Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và hành trình phòng, chống tham nhũng
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; “Lò” đã đã nóng "củi" tươi cũng cháy...”, là những câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công cuộc phòng, chống tham nhũng.
>>Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
Có thể nói, cả cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gắn liền với sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước, hết lòng với Nhân dân. Một lãnh đạo ở tuổi 80 vẫn làm việc miệt mài, không ngừng nghỉ và cống hiến cho Đảng, cho đất nước đến hơi thở cuối cùng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh, một nhân cách lớn, nghĩa tình đã từ trần vào lúc 13h38 phút, ngày 19/7/2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều đau thương, nuối tiếc cho toàn dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Hành trình phòng, chống tham nhũng
Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với vai trò là Trưởng ban, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra nhiều quyết sách tại các cuộc hội nghị, giao ban với tinh thần: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Đặc biệt, tại buổi tổng kết chặng đường 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012-2022), trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, đã rút ra những vấn đề ở tầm lý luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; định hướng những giải pháp trọng tâm, thực tiễn để định hình trong tương lai. Buổi tổng kết cũng đưa ra những vấn đề trong thực tiễn, nhất là trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở thời kỳ đất nước đang phát triển, nhiều kẽ hở dễ phát sinh tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh và nêu cao những vấn đề ở tầm lý luận, làm rõ tư duy lý luận của Đảng trong lĩnh vực nhạy cảm; cung cấp cơ sở khoa học để nhận thức đúng về bản chất tình trạng tham nhũng, tiêu cực; phương pháp để xác định và thực hiện đúng công việc mà toàn Đảng, toàn dân đang kiên quyết, kiên trì triển khai; đồng thời, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để phản bác mạnh mẽ, hiệu quả các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch.
Còn nhớ, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 đã diễn ra ngày 30/6/2022 với gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại cách định nghĩa nôm na, dễ nhớ, dễ hiểu và cũng rất nghiêm khắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”; tham ô, tham nhũng là “giặc nội xâm”. Đồng thời, tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực”.
Nhấn mạnh về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Tổng Bí thư cho rằng Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân,... phải lên tiếng mạnh mẽ theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.
Những câu nói lưu truyền
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" hay “Lò” đã đã nóng thì củi tươi cũng cháy...”, là những câu nói thường xuyên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mỗi khi nói về công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Đáng chú ý, khi được tiếp xúc với cử tri, Tổng Bí thư đã trả lời thắng thắn những vấn đề mà cử tri quan tâm, đặc biệt là những vụ án tham nhũng liên quan tới cán bộ, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
“So với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực của người có chức, có quyền. Tiêu cực là môi trường nảy sinh tham nhũng. Tham nhũng làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Cái gốc, cái biểu hiện và nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tình trạng tham nhũng, tiêu cực được chỉ rõ, chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nói.
Theo Tổng Bí thư, tham nhũng tiền bạc, tài sản thì có thể thu hồi được, nhưng “nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả". Bởi vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải tập trung vào đấu tranh với căn nguyên, gốc rễ của tham nhũng, tiêu cực là tình trạng biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
“Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Theo Tổng Bí thư, về tư tưởng, phương châm chỉ đạo phải xuyên suốt, nhất quán: Kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; chủ động tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách.
“Làm nghiêm từ trên xuống dưới, đồng thời phải tránh tình trạng “Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”, “cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”. Không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào; phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; tổ chức thực hiện phải trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt. Đây là cuộc đấu tranh không khoan nhượng, không “nhụt chí”, “chùn chân”, “mỏi gối”. Xử lý cả hành vi tham nhũng, tiêu cực và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
18:04, 19/07/2024
Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kết tinh của tư duy và tầm nhìn chiến lược
16:44, 16/07/2024
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV
21:02, 15/10/2023
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Triển khai quyết liệt và hiệu quả Kết luận Hội nghị lần thứ 8
17:59, 08/10/2023
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát huy hơn nữa vai trò đội ngũ trí thức nước nhà
16:07, 02/10/2023