Giảm lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước: Lo ngại điều gì?
Trước đề xuất giảm lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước, các chuyên gia lo ngại việc chính sách áp dụng nhiều lần sẽ bị các nước “soi” vi phạm cam kết về hàng hóa giữa các quốc gia với nhau…
>>Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giảm phí trước bạ ô tô trong nước
Theo đó, Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tại hồ sơ này, Bộ Tài chính đã cập nhật ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, về cơ bản, các đơn vị nhất trí với dự thảo nghị định. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương có ý kiến lo ngại về vi phạm cam kết quốc tế. Cụ thể, việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ như dự thảo nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang, cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.
Bộ Tài chính cho biết: tại công văn ngày 26/4 và Tờ trình Chính phủ số 121/TTr-BTC ngày 31/5, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chi tiết về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trong đó, ngoài đánh giá cụ thể tác động của việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc vi phạm các cam kết quốc tế, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án.
Phương án 1: cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Phương án 2: giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng. Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thực hiện theo phương án 1.
Tuy nhiên, tại Thông báo số 264/TB-VPCP ngày 19/6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái có ý kiến: hầu hết các ý kiến tại cuộc họp thống nhất trình Chính phủ quy định việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thực hiện đúng theo Nghị quyết số 44/NQ-CP và thực hiện xây dựng nghị định theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của chính sách, rút gọn.
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại thông báo nêu trên, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, để ứng phó với việc vi phạm cam kết quốc tế như các bộ đã nêu, Bộ Tài chính trình Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
>>THACO đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô tô lắp rắp trong nước
Theo các chuyên gia dù chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ áp dụng ngắn hạn 6 tháng, tuy nhiên, vẫn có nguy cơ bị các nước xuất khẩu ô tô vào Việt Nam khởi kiện đối với việc áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ chỉ dành cho ô tô lắp ráp trong nước của Việt Nam.
Chia sẻ trên tờ Pháp luật TP. HCM về nội dung này, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết, việc tiếp tục gia hạn thực hiện chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước 6 tháng có thể né được việc bị các nước kiện vì chính sách này không áp dụng dài hạn nguyên năm. Tuy nhiên, việc chính sách áp dụng nhiều lần có thể sẽ bị các nước “soi” vi phạm cam kết về hàng hóa giữa các quốc gia với nhau.
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, Việt Nam cần chính sách dài hạn để phát triển ô tô trong nước mà không vi phạm cam kết quốc tế như giảm thuế linh phụ kiện ô tô nhập khẩu về để lắp ráp ô tô trong nước. Vì hiện nay các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chủ yếu là nhập khẩu linh kiện về lắp ráp.
"Trước mắt muốn giảm giá thành ô tô lắp ráp trong nước thì giảm thuế nhập khẩu linh, phụ kiện áp dụng 5-10 năm chứ không chỉ 1-2 năm", ông Đồng khuyến nghị.
Chia sẻ thêm về nội dung này, vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần học Indonesia về chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô khi áp dụng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cũng những các loại thuế phí khác đối với các mẫu xe mà doanh nghiệp đó có tỉ lệ nội địa hóa cao trên 40%.
Ông Đồng cho biết, muốn đạt tỉ lệ nội địa hóa cao thì hãng xe đó phải đầu tư cho các công ty bản địa phát triển các sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô, buộc phải có tới 40% linh phụ kiện của mẫu ô tô đó được sản xuất tại Indonesia.
“Khi đó vừa giúp tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, vừa thu hút các hãng ô tô đầu tư lâu dài, chuyển giao công nghệ để được giảm thuế, đồng thời giảm giá xe, thúc đẩy tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu”, ông Đồng phân tích.
Có thể bạn quan tâm