Đón vốn ESG - Bài 1: Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng?

LÊ MỸ thực hiện 19/07/2024 11:00

Các công ty không theo đuổi các sáng kiến ESG có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh..., theo ông Abhinav Goyal, PwC Việt Nam.

>>>Giá trị của doanh nghiệp niêm yết ra sao khi đầu tư ESG?

Theo ông Abhinav Goyal - Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Vốn và Cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam, áp dụng ESG tại Việt Nam đã tăng tốc trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi các sáng kiến của Chính phủ và kỳ vọng của nhà đầu tư ngày càng tăng. Cuộc khảo sát của PwC Việt Nam và Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) năm 2022 cho thấy 80% công ty được khảo sát đã thực hiện cam kết ESG hoặc có kế hoạch thực hiện trong 2-4 năm tới.

Ông Abhinav Goyal - Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Vốn và Cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam

Ông Abhinav Goyal - Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Vốn và Cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Ông Abhinav Goyal - Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Vốn và Cơ sở hạ tầng, PwC Việt Nam - trò chuyện cùng DĐDN.

- Đến hiện tại, sau một giai đoạn khởi động để thực hiện hành trình Net Zero vào 2050, theo quan sát của PwC Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị ra sao, thưa ông?

Theo khảo sát, các công ty niêm yết lớn hơn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang dẫn đầu, với lần lượt 84% và 93% đã thực hiện hoặc lập kế hoạch cam kết. Những cam kết này thường được thúc đẩy bởi áp lực của nhà đầu tư và các yêu cầu pháp lý từ công ty mẹ. Các công ty này đang thực hiện các bước hữu hình như đặt mục tiêu giảm lượng carbon, đầu tư vào năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Chúng tôi cũng nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng vào tính minh bạch khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo phát triển bền vững và/ hoặc thực hành ESG của họ cho các bên quan tâm. Đây là một dấu hiệu tích cực vì nó thể hiện cam kết về trách nhiệm giải trình và nỗ lực tiến bộ bền bỉ của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng giữa các lĩnh vực lại khác nhau. Các tập đoàn lớn hơn có xu hướng tiến nhanh hơn trong các sáng kiến ESG của họ so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - những doanh nghiệp có thể phải đối mặt với những thách thức như nguồn lực và chuyên môn hạn chế.

Nhìn chung, mặc dù đã có những tiến bộ đáng khen ngợi, vẫn cần tiếp tục nỗ lực để đảm bảo việc áp dụng ESG toàn diện và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam.

>>>Chú trọng yếu tố ESG khi định giá doanh nghiệp

- Ông có nhận định gì về xu hướng sẵn sàng để đầu tư và hoạt động theo tiêu chuẩn ESG của doanh nghiệp Việt? Những điểm “được”, “chưa được” hay thuận lợi và khó khăn chính trong sự chủ động, hòa nhịp xu hướng này?

Việc thực hành ESG tại Việt Nam đang cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư và hoạt động theo các tiêu chuẩn ESG còn khác biệt đáng kể. Các công ty hàng đầu như Vinamilk, Heineken Việt Nam, Novaland đã tích hợp ESG vào chiến lược cốt lõi của họ, thể hiện một cách tiếp cận chủ động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của hành trình ESG. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong khi 66% các công ty có áp dụng một số chương trình về ESG, chỉ có 24% cho biết họ có một cấu trúc quản trị rõ ràng cho ESG, và chỉ 35% có sự tham gia tích cực của Hội đồng quản trị. Bên cạnh đó, 71% các công ty thiếu hiểu biết đầy đủ về dữ liệu cần thiết cho việc báo cáo, và 70% hoặc không có hoặc chỉ có báo cáo ESG rất hạn chế. Những số liệu này nhấn mạnh một khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động.

