Quản lý hiệu quả đất công
Nhiều vụ việc bị cơ quan điều tra phát hiện và khởi tố thời gian gần đây đã bóc trần mặt trái của quá trình cổ phần hoá khi "đất công" được biến thành “đất ông” với giá rẻ mạt.
>>Đất công bị khai thác trái phép
Vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ TN&MT và các đơn vị liên quan.
"Đất công" biến thành "đất ông"
Đây là diễn biến mới nhất liên quan quá trình điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ TN&MT và các đơn vị liên quan. Sự việc liên quan đến khu đất 39-39B Bến Vân Đồn có nguồn gốc là đất thuộc sở hữu Nhà nước.
>>TP.HCM: Tập trung gỡ vướng pháp lý cho nhà đất, tài sản công
Thực tế những doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất dồi dào thường bắt tay cùng doanh nghiệp tư nhân để thành lập những doanh nghiệp liên doanh (pháp nhân mới) với vốn góp là những khu đất vàng được nhà nước giao quản lý, khai thác và sử dụng. Bên cạnh đó, lợi dụng chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đất công dần ra khỏi doanh nghiệp nhà nước bằng con đường chuyển nhượng cổ phần lòng vòng về tay tư nhân.
Cũng tại TP.HCM, câu chuyện liên quan đến khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1) là một điển hình. Và trường hợp tại khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP. HCM) giao và cho thuê đất không qua đấu giá cũng không ngoại lệ.
Bình luận về các vụ việc này, một số chuyên gia nhận định thủ đoạn của tội phạm không có gì mới, đó là hành vi xin chủ trương, dự án khai thác đất công, sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và lợi dụng chủ trương thoái vốn nhà nước, để tài sản công dễ dàng sang túi tư nhân với giá rẻ.
Dù quá trình cổ phần hoá xảy ra nhiều sai phạm nhưng công bằng mà nói, chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là một chủ chương đúng đắn, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, nếu không quản lý, giám sát chặt quá trình cổ phần hóa, thoái vốn thì sẽ rất dễ nảy sinh vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nuớc như trong các vụ án bị khởi tố vừa qua.
Bổ sung chế tài đủ mạnh
Do đó, để hạn chế thấp nhất những vấn đề tiêu cực làm thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, nhiều chuyên gia cho rằng việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn mới cần khẩn trương rà soát, khắc phục những bất cập trong cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý liên quan đến cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; các quy định trong thẩm định xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị tài sản vô hình, xác định giá trị quyền sử dụng đất… bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch.
Ðồng thời, bổ sung các chế tài đủ mạnh đối với việc doanh nghiệp làm thất thoát diện tích đất của Nhà nước giao trong quá trình sử dụng; ban hành hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định đúng và đủ lợi thế đất đai mang lại… Có như vậy mới ngăn ngừa được những sai phạm gây thất thoát, lãng phí trong cổ phần hoá, thoái vốn và tạo hành lang pháp lý minh bạch để các đơn vị không viện lý do “chính sách không rõ ràng” nhằm níu kéo quyền lợi, chây ì thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với đó phải xử lý nghiêm minh, thích đáng lãnh đạo, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, để các tài sản công là đất đai được quản lý, sử dụng hiệu quả, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã lưu ý về quy chế sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Cụ thể, đối với đất do ĐVSNCL đang sử dụng mà có nhu cầu cho thuê, liên doanh, liên kết với tổ chức kinh tế phải có đề án sử dụng tài sản công vào mục đích đó được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Ngoài ra, ĐVSNCL được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn sử dụng còn lại theo hình thức đã được giao đất, cho thuê đất. Trường hợp có nhu cầu sẽ được chuyển sang hình thức giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024. |
Có thể bạn quan tâm