Chính quyền điện tử

Thanh Hóa: Công bố kết quả xếp hạng chuyển đổi số năm 2023 (DTI)

KIỀU PHIÊN 24/07/2024 15:11

Tỉnh Thanh Hóa vừa công bố bảng xếp hạng DTI. Việc nâng cao chỉ số DTI góp hoàn thành các chỉ tiêu về chuyển đổi số, về nông thôn mới, nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS của địa phương.

Chiều ngày 22/7 vừa qua, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 6 tháng đầu năm về chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Cũng tại Hội nghị đã công bố kết quả bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2023 (DTI).

đ
Xếp hạng DTI cấp Sở năm 2023

DTI là bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là cơ sở để theo dõi, đánh giá khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các ngành, địa phương.

Thời gian qua, DTI đã giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức tại các ngành, địa phương trong công tác xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số. Việc nâng cao chỉ số DTI góp hoàn thành các chỉ tiêu về chuyển đổi số, về Nông thôn mới, nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS của các địa phương, đơn vị.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tước - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã công bố kết quả xếp hạng chuyển đổi số năm 2023 (DTI) của các sở, ngành, UBND cấp huyện. Nhìn chung, các địa phương, đơn vị đã quan tâm hơn, xây dựng hồ sơ, tài liệu minh chứng kết quả chuyển đổi số chặt chẽ hơn, logic hơn. Điểm trung bình so với năm 2022 đã có sự tăng trưởng, chênh lệch điểm giữa đơn vị cao nhất và thấp nhất được rút ngắn. Khối sở, ngành, điểm trung bình tăng 94,53 điểm (783,52 điểm so với 681,20 điểm của năm 2022); chênh lệch đơn vị cao nhất vàthấp nhất là: 313,2 điểm (cao nhất đạt 899,09 điểm; thấp nhất đạt 585,89 điểm), Văn phòng UBND tỉnh là đơn vị xếp thứ nhất với 970 điểm; xếp cuối khối sở, ngành là Ban Dân tộc tỉnh với 702,49 điểm. Khối huyện, thị xã, thành phố: điểm trung bình tăng 51,74 điểm (814,40 điểm so với 768,88 điểm của năm 2022); chênh lệch đơn vị cao nhất và thấp nhất là: 325,91 điểm (cao nhất đạt 970,00 điểm; thấp nhất đạt 644,09 điểm), xếp thứ nhất là đơn vị TP Thanh Hóa với 889,09 điểm, xếp cuối là huyện Thường Xuân với 595,89 điểm.

cv
Xếp hạng DTI cấp huyện năm 2023

Theo báo cáo của Ban chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm 2024 công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được các ngành, địa phương tập trung thực hiện và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Trong đó về dữ liệu số, tiếp tục duy trì hoạt động Cổng dữ liệu mở của tỉnh với 250 cơ sở dữ liệu mở thuộc 15 lĩnh vực. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được duy trì và đảm bảo kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp người dân khi thực hiện các dịch vụ công nhanh chóng, chính xác và thuận lợi.

Hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị được duy trì bảo đảm phục vụ tốt công tác chuyên môn, chuyển đổi s. 100% cán bộ, công chức được trang bị thiết bị công nghệ thông tin. 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hạ tầng mạng LAN, kết nối Internet đảm bảo thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ. 100% hệ thống thông tin của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh hoàn thành việc chuyển đổi sang sử dụng IPv6.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa công nhận 60 đơn vị cấp xã hoàn thành các tiêu chí chuyển đổi số, tăng 1,6 lần so với năm 2023, nâng tổng số xã hoàn thành tiêu chí chuyển đổi số lên 95 đơn vị. Tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi số trên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế đạt 29,65%, tăng 3,85% so với năm 2023...

Đối với việc thực hiện Đề án 06, theo báo cáo của Tổ công tác Đề án, các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngành, địa phương cơ bản được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tiến độ theo lộ trình đề ra. Đến nay, đã hoàn thành 54/72 nhiệm vụ thuộc 10 nhóm nội dung cần thực hiện gồm: Nhóm giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhóm phục vụ phát triển công dân số; nhóm hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư... 18 nhiệm vụ còn lại đang chờ bộ, ngành triển khai, hướng dẫn thực hiện.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa cho biết, tuyên dương tinh thần nỗ lực, sự cố gắng, vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Như vậy, qua triển khai đánh giá mức độ chuyển đổi số các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bước đầu đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức tại các ngành, địa phương trong công tác xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số.

Ông
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa

Ông Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Trần Phú Hà đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tiến độ các nhiệm vụ được giao, ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số, Đề án 06 đã đề ra. Tiếp tục duy trì quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nêu cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ Công tác Đề án 06 tăng cường công tác giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực phụ trách, thường xuyên đánh giá kết quả, có giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các nhiệm vụ thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Như vậy, kết quả đánh giá, xếp hạng DTI là cơ sở để các ngành, địa phương của tỉnh Thanh Hóa theo dõi được lộ trình thực hiện chuyển đổi số hằng năm của đơn vị, phản ánh một bức tranh rõ nét hơn về tình hình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từ đó các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp thúc đẩy hoạt động công nghệ thông tin nói chung và chuyển đổi số nói riêng phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực.

KIỀU PHIÊN