Chúng tôi đang làm việc với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu (Climate Finance Accelerator - CFA) của Chính phủ Anh, một chương trình hỗ trợ nhằm kết nối các dự án carbon thấp với nguồn tài chính xanh, giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt tài chính, và qua đó chúng tôi có thể hiểu rõ những thách thức của doanh nghiệp. Mặc dù nhiều công ty nhận thức được tầm quan trọng của ESG, họ vẫn đang ở giai đoạn đầu của việc triển khai và gặp khó khăn trong việc tích hợp ESG vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi do:

Thiếu kiến thức/chuyên môn: Sự phức tạp và tính chất thay đổi của ESG đặt ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều công ty, đặc biệt là các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), thiếu chuyên môn và nguồn lực nội bộ để điều hướng và triển khai các chiến lược ESG hiệu quả. Khoảng cách kiến thức này thường xuất phát từ sự thiếu rõ ràng và lượng thông tin quá tải, là một rào cản lớn cho việc áp dụng ESG. Cần lưu ý rằng thách thức này không chỉ riêng ở Việt Nam, vì một cuộc khảo sát gần đây của PwC tiết lộ rằng các công ty trên toàn cầu cũng gặp khó khăn trong việc hiểu và tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định ESG.

Khả năng tài chính: Những hạn chế về tài chính càng làm vấn đề này trở nên phức tạp hơn. Các sáng kiến ESG thường yêu cầu đầu tư ban đầu đáng kể vào công nghệ, đào tạo và thu thập dữ liệu, đây có thể là gánh nặng lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ngân sách hạn chế.

Quy định không rõ ràng: Bối cảnh pháp lý ESG ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Việc thiếu các hướng dẫn rõ ràng, các tiêu chuẩn không nhất quán và thiếu lộ trình toàn diện tạo ra sự bất ổn cho doanh nghiệp. Khảo sát của chúng tôi cho thấy 67% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu quy định rõ ràng.

Bất chấp những thách thức trên, lợi thế của việc áp dụng ESG đối với các doanh nghiệp Việt Nam là rất hấp dẫn:

Nâng cao hình ảnh thương hiệu: Đây là động lực chính cho các doanh nghiệp Việt Nam, với 82% công ty được khảo sát coi đó là yếu tố quan trọng. Hồ sơ ESG mạnh mẽ có thể gây ấn tượng với người tiêu dùng ngày càng ý thức và củng cố uy tín thương hiệu.

Cải thiện quản lý rủi ro: Thực hành ESG giúp các công ty xác định và giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một quốc gia như Việt Nam, nơi rất dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro khí hậu.

Tiếp cận vốn: Việc tuân thủ ESG ngày càng trở thành một yêu cầu bắt buộc để thu hút đầu tư quốc tế và các quỹ tập trung vào ESG đang phát triển trên toàn cầu. Các công ty thực hành ESG mạnh mẽ được coi là khoản đầu tư bền vững hơn và ít rủi ro hơn, dẫn đến khả năng tiếp cận vốn tốt hơn, chi phí vay thấp hơn và tăng cơ hội đầu tư. Thị trường tài chính bền vững toàn cầu đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về trái phiếu và khoản vay bền vững, tuân thủ các nguyên tắc do Hiệp hội Thị trường Cho vay (LMA) và Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) thiết lập.

Tiếp cận thị trường và gây dựng niềm tin của khách hàng: Người tiêu dùng đang có xu hướng ưa chuộng các thương hiệu bền vững và có trách nhiệm với xã hội. Ví dụ, Khảo sát chuyên sâu về người tiêu dùng toàn cầu của PwC cho thấy 96% người tiêu dùng Việt Nam sẽ trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm từ các công ty có uy tín về đạo đức hoặc trách nhiệm xã hội. Điều này phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm và dịch vụ bền vững trên thị trường quốc tế, mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên ESG. Hơn nữa, việc tuân thủ các quy định đang phát triển như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là rất quan trọng để duy trì khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Liên minh Châu Âu, điểm đến chính của xuất khẩu thép, nhôm và giày dép của Việt Nam. Việc thích ứng với CBAM có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sang thị trường đầy tiềm năng này.

Nhìn chung, lợi ích lâu dài của việc áp dụng ESG có thể vượt xa những thách thức ban đầu. Các công ty không theo đuổi các sáng kiến ESG có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh kinh doanh ngày càng chú trọng đến tính bền vững.

