Đề xuất gói vay mua nhà ở xã hội lãi suất 4,8%/năm

DIỆU HOA 18/07/2024 12:00

Vingroup và Techcombank vừa có kiến nghị thí điểm gói vay mua nhà ở xã hội với những ưu đãi lãi suất 4,8%/năm, thời hạn cho vay 30 năm, đặc biệt mức vay lên đến 100% giá trị nhà.

>>Nam Định: “Nhập cuộc” xây dựng nhà ở xã hội

"Ông lớn" Vingroup và Techcombank đề xuất gói vay 4,8%, tối đa 30 năm cho nhà ở xã hội.

Lãi suất 4,8%, cho vay tới 30 năm

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng tăng thời hạn cho vay, hạ lãi suất vay mua nhà ở xã hội sau khi Vingroup và Techcombank cùng ký đề xuất gửi đến bộ này một chương trình tín dụng mới dành cho người mua nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, lãi vay dành cho người mua nhà ở xã hội được Vingroup và Techcombank đề xuất bằng với mức lãi vay mua nhà ở xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng theo từng thời kỳ. Hiện mức lãi suất này khoảng 4,8%/năm và cố định trong 5 năm đầu tiên. Thời hạn cho vay khoảng 30 năm, tài sản đảm bảo cho khoản vay mua nhà ở xã hội chính là các dự án nhà ở xã hội.

Đáng chú ý, 2 "ông lớn" cũng đề xuất mức cho vay mua nhà ở xã hội tối đa lên đến 100% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở xã hội. Đối tượng vay là những cá nhân đủ điều kiện mua nhà ở xã hội theo danh sách do chủ đầu tư dự án xác minh và cung cấp.

Để thực hiện được chương trình cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội, Vingroup và Techcombank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng so với tăng trưởng tín dụng thông thường để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng kinh doanh nhằm tạo ra thu nhập bù đắp phần chênh lệch lãi suất đã bỏ ra để hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội. 

Nguồn tài chính hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng. Vì vậy, Techcombank đề xuất xem xét cấp bổ sung hạn mức tín dụng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu thí điểm (ngoài hạn mức được Ngân hàng Nhà nước thông báo đầu năm tài chính đến các tổ chức tín dụng nói chung và Techcombank nói riêng). 

>>Giải pháp đạt mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội: Tăng tốc về đích

Cần những ưu đãi thực sự

Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, tương đương 12% nhu cầu vốn, để phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 được triển khai từ 1/4/2023 đến hết năm 2030. Có 4 ngân hàng thương mại nhà nước hoặc vốn nhà nước chi phối là Agirbank, VietinBank, Vietcombank và BIDV tham gia gói tín dụng này.

Nhu cầu vay mua nhà ở xã hội rất lớn.

Tuy nhiên sau hơn 1 năm triển khai, cả doanh nghiệp và người có nhu cầu mua nhà ở xã hội liên tục phản ánh về nguồn cung khan hiếm và mức lãi suất của gói vay 120.000 tỷ đồng vẫn cao, thủ tục vay khó khăn. Trong 2 quý đầu của năm 2024, các ngân hàng thương mại đã giải ngân số tiền 1.234 tỷ đồng, chỉ tương đương 1% của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.100 tỷ cho chủ đầu tư tại 11 dự án, còn lại là người mua nhà.

Nguyên nhân gói tín dụng này giải ngân chậm, theo báo cáo Ngân hàng Nhà nước trước đó, do quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi. 

Do đó, cùng với việc kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia vào gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng, mới đây Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).

Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị cần có gói vay với ưu đãi hấp dẫn và thủ tục đơn giản hơn với nhà ở xã hội. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), người vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được vay ưu đãi một lần với lãi suất 7,5-8%/năm, tức là khi đã được giải quyết vay gói này thì sẽ mất cơ hội vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành với lãi suất thấp hơn đáng kể từ 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.

“Dễ thấy người mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ lựa chọn gói vay lãi suất thấp hơn nếu có. Tâm lý người thu nhập thấp đô thị là chờ đợi đến khi có chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội cũng như có nguồn cung nhà ở xã hội mới để vay được ưu đãi. Chính vì vậy, khả năng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khó giải ngân là hiện hữu”, ông Châu cảnh báo.

Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Uỷ viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc Gia, gói 120.000 tỷ không khả thi, cần có chiến lược tài chính nhà ở. Vị chuyên gia cho rằng Việt Nam nên tham khảo một số nước rất phổ cập về chiến lược này.

Đơn cử tại Singapore, cũng thực hiện thông qua ngân hàng như Việt Nam, nhưng ở quốc đảo này lãi suất phải do Chính phủ đề ra. Ai là công dân của nước này được quyền mua nhà ở và vay mua tại ngân hàng. Kỳ hạn cực kỳ hấp dẫn từ 30 – 36 năm, lãi suất người mua phải trả là 2%/năm, còn phần lãi chênh còn lại do Chính phủ tài trợ.

Trong khi đó, ở cương vị doanh nghiệp chuyên thực hiện các dự án nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành cũng cần có gói tín dụng như gói 30.000 tỷ đồng trước đây để người dân, doanh nghiệp có thể vay được vốn ưu đãi với lãi suất thấp, từ đó gia tăng nguồn cung sản phẩm ra thị trường cũng như khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp đạt mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội: “Gỡ vướng” cho các chủ đầu tư

    Giải pháp đạt mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội: “Gỡ vướng” cho các chủ đầu tư

    15:24, 16/07/2024

  • Khu công nghiệp Bảo Minh: Tiên phong trong xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân

    Khu công nghiệp Bảo Minh: Tiên phong trong xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân

    16:10, 16/07/2024

  • Giải pháp đạt mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội: Tăng tốc về đích

    Giải pháp đạt mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội: Tăng tốc về đích

    15:22, 16/07/2024

  • Nam Định: “Nhập cuộc” xây dựng nhà ở xã hội

    Nam Định: “Nhập cuộc” xây dựng nhà ở xã hội

    14:13, 16/07/2024

DIỆU HOA