Doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó

TRUNG THÀNH 22/07/2024 01:00

Thời gian qua, sản xuất xi măng đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu giảm nhưng giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng hoặc đang ở mức cao.

>>>Doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Nam Định

Cắt giảm sản lượng

Thời gian qua, hoạt động sản xuất và tiêu thụ xi măng vẫn chưa hết khó khăn. Ông Lê Văn Định - Giám đốc Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty chỉ đạt sản lượng 120.000 tấn xi măng các loại và 150.000 tấn clinker, bằng khoảng 70% so với bình quân sản lượng trong 6 tháng những năm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Lực lượng lao động của doanh nghiệp đã giảm 30%, còn khoảng 600 người.

Nhà máy sản xuất xi măng Thành Công - Hải Dương

Nhà máy sản xuất xi măng Thành Công - Hải Dương

Theo ông Định, để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, không riêng gì xi măng, nhiều ngành đều đang đối phó với khó khăn còn kéo dài. Với doanh nghiệp xi măng, hiện tại cần giữ được đội ngũ lao động, duy trì sản xuất. Việc giữ được sự ổn định rất quan trọng đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng lúc này. Vì lao động ngành xi măng có đặc thù riêng, rất khác với những ngành nghề khác là có thể sử dụng lao động thời vụ.

Đại diện Nhà máy Xi măng Phú Tân chia sẻ, nhà máy đã đạt công suất 440.000 tấn/năm. Tuy nhiên do thị trường tiêu thụ khó khăn nên doanh nghiệp liên tục phải giảm quy mô sản xuất. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhà máy đã dừng sản xuất đến 10 tháng. Sản lượng xi măng và clinker của nhà máy đã giảm từ 477.000 tấn năm 2022 xuống còn 330.000 tấn năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 ước chỉ còn 11.000 tấn.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty CP Xi măng Phúc Sơn (Kinh Môn) chỉ đạt lượng bán ra khoảng 134.000 tấn xi măng các loại, bằng gần 8% công suất của nhà máy. Đại diện Công ty CP Phúc Sơn cho biết: Từ ngày 31/12/2023 đến đầu tháng 7, lực lượng lao động của công ty đã giảm 113 người, chỉ còn 485 người. Đơn vị phải giải thể một bộ phận sản xuất bao bì, thu nhập bình quân chỉ còn 8,6 triệu đồng/người/tháng. Nếu các doanh nghiệp sản xuất xi măng đều có khó khăn về thị trường thì riêng Xi măng Phúc Sơn còn bị khó khăn hơn vì mất nhiều thị phần bán hàng.

Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch có quy mô sản xuất lớn nhất tỉnh Hải Dương với 3 dây chuyền có công suất thiết kế đạt khoảng 3,5 triệu tấn/năm. Khó khăn của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay là giảm lượng sản phẩm tồn. Trong đó, Công ty phải dừng dây chuyền 1 từ không sản xuất. Dây chuyền 2 phải dừng từ ngày 18/12/2023 đến ngày 9/2/2024 để sửa chữa, bảo dưỡng. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, Công ty sản xuất được hơn 1,67 triệu tấn xi măng và gần 1,1 triệu tấn clinker, bằng khoảng 86,5% cùng kỳ năm 2023. Lượng tiêu thụ xi măng và clinker chỉ đạt 86,2% so với cùng kỳ.

Hải Dương từng là một trung tâm sản xuất xi măng, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng trong cả nước. Những năm gần đây các doanh nghiệp sản xuất xi măng đang gặp cảnh khó chồng khó (Ảnh minh họa)

Hải Dương từng là một trung tâm sản xuất xi măng, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng trong cả nước (Ảnh minh họa)

Khó chồng khó

Được biết, khó khăn do tiêu thụ trong nước giảm, thị trường nội địa dư thừa. Thêm nữa hiện nay Trung Quốc đang từ thị trường nhập khẩu xi măng Việt Nam lớn nhất đã thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của xi măng Việt Nam tại Trung Mỹ, Nam Phi… Chưa kể Philippines thực hiện hàng rào kỹ thuật thương mại để bảo hộ sản xuất xi măng trong nước hoặc cơ chế giảm phát thải carbon ở thị trường EU...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Theo Thủ tướng, trong những năm gần đây, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi dẫn đến sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng suy giảm.

Tổng sản lượng sản xuất xi măng và clinker cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn. Dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn (bằng 88% so với năm 2022).

Theo Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m2 gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m2 kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn).

Chất lượng vật liệu xây dựng Việt Nam bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước ASEAN. Tổng giá trị doanh thu hàng năm ngành vật liệu xây dựng chưa bao gồm thép xây dựng ước đạt khoảng 600 ngàn tỷ đồng (chiếm gần 6% GDP quốc gia).

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành vật liệu xây dựng nước ta gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều giảm sút, dẫn đến đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mất việc làm của nhiều người lao động, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Những năm gần đây các doanh nghiệp sản xuất xi măng đang gặp cảnh khó chồng khó (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây các doanh nghiệp sản xuất xi măng đang gặp cảnh khó chồng khó (Ảnh minh họa)

Ông Lê Văn Định - Giám đốc Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công cho biết: Hải Dương từng là một trung tâm sản xuất xi măng, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng trong cả nước. Những năm gần đây các doanh nghiệp sản xuất xi măng đang gặp cảnh khó chồng khó... Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Thủ tướng đã quan tâm và rất sát sao với khó khăn, thực trạng sản xuất, tiêu thụ của ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là xi măng. Các chỉ đạo của Thủ tướng là hy vọng mới trong tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp rất mong, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Hệ thống ngân hàng cần xem xét cơ cấu lại và tăng dư nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là sản xuất xi măng. Bộ Tài chính xem xét giảm thuế xuất khẩu clinker…

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: tăng tốc triển khai nhà ở xã hội

    Hải Dương: tăng tốc triển khai nhà ở xã hội

    03:00, 19/07/2024

  • Hải Dương: Tìm lời giải bài toán giải ngân vốn đầu tư công

    Hải Dương: Tìm lời giải bài toán giải ngân vốn đầu tư công

    06:09, 16/07/2024

  • Hải Dương: Giữ lửa cho làng nghề

    Hải Dương: Giữ lửa cho làng nghề

    11:49, 11/07/2024

TRUNG THÀNH