ESG

Dù nhiều thách thức và bất cập, lợi thế của việc áp dụng ESG đối với các doanh nghiệp Việt Nam rất hấp dẫn. (Ảnh minh họa: T.L)

- Vậy các doanh nghiệp Việt cần có sự thay đổi gì để thực sự chủ động và hiện thực hiệu quả hơn hành trình ESG, thưa ông?

Để chủ động và hiệu quả hơn trong hành trình ESG của mình, doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng cách tiếp cận tổng thể và chiến lược, tập trung vào những thay đổi chính sau:

Đưa ESG vào cấp lãnh đạo: ESG không nên chỉ là một bài tập kiểm tra đơn thuần mà là một giá trị cốt lõi được tích hợp vào ADN của công ty. Điều này bắt đầu với việc hội đồng quản trị và ban quản lý cấp cao thể hiện cam kết thực sự đối với tính bền vững, đảm bảo rằng các mục tiêu ESG được đưa vào chiến lược tổng thể và quy trình ra quyết định của công ty. Việc thành lập một ủy ban ESG chuyên trách hoặc bổ nhiệm các vị trí phụ trách về ESG có thể củng cố hơn nữa cam kết này và thúc đẩy trách nhiệm giải trình.

Đầu tư vào chuyên môn và nâng cao năng lực về ESG: Rào cản đáng kể đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam là thiếu kiến thức và kỹ năng về ESG nội bộ. Đầu tư vào các chương trình đào tạo toàn diện cho nhân viên các cấp là rất quan trọng. Việc này sẽ bao gồm đào tạo kỹ thuật về các tiêu chuẩn báo cáo ESG như GRI, SASB và SBTi, các phương pháp thu thập dữ liệu, cũng như giáo dục rộng hơn về các thực hành bền vững hay kinh tế tuần hoàn. Nâng cao kỹ năng của hội đồng quản trị về các vấn đề ESG cũng quan trọng không kém, vì nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự thiếu tin tưởng của nhân viên vào khả năng của lãnh đạo trong lĩnh vực này: chỉ có 29% số người được hỏi bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của Hội đồng quản trị về các vấn đề liên quan đến ESG.

Tương tác với các bên liên quan: Việc triển khai ESG hiệu quả đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan, bao gồm nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng, cộng đồng địa phương và cơ quan quản lý. Điều này có thể bao gồm thúc đẩy đối thoại, áp dụng cơ chế phản hồi và sáng kiến hợp tác để giải quyết các vấn đề ESG liên quan đến từng nhóm liên quan. Hiểu và đáp ứng mối quan tâm của các bên liên quan là chìa khóa để xây dựng mối quan hệ bền chặt và đảm bảo tính bền vững lâu dài.

Thúc đẩy văn hóa minh bạch và trách nhiệm: Giao tiếp cởi mở và trung thực về các nỗ lực ESG là điều cần thiết để xây dựng niềm tin với các bên liên quan. Điều này bao gồm việc thường xuyên công bố các báo cáo phát triển bền vững toàn diện và minh bạch, vượt ra ngoài phạm vi tuân thủ và thể hiện tiến trình, thách thức và mục tiêu trong tương lai của công ty. Nhận được các kiểm chứng từ các bên thứ ba cho các thông tin ESG được công bố có thể giúp nâng cao hơn nữa độ tin cậy và thể hiện cam kết về tính chính xác và trách nhiệm giải trình của công ty.

Bằng cách nắm bắt những thay đổi này, các doanh nghiệp Việt Nam không những có thể nâng cao hiệu suất ESG và giảm thiểu rủi ro mà còn mở ra những cơ hội mới để tăng trưởng, đổi mới và tạo tác động tích cực.

- Ở góc độ dòng vốn, trên thế giới, ông có thể cho biết vốn của các quỹ tăng trưởng bền vững (vốn ESG) có sự thay đổi gì so với giai đoạn trước 2022? Một số thông tin về khả năng suy thoái và lạm phát, lãi suất cao, sự bùng nổ sức hút của đầu tư công nghệ liệu có làm chững lại dòng vốn ESG?

