Ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ nhà đầu tư

NGUYỆT HÀ 22/07/2024 09:16

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin giúp Nghệ An rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm tối đa các chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ông Jesse Martens - Giám đốc Quan hệ công chúng toàn cầu Công ty AkzoNobel trao đổi với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Quang Đặng)

Ông Jesse Martens - Giám đốc Quan hệ công chúng toàn cầu Công ty AkzoNobel trao đổi với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Quang Đặng)

Phát triển doanh nghiệp cả lượng và chất

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu có xu hướng phục hồi nhưng chậm, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần chủ động, quyết liệt, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Nghệ An đạt 6,76%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 của cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 11.897 tỷ đồng, tăng 40,22% so với cùng kỳ năm 2023.

>>>Thấy gì khi IIP Nghệ An tăng trưởng mức 2 con số?

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư của Nghệ An tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Tính đến ngày 25/6/2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 40 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 14.297,7 tỷ đồng. Điều chỉnh 84 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 23 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 6.955,9 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh thu hút được 3 dự án FDI với tổng vốn 48 triệu USD, tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh 291,6 triệu USD.

Cụ thể, nhiều dự án lớn được cấp mới như các dự án khu đô thị: Khu đô thị Nghi Liên; Khu đô thị và thương mại dịch vụ vùng Cồn Bàu, thị trấn Nam Đàn; Khu đô thị tại thị trấn Thanh Chương; Khu nhà ở phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai; Đường dây 220kV mạch kép điện gió Trường Sơn- Đô Lương; Dự án FDI Nhà máy sản xuất ắc quy tính năng cao tại KCN Hoàng Mai I. Các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp: Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hưng Yên; Cụm công nghiệp Diễn Thắng…

Về phát triển doanh nghiệp, tính đến ngày 25/06/2024, Nghệ An có 1.042 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 14.692 tỷ đồng (So với cùng kỳ 2023, số lượng doanh nghiệp tăng 3,16%, tổng số vốn đăng ký gấp 2,13 lần).

Riêng lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh, một số nhà máy mới sau thời gian chạy thử đã có sản phẩm thương mại ổn định, nhiều dự án mới được triển khai đi vào hoạt động đóng góp cho tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh như: Hạt phụ gia Taical của các Nhà máy Mega, linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô, modun pin năng lượng mặt trời; giày da… Nhờ đó, Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 năm 2024 của tỉnh ước tăng 10,03% so với cùng kỳ.

>>>Sức bật lớn đưa Nghệ An lên vị thế mới

>>>Nghệ An - Sẵn sàng cất cánh

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp giải thể cũng tăng hơn so với cùng kỳ do tình hình sản xuất còn gặp khó khăn, xuất khẩu giảm, không tìm kiếm được đơn hàng, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, một số nhà máy không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, thị trường tiêu thụ chậm, thiếu nguyên liệu hoặc về chậm so với kế hoạch, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ…

Được biết, Nghệ An chú trọng phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, trọng tâm là phát triển chất lượng. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng liên kết, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của tỉnh, cả nước và quốc tế.

Ứng dụng công nghệ số để cải thiện môi trường đầu tư

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Trong đó, Nghị quyết đã xác định 1 trong 3 khâu đột phá của Nghệ An là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo đó, Nghệ An đã tích cực triển khai sâu rộng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, các nền tảng số/phần mềm dùng chung của cơ quan nhà nước đều được vận hành trên nền tảng điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp, bảo đảm an toàn thông tin. Hệ thống chữ ký số đã triển khai tại 21 Sở, ban, ngành, 21 huyện, thành, thị và 460/460 UBND cấp xã và 100% các đơn vị sự nghiệp thuộc các Sở, ban, ngành, huyện trong tỉnh.

Tỉnh Nghệ An đã ra mắt ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp trên điện thoại thông minh. (Ảnh: Thành Duy)

Tỉnh Nghệ An đã ra mắt ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp trên điện thoại thông minh. (Ảnh: Thành Duy)

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, Nghệ An sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng "một cửa tại chỗ", "một đầu mối", nhất là thủ tục đầu tư vào Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi.

