thể tham gia.

 Năm 2023 cuộc thi Thách thức Net Zero đã nhận được hơn 300 hồ sơ từ 45 quốc gia, trong đó hơn 30% đến từ ngoài Việt Nam. 3 đội đạt giải nhất bao gồm: Alternō với giải pháp hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt giá rẻ sử dụng pin cát, thuộc hạng mục Năng lượng tái tạo và Trung hòa Carbon;  Forte Biotech với giải pháp xét nghiệm nhanh tại chỗ để phát hiện bệnh ở tôm, thuộc hạng mục hệ thống lương thực và nông nghiệp bền vững; AirX Carbon chiến thắng với ý tưởng vật liệu thay thế nhựa làm từ thải sinh học với chi phí cạnh tranh, thuộc hạng mục kinh tế tuần hoàn và quản lý rác thải.

Các đội tham gia có cơ hội nhận tổng giải thưởng trị giá 15 tỉ đồng. Bên cạnh đó các đội thi còn có thể nhận khoản đầu tư trị giá 100.000 USD (tương đương 2,5 tỉ đồng) từ Sopoong Ventures, Touchstone Partners và tiền thưởng không lấy cổ phần lên đến 200 triệu đồng từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).

Cuộc thi năm nay sẽ tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực chính: (i) Năng lượng tái tạo và Trung hòa Carbon, (ii) Hệ thống lương thực và Nông nghiệp bền vững, và (iii) Kinh tế Tuần hoàn và Quản lý Rác thải.

Thời gian nhận hồ sơ cho cuộc thi Thách thức Net Zero 2024 bắt đầu từ ngày 16/7/2024 đến 15/9/2024. Ban tổ chức sẽ chọn 9 đội xuất sắc nhất để tham gia vòng chung kết vào cuối tháng 11/2024.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế “net zero”: Cuộc đua với carbon

    Kinh tế “net zero”: Cuộc đua với carbon

    04:00, 09/04/2024

  • Lan tỏa tinh thần Khởi nghiệp sáng tạo xã hội trong sinh viên

    Lan tỏa tinh thần Khởi nghiệp sáng tạo xã hội trong sinh viên

    15:04, 12/07/2024

  • 29/7 - 2/8: Khóa tập huấn Giảng viên nguồn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    29/7 - 2/8: Khóa tập huấn Giảng viên nguồn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    10:11, 16/07/2024

DIỆU OANH