Kể từ giai đoạn trước năm 2022, nguồn vốn của quỹ tăng trưởng bền vững (vốn ESG) trên toàn cầu đã gia tăng đáng kể. Các nhà đầu tư đang đặt ưu tiên cao hơn cho các yếu tố ESG trong quyết định đầu tư của họ, do nhận thức ngày càng cao về biến đổi khí hậu, các vấn đề xã hội và áp lực pháp lý. Xu hướng này cũng được thể hiện rõ ở Việt Nam, thể hiện qua việc phát hành trái phiếu xanh đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2022, Việt Nam đã phát hành 1,1 tỷ USD trái phiếu xanh, lọt vào top 10 quốc gia phát hành trái phiếu xanh hàng đầu khu vực ASEAN theo thống kê của Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu.

Nhu cầu ngày càng tăng này đã dẫn đến sự ra đời của nhiều quỹ và sản phẩm tài chính tập trung vào ESG. Ví dụ, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cam kết 2,1 tỷ USD cho Việt Nam để triển khai Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) và Cơ chế Chuyển đổi Năng lượng (ETM), các công cụ tài chính sáng tạo được thiết kế để chuyển đổi từ các nhà máy nhiệt điện than sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Ngoài ra, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã công bố các khoản đầu tư mới, bao gồm một cơ sở cho vay xanh để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, và 3,5 nghìn tỷ VND (150 triệu USD) trái phiếu liên kết bền vững (SLBs) bằng đồng nội tệ đầu tiên của Việt Nam để tăng cường bảo tồn nước và hiệu quả năng lượng trong các tài sản ngành khách sạn.

Tuy nhiên, môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay đặt ra nhiều thách thức. Những lo ngại về suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất cao có thể dẫn đến thị trường vốn thắt chặt hơn và các phương pháp đầu tư thận trọng hơn. Các yếu tố kinh tế vĩ mô này có thể làm chậm dòng vốn ESG khi các nhà đầu tư lo ngại rủi ro hơn. Hơn nữa, sự tăng trưởng nhanh chóng và sự hấp dẫn của các khoản đầu tư công nghệ, đặc biệt là AI và Fintech, có thể làm chuyển hướng một số dòng vốn khỏi các sáng kiến ESG.

Dù vậy, triển vọng dài hạn cho đầu tư ESG vẫn mạnh mẽ. Có một nhận thức ngày càng gia tăng rằng các yếu tố ESG không chỉ là một yêu cầu về mặt đạo đức mà còn rất quan trọng cho hiệu suất tài chính và khả năng phục hồi dài hạn của các công ty. Các công ty có hồ sơ ESG mạnh thường được trang bị tốt hơn để quản lý rủi ro, đổi mới và thích ứng với các điều kiện thị trường thay đổi.

Cụ thể đối với Việt Nam, nhiều sáng kiến của chính phủ và các tổ chức tài chính minh chứng thêm cho cam kết huy động vốn ESG. Kế hoạch Tài chính Bền vững của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tích hợp các yếu tố môi trường và xã hội vào ngành ngân hàng, thúc đẩy cho vay xanh và đầu tư bền vững. Cam kết của quốc gia về việc đạt phát thải ròng bằng không và các cơ hội tiềm năng do JETP mang lại đang thu hút các nhà đầu tư ESG quốc tế. Đáng chú ý, BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã công nhận tiềm năng tăng trưởng dựa trên ESG của Việt Nam, coi Việt Nam là một thị trường mới nổi quan trọng cho đầu tư bền vững trong báo cáo Triển vọng Toàn cầu năm 2023 của mình.

Để tận dụng hoàn toàn những cơ hội này, Việt Nam phải điều hướng các thách thức kinh tế toàn cầu và đảm bảo rằng các chính sách và khuôn khổ ESG của mình đủ mạnh mẽ, minh bạch và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này sẽ rất quan trọng để xây dựng niềm tin của các nhà đầu tư và thu hút nguồn vốn cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của đất nước.

