Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời kể của người thân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi về với thế giới người hiền trong sự tiếc thương kính trọng của nhân dân cả nước.
>>Dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bộ ba nghị quyết về kinh tế
Chắc hẳn bác cũng thoả tâm nguyện mà khi sống bác thường từng nói: “Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của Dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân!”
Người dân Việt Nam khi kính trọng người nào sẽ gọi người đó là bác, với ý nghĩa đó là người anh của cha mình, là người có thể chỉ dạy được cả cha của mình. Cách gọi ấy không ai ép buộc hay khiên cưỡng được, trước là Bác Hồ, bác Giáp và thời đại ngày nay nhân dân thương yêu gọi tên bác Trọng - Người Tổng Bí thư trong sạch, liêm khiết, kiên định với niềm tin, theo đuổi lý tưởng mang lại hạnh phúc cho nhân dân, người mà ngay cả đối thủ chính trị cũng phải không thể tìm ra điểm để bắt bẻ.
Thương dân, dân lập đền thờ. Từ ngày bác Trọng nằm xuống, đền thờ bác trong lòng dân được dựng lên với tâm nhang thắp trong lòng. Dân thờ bác trong tâm, thờ một người đã dành cả một đời vì nước, tận tuỵ vì dân đến hơi thở cuối cùng.
Suốt 13 năm giữ trọng trách Tổng Bí thư, bác tận hiến sức mình thiết lập được mối bang giao nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc trên thế giới. Nội trị bác mạnh mẽ quyết liệt chống giặc nội xâm là nạn tham nhũng. Vị thế Việt Nam, uy tín Việt Nam được coi trọng trên thế giới, đi đâu cũng được đón tiếp trọng thị với nhiều mối quan hệ chất lượng. Trong nước, với tiêu chí không có vùng cấm, ngoại lệ, nhiều người có chức vụ cao mà nhúng chàm điều bị trừng trị, loại bỏ đích đáng.
Tiếc thương bác Trọng không chỉ là người thân, người quen của bác mà là của nhân dân cả nước, người ta tìm đọc, lắng nghe lời bác răn dạy với cả sự kính trọng.
Một chị bạn của người viết tên Nguyễn Thủy, là con ông Nguyễn Văn Lộc, trước là Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng Sản, người hướng dẫn bác khi nhận bác vào làm việc trong Tạp Chí Cộng Sản chia sẻ nhiều kỷ niệm về bác với niềm tiếc thương vô hạn.
Ngày còn bé, chị Thủy may mắn được gặp, được sống cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chị gọi bằng chú Trọng, được chú yêu thương dạy bảo. Xa Việt Nam định cư ở nước ngoài hơn 20 năm, nhận tin chú Trọng trở bệnh rồi ra đi mà không kịp về thăm, chị Thủy mất ngủ mấy đêm và những kỉ niệm thân thương với người chú năm nào cứ thế hiện về.
Gia đình chị Thủy ngày ấy sống gần nhà chú Trọng ở khu tập thể số 16 Nguyễn Thượng Hiền. Chú Trọng hay gom bọn trẻ tầm hơn 10 tuổi vào trong căn phòng chật hẹp, thiếu ánh sáng ở tầng 1 để dạy làm văn, học ngữ pháp, viết chính tả… thay vì lông nhông bêu nắng, hay vào công viên Thống Nhất nô nghịch, ăn cánh hoa phượng, rắc lá me lên đầu nhau.
Một tay chú Trọng cầm sách, tay kia cầm chiếc quạt giấy, lúc quạt cho mình, lúc phẩy cho đám trẻ cố xua đi cái nóng của mùa hè miền Bắc, chứ làm gì có quạt máy, điều hoà. Thi thoảng, chú Trọng lại ghé xuống xem bài để sửa lỗi chính tả, chỉnh lại câu từ với cả sự ân cần chỉ bảo, không giận dữ, mắng mỏ các cháu bao giờ. Trong trí nhớ của chị Thủy, chú Trọng là người tao nhã thư sinh, vui vẻ, xởi lởi, nói câu nào đáng câu đó, luôn nhẹ nhàng nhắc nhở với đám trẻ con.
Nhà chú Trọng ở tầng trên nên sinh hoạt bất tiện khi ngày trước gần chục gia đình chia nhau sống trong căn biệt thự cũ, dùng chung nhà vệ sinh, máy nước..., hàng ngày phải đi lên đi xuống nhiều lần, tốn nhiều công sức chứ lấy đâu ra công trình phụ riêng mà chưa bao giờ thấy chú khó chịu, phàn nàn.
Ngay cả khi lên giữ trọng trách cao ngang chức Bộ trưởng, chú Trọng vẫn giản dị đến không ngờ. Có hôm đi chơi về, chị thấy bố pha nước mơ đá cho chú uống. Chú bảo: “Nóng quá, bên nhà em lại mất điện”. Nhìn chú chính là hiện thân của người cộng sản đang dốc lòng, hết sức cho sự nghiệp của đất nước.
Ngày cha chị đột ngột qua đời, chị về nhà còn sau cả chú Trọng. Chú hỏi mẹ chị: Chị ơi sao lại thế này?
Chú Trọng sống tình cảm trước sau như một. Chị Thủy còn nhớ hình ảnh khi vào viếng bố chị, chú ghé sát để nhìn người anh thêm lần cuối.
Ngay cả khi giữ trọng trách cao, chú Trọng vẫn hoàn toàn như thế. Tết đến là đi gói bánh chưng cho anh em, bạn bè. Chú khéo tay, chỉ cần gia chủ chuẩn bị đỗ xanh, thịt lợn, lá dong, gạo nếp xóc muối là chú qua gói. Chú chỉ gói vo không khuôn mà cái nào ra cái ấy, vuông vức đều tăm tắp. Bao giờ chú làm thêm mấy cái bánh bé xinh xinh cho đám trẻ con.
Có lần thấy bánh sắp gói xong chị mới hỏi chú: “Chú ơi, tí nữa gói xong nhà cháu, chú có đi hộ nhà ai nữa không? Cháu có món mời chú, đằng nào cũng phải ăn cho đỡ đói, nếu chú đi nữa thì cháu pha nước mắm. Nếu không đi nữa thì cháu pha mắm tôm”.
Chiều ý chị, chú cười trả lời: “Hôm nay chú không đi nữa.” Và hôm đó, chị được mời chú món chị tự làm với niềm vui khi được chú khen.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của chúng ta là người như thế.
Có thể bạn quan tâm
Bè bạn quốc tế bày tỏ sự kính trọng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
09:47, 24/07/2024
Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát triển văn hóa Việt Nam
06:00, 24/07/2024
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp
05:30, 24/07/2024
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tư duy mở và tầm nhìn chiến lược
19:34, 23/07/2024
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
11:00, 23/07/2024
Doanh nhân Hải Dương xúc động chia sẻ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
21:51, 22/07/2024