“Cuộc đua” xây dựng trung tâm dữ liệu

NGUYỄN CHUẨN 20/07/2024 02:00

Khi nền kinh tế số phát triển một cách nhanh chóng, cuộc đua xây dựng các trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại tại Việt Nam cũng đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.

>>Thị trường trung tâm dữ liệu: Thấy gì từ Malaysia?

 Hệ thống trung tâm dữ liệu của Viettel IDC được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

Hệ thống trung tâm dữ liệu của Viettel IDC được thiết kế đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

Báo cáo “Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam - Phân tích đầu tư & Cơ hội tăng trưởng 2024-2029” của hãng nghiên cứu thị trường ResearchAndMarkets cho biết, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng lên 1,435 tỷ USD vào năm 2029 từ mức 685 triệu USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13,12% từ năm 2023-2029.

Thị trường nhiều tiềm năng

Trong khi đó, theo báo cáo của Savills Châu Á - Thái Bình Dương, ngành công nghiệp điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu của Việt Nam là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới. Ngành này được thúc đẩy bởi quá trình số hóa của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, dân số trẻ và hiểu biết về kỹ thuật số, sự ra đời của 5G, nhu cầu tự cung tự cấp về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và luật bản địa hóa dữ liệu.

Theo Sách trắng công nghiệp năm 2023 của Savills, Việt Nam có 28 trung tâm dữ liệu với tổng công suất 45 MW với 44 nhà cung cấp dịch vụ. Hầu hết các công ty trong phân khúc trung tâm dữ liệu của Việt Nam là các công ty viễn thông trong nước như Viettel IDC, NTT Global Data Centers, FTP Telecom, CMC Telecom, HTC Telecom International (ECODC), VNPT và VNTT. Các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng CNTT bao gồm HP, Dell, Cisco Systems, Fujitsu, Hitachi, Huawei, IBM, Lenovo, NetApp, NEC Corp và Oracle.

Mới đây nhất, Tập đoàn CMC đã có động thái đáng kể trong lĩnh vực này bằng cách đầu tư 12,5 triệu USD để thành lập CMC AI Digital Infrastructure (CMC ADI), một công ty con chuyên xây dựng và vận hành các trung tâm dữ liệu siêu quy mô. Sau khi được chấp thuận, CMC ADI sẽ đi vào hoạt động, đánh dấu bước đi chiến lược của CMC nhằm tận dụng thị trường trung tâm dữ liệu đang phát triển mạnh mẽ và củng cố vai trò của mình trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 4, Tập đoàn Viettel cũng đã chính thức khai trương Trung tâm Dữ liệu Viettel Hòa Lạc. Xét về quy mô, đây là trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, tổng diện tích sàn 21.000 m², dung lượng 2.400 rack và tổng công suất 30MW.

Doanh nghiệp ngoại “lấn sân”

Hiện tại chưa có trường hợp doanh nghiệp nước ngoài xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, với việc thông qua Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Trong đó, cho phép đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và sở hữu 100% của nước ngoài trong việc cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ OTT và điện toán đám mây. Do đó, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam được dự báo sẽ nóng lên hơn bao giờ hết.

Gần đây nhất, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba đã có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu pháp lý về lưu trữ dữ liệu tại địa phương và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.

Hay công ty chuyên về trung tâm dữ liệu Singapore STTGDC (ST Telecomedia Global Data Center) hồi giữa tháng 5 năm nay cũng đã công bố kế hoạch kết hợp cùng VNG xây dựng trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp tại Việt Nam. STTGDC kết hợp nhiều kinh nghiệm vận hành toàn cầu với tư cách là Global DC và các trung tâm dữ liệu của VNG, công nghệ và bí quyết vận hành Cloud, AI và VNG (game), Zalo, với cơ sở hạ tầng và nội dung để xây dựng một trung tâm dữ liệu thế hệ tiếp theo.

Trước đó, công ty của Hàn Quốc Hyosung cũng đã nộp đơn xin phê duyệt của chính phủ để thành lập Trung tâm dữ liệu tại SHTP, quận 9, TP HCM. Hyosung đã thể hiện sự quan tâm lớn đến việc xây dựng trung tâm dữ liệu từ năm 2021 và dự định thành lập liên doanh tại Hàn Quốc để xây dựng trung tâm dữ liệu tại An Giang, nhưng nó đã bị phá sản và 3 năm sau họ tiếp tục trở lại với dự án tại Việt Nam.

Có thể nói, cuộc đua xây dựng trung tâm dữ liệu trong nửa đầu năm nay tại Việt Nam đã chứng kiến những cột mốc quan trọng khi các công ty trong và ngoài nước đầu tư hàng triệu đô la để xây dựng các trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy tính tự chủ của cơ sở hạ tầng internet trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Tuy nhiên, việc xây dựng trung tâm dữ liệu cũng đang có nhiều thách thức đáng kể. Để thành lập một trung tâm dữ liệu, doanh nghiệp cần phải có chấp thuận của các bên liên quan, giấy phép viễn thông, điện lực, v.v. Ngoài ra, sau khi xây dựng trung tâm dữ liệu, cần vận hành và phát triển kinh doanh.

Trung tâm dữ liệu phải có đầu tư trước vào dự án tương tự như khách sạn, thu hút khách hàng dài hạn, khách hàng lớn để không phát sinh lỗ hổng. Đáng chú ý, với sự đầu tư khổng lồ và xây dựng dài hạn, doanh nghiệp sẽ mất khá nhiều thời gian để đạt được điểm hòa vốn (Break Even Point), vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ với các chiến lược ngắn hạn, dài hạn.

Theo các chuyên gia trong ngành nhận định, với nhiều rào cản và thách thức, lĩnh vực trung tâm dữ liệu tại Việt Nam chưa hẳn là “con ngỗng đẻ trứng vàng”.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam trở thành

    Việt Nam trở thành "điểm nóng" thị trường trung tâm dữ liệu bất động sản

    13:06, 28/06/2024

  • Thị trường trung tâm dữ liệu: Thấy gì từ Malaysia?

    Thị trường trung tâm dữ liệu: Thấy gì từ Malaysia?

    04:00, 18/06/2024

  • Năng lượng tái tạo sẽ chiếm chủ đạo trong các trung tâm dữ liệu

    Năng lượng tái tạo sẽ chiếm chủ đạo trong các trung tâm dữ liệu

    03:30, 11/06/2024

NGUYỄN CHUẨN