Hệ sinh thái khởi nghiệp Singapore
Hệ sinh thái khởi nghiệp Singapore đã có sự tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây khi số lượng công ty khởi nghiệp tăng gấp đôi.
Hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) của Singapore bao gồm tất cả các tác nhân chính cần thiết cho một HSTKN thịnh vượng và phát triển; có rất nhiều công ty khởi nghiệp, vườn ươm, chương trình tăng tốc và các lựa chọn tài trợ…
Chính sách và công cụ hỗ trợ
Phải nói rằng Chính phủ Singapore đã rất tích cực hỗ trợ HSTKN địa phương. Những sáng kiến đầu tiên đã được đưa ra vào những năm 1990 dưới hình thức các chương trình tài trợ và khuyến khích hướng tới các công ty khởi nghiệp. Các chính sách đã được tăng cường, góp phần làm xuất hiện các sự kiện, vườn ươm và chương trình tăng tốc khởi nghiệp trong những năm gần đây. Một đặc điểm quan trọng trong việc thực hiện các chương trình tài trợ là chúng không nhất thiết được phân bổ trực tiếp cho các công ty mà cho các tác nhân khác như vườn ươm và trường học để giúp họ xây dựng hệ sinh thái.
Mặc dù các chương trình tài trợ có thể được coi là công cụ chính sách quan trọng nhất ở Singapore, nhưng Singapore cũng đặc biệt chú ý đến các loại sáng kiến hỗ trợ khác. Ví dụ, Chương trình cấp thị thực doanh nhân Singapore (EntrePass) để thu hút các doanh nhân nước ngoài đến Singapore hay sáng kiến Accreditation IDA, nhằm mục đích công nhận các công ty công nghệ giai đoạn đầu đầy triển vọng có trụ sở tại Singapore”.
Quốc gia này đã thành lập các thể chế mạnh để thực hiện các chính sách đổi mới và khởi nghiệp. Quỹ Nghiên cứu quốc gia (NRF) đặt ra các chính sách, kế hoạch và chiến lược quốc gia về nghiên cứu, đổi mới và doanh nghiệp cũng như tài trợ cho các sáng kiến chiến lược và xây dựng năng lực R&D, đặc biệt thông qua chương trình khung quốc gia về đổi mới và doanh nghiệp (NFIE). NFIE bao gồm một số Chương trình được thiết kế đặc biệt cho các công ty khởi nghiệp và HSTKN. Chúng bao gồm một quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu mà qua đó NRF đầu tư với các quỹ đầu tư mạo hiểm (cơ sở 1:1) vào các công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore...
Bài học cho Việt Nam
Thay vì chỉ đổ tiền cho các công ty khởi nghiệp, Singapore và nhiều nước khác đặc biệt chú ý đến việc xây dựng nền tảng của hệ sinh thái bằng cách tập hợp các chủ thể khác nhau và thiết lập quan hệ đối tác.
Thông qua thực tiễn từ các HSTKN hàng đầu thế giới cùng với những bài học kinh nghiệm được rút ra từ những trường hợp cụ thể bên cạnh quá trình đánh giá, phân tích những yếu tố quốc tế đối với HSTKN tại Việt Nam, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất giải pháp nhằm phát triển HSTKN tại Việt Nam:
- Xác định, lập kế hoạch và phân tích các hệ sinh thái tiềm năng cũng như các tác nhân, lợi ích và nhu cầu hỗ trợ chính xác; Tập trung vào sự hợp tác và tin cậy giữa các bên.
- Thiết lập mục tiêu chính sách chung và kế hoạch thực hiện (có phân bổ trách nhiệm và nguồn lực phù hợp) để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Đảm bảo sự tham gia của các chủ thể khu vực tư nhân và các bên liên quan quan trọng khác trong quá trình này.
- Áp dụng cách tiếp cận toàn diện và giải quyết tất cả các lĩnh vực của hệ sinh thái khởi nghiệp. Tập trung vào việc xác định và loại bỏ các rào cản pháp lý và hỗ trợ văn hoá và tư duy khởi nghiệp có thể sẽ là những chính sách cần thiết, nhưng cần phải được xem xét kĩ lưỡng.
- Dành chỗ cho các chính sách khởi nghiệp, triển khai các chương trình, sáng kiến chính sách, tránh thực hành quá cứng nhắc. Thiết lập các quy trình giám sát và đánh giá để tạo điều kiện học tập và cải tiến các sáng kiến trong tương lai.
(Trích kỷ yếu Diễn đàn đổi mới sáng tạo quốc gia 2024).
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam -Hàn Quốc tăng cường thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
01:30, 03/07/2024
Quảng Ngãi: Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
13:38, 29/06/2024
Thái Nguyên: Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vững mạnh
07:20, 14/06/2024