Hiện nay, 100% các thủ tục hành chính đã được công bố, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử  tỉnh; 100% hồ sơ được giải quyết theo quy trình điện tử và được công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Để hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, tỉnh Nghệ An tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; giảm tối đa các chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, cụ thể: Nghệ An triển khai ứng dụng "Hỗ trợ doanh nghiệp NA"; phát hành các ấn phẩm số; gắn mã QR; đẩy mạnh thực hiện chiếu video xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trên các chuyến bay Vietnam Airlines… Đồng thời, sẵn sàng tiếp đón, làm việc với các đoàn doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu đầu tư và phối hợp với các Sở ban ngành để hỗ trợ thông tin, tư vấn quy trình thủ tục triển khai dự án cho các nhà đầu tư. Đơn cử như tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc) chỉ trong 5 ngày, giảm gần 1/3 so với quy định.

Công khai các thủ tục hành chính bằng QR Code tại trụ sở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố Vinh. (Ảnh: Thanh Phúc)

Công khai các thủ tục hành chính bằng QR Code tại trụ sở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố Vinh. (Ảnh: Thanh Phúc)

Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An đã tổ chức các Hội thảo Chuyển đổi số thu hút hàng trăm lượt doanh nghiệp tham gia như: Tổ chức các Chương trình đào tạo tại chỗ Livestream giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương; Hội thảo “Giải mã chuyển đổi số Chiến lược cải thiện hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp vùng Phủ Quỳ và vùng phụ cận trong bối cảnh hiện nay” tại thị xã Thái Hòa với hơn 150 doanh nghiệp tại thị xã Thái Hòa và các huyện Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Yên Thành tham gia; Hội thảo “Ứng dụng Chuyển đổi số và công nghệ AI - Định hình phát triển Doanh nghiệp trong thời đại mới” cho gần 200 doanh nghiệp trên địa bàn thành phốVinh,…

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An đãtập hợp, hoàn thiện dữ liệu số phục vụ công tác tư vấn, hỗ trợ đầu tư, bao gồm: Cập nhật hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư và các luật liên quan; tổng hợp các quy hoạch về đất đai, xây dựng, quy hoạch phân khu của 21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh…

Mới đây, Trung tâm phối hợp Cục Phát triển Doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới phát triển kinh tế số Nghệ Anđược rất nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An khẳng định, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển doanh nghiệp. Thực tế nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn, Trung tâm sẽ tăng cường kết nối với các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số để đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Cục phát triển doanh nghiệp tổ chức các Hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tỉnh; Tổ chức khảo sát nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp, qua đó đề xuất chương trình hỗ trợ phù hợp cho những năm tiếp theo.

 Có thể bạn quan tâm

  • Thấy gì từ “thỏi nam châm” VSIP Nghệ An?

    Thấy gì từ “thỏi nam châm” VSIP Nghệ An?

    07:38, 10/07/2024

  • Giải ngân vốn đầu tư công Nghệ An: Thách thức và kỳ vọng!

    Giải ngân vốn đầu tư công Nghệ An: Thách thức và kỳ vọng!

    13:23, 14/07/2024

  • Công nghiệp “trỗi dậy”, Nghệ An tiếp đà tăng trưởng khá

    Công nghiệp “trỗi dậy”, Nghệ An tiếp đà tăng trưởng khá

    14:02, 05/07/2024

  • Phương thức mới trong thu hút đầu tư tại Nghệ An

    Phương thức mới trong thu hút đầu tư tại Nghệ An

    07:22, 26/06/2024

  • Khởi nghiệp ở Nghệ An – Bài 1: “Bệ đỡ” cho những doanh nhân trẻ!

    Khởi nghiệp ở Nghệ An – Bài 1: “Bệ đỡ” cho những doanh nhân trẻ!

    13:22, 24/06/2024

NGUYỆT HÀ