(Biểu đồ: Dữ liệu thống kê theo báo cáo của PwC Việt Nam)

(Biểu đồ: DĐDN - số liệu theo báo cáo của PwC Việt Nam)

- Với bức tranh toàn cảnh như nêu trên, theo ông,Việt Nam và các doanh nghiệp Việt cần lưu ý những gì để có thể tiếp cận vốn ESG? Bên cạnh đó, ông có khuyến nghị gì về cơ chế vốn xanh dành cho doanh nghiệp từ Chính phủ và các tổ chức, định chế?

Để tiếp cận nguồn vốn ESG, doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc những điểm sau:

Nâng cao chất lượng báo cáo ESG phù hợp với các quy định: Các công ty Việt Nam cần nâng cấp báo cáo ESG của mình để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, như Global Reporting Initiative (GRI) và Sustainability Accounting Standards Board (SASB). Dù hiện tại chưa bắt buộc, xu hướng quy định hiện nay nhấn mạnh vào sự minh bạch và báo cáo ESG có điều kiện. Việc chủ động áp dụng các tiêu chuẩn này sẽ giúp các công ty tạo vị thế thuận lợi cho việc thu hút nhà đầu tư. Ví dụ, Thông tư 96/2020/TT-BTC yêu cầu các công ty đại chúng và các công ty có trái phiếu niêm yết phải công bố thông tin liên quan đến phát thải khí nhà kính, quản lý tài nguyên, tiêu thụ năng lượng và nước, tuân thủ luật môi trường, chính sách nhân viên, trách nhiệm cộng đồng và các hoạt động trên thị trường vốn xanh. Nghị định 47/2021/NĐ-CP cũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải báo cáo công khai về các nỗ lực bảo vệ môi trường, đóng góp xã hội, trách nhiệm với nhà cung cấp, an toàn cho người tiêu dùng và quyền lợi của cổ đông và nhân viên. Ngoài ra, các quy định gần đây như Quyết định 01/2022/QĐ-TTg và Nghị định 06/2022/NĐ-CP yêu cầu bắt buộc kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở có phát thải ít nhất 3.000 tấn CO2 tương đương hoặc tổng tiêu thụ nhiên liệu/năng lượng hàng năm trên 1.000 TOE. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của việc kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính toàn diện. Cách tiếp cận chủ động với các quy định này đảm bảo rằng các yếu tố ESG được tích hợp vào chiến lược và quyết định kinh doanh, cung cấp dữ liệu rõ ràng, ngắn gọn và so sánh được để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư.

Đầu tư nâng cao năng lực ESG: Các công ty Việt Nam nên ưu tiên phát triển chuyên môn nội bộ về ESG như một phần chiến lược của mình. Việc này bao gồm đầu tư vào các chương trình đào tạo toàn diện cho nhân viên ở mọi cấp độ, trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng để xác định các rủi ro và cơ hội ESG. Các công ty cũng nên cân nhắc việc thuê các chuyên gia uy tín về phát triển bền vững hoặc hợp tác với các nhà tư vấn chuyên môn về ESG để đẩy nhanh việc tích hợp ESG vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Lực lượng lao động thông thạo các nguyên tắc ESG có thể thúc đẩy sự đổi mới, xác định các sáng kiến tiết kiệm chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh tổng thể.

Khám phá các cơ chế tài trợ ESG đổi mới: Các công ty Việt Nam nên chủ động tìm hiểu và nắm bắt các cơ chế tài trợ ESG đổi mới đang nổi lên ở Việt Nam. Điều này có thể bao gồm trái phiếu xanh, được thiết kế cho các dự án thân thiện với môi trường, hoặc các khoản vay liên quan đến tính bền vững, trong đó lãi suất sẽ được gắn với việc đạt được các mục tiêu ESG đã xác định trước. Các công ty cũng có thể cân nhắc các quỹ đầu tư tác động tập trung vào phát triển bền vững tại Việt Nam. Bằng cách tận dụng các công cụ này, các công ty có thể tiếp cận nguồn vốn chuyên dụng cho các dự án bền vững, giảm chi phí vay và thể hiện cam kết của họ đối với ESG tới nhiều đối tượng nhà đầu tư hơn.

Chính phủ và các tổ chức có thể đóng một vai trò quan trọng bằng cách:

Tạo ra một môi trường pháp lý hỗ trợ: Việc thiết lập và thực thi các quy định và hướng dẫn ESG mạnh mẽ là rất quan trọng. Mặc dù Chỉ số Phát triển bền vững Việt Nam (VNSI) dành cho các công ty niêm yết đã giúp giải quyết được một phần các vấn đề về minh bạch và bất cân xứng thông tin, nhưng vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa. Hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), nhưng chỉ các công ty niêm yết mới được yêu cầu báo cáo về hiệu quả hoạt động và chiến lược ESG trong báo cáo thường niên. Hầu hết các thông tin này là cơ bản và thiếu sự xác minh của bên thứ ba, khiến các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả hoạt động của ESG không đáng tin cậy. Chính phủ nên xây dựng một hệ thống phân loại xanh toàn diện nhằm định nghĩa rõ ràng các yếu tố tạo nên đầu tư xanh hoặc bền vững trong bối cảnh Việt Nam. Ngoài ra, việc yêu cầu báo cáo ESG được tiêu chuẩn hóa kết hợp các thông lệ quốc tế tốt nhất với bối cảnh địa phương, được pháp luật quy định, sẽ thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, dẫn đến kết quả tích cực trên quy mô lớn.

Cung cấp các ưu đãi tài chính: Chính phủ có thể đưa ra các ưu đãi trực tiếp như giảm thuế hoặc trợ cấp cho các công ty áp dụng các hoạt động bền vững hoặc phát triển các dự án xanh. Ưu đãi tài chính có thể giảm đáng kể gánh nặng chi phí đối với các doanh nghiệp chuyển sang thực hành bền vững.

Tạo điều kiện chia sẻ kiến thức và xây dựng năng lực: Tạo ra các nền tảng, hội thảo và chương trình đào tạo để giáo dục các doanh nghiệp và nhà đầu tư về các phương pháp hay nhất về ESG là điều cần thiết. Chia sẻ kiến thức có thể giúp doanh nghiệp hiểu được lợi ích của ESG và cách triển khai các biện pháp này một cách hiệu quả. Bằng cách tổ chức các buổi hội thảo và đào tạo thường xuyên, chính phủ và các tổ chức có thể trang bị cho doanh nghiệp những công cụ và kiến thức cần thiết để tích hợp các nguyên tắc ESG vào hoạt động của mình.

Thúc đẩy hợp tác: Chính phủ nên thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính và tổ chức quốc tế để tận dụng chuyên môn và nguồn lực.

Bằng cách thực hiện các bước này, Việt Nam có thể tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các khoản đầu tư ESG, thu hút vốn từ cả nguồn trong nước và quốc tế. Điều này không chỉ hỗ trợ phát triển bền vững mà còn nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

- Trân trọng cảm ơn Ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Hành trình thực hiện ESG

    Hành trình thực hiện ESG

    05:00, 29/06/2024

  • Thách thức rất lớn trong thực hành ESG, kinh tế tuần hoàn

    Thách thức rất lớn trong thực hành ESG, kinh tế tuần hoàn

    02:00, 25/06/2024

  • Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG

    Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp thực hành ESG

    03:30, 22/06/2024

  • Dưới 30% doanh nghiệp đề cập đến ESG trong báo cáo tài chính

    Dưới 30% doanh nghiệp đề cập đến ESG trong báo cáo tài chính

    05:26, 24/04/2024

  • ESG – Giấy thông hành phát triển bền vững của doanh nghiệp

    ESG – Giấy thông hành phát triển bền vững của doanh nghiệp

    13:00, 19/04/2024

  • Gỡ nút thắt cho đầu tư ESG tại Việt Nam

    Gỡ nút thắt cho đầu tư ESG tại Việt Nam

    05:00, 09/04/2024

LÊ MỸ thực hiện