Hà Nội lãng phí hàng nghìn căn hộ tái định cư
Hàng ngàn căn hộ thuộc các dự án tái định cư ở Hà Nội “đắp chiếu” nhiều năm trong khi người lao động thu nhập thấp đang chật vật tìm chốn an cư.
>>Có nên đấu giá nhà tái định cư để làm nhà ở xã hội?
Nhiều dự án bị “bỏ quên”
Theo thống kê, tại Hà Nội, có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ và số căn bị bỏ hoang khoảng 4.000 căn. Nhiều dự án có người dân về ở nhưng diện tích kinh doanh dịch vụ cũng bị bỏ trống nhiều năm.
Nhiều tòa tái định cư bị bỏ hoang không có người ở cả chục năm như dự án trên địa bàn phường Thượng Thanh (quận Long Biên) hay tại khu vực Trần Phú (quận Hoàng Mai)…
Thực trạng này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu nhà ở của người dân đang bức thiết. Thị trường bất động sản nhà ở tại Hà Nội lâu nay vẫn tồn tại hạn chế về nguồn cung, đặc biệt là nhà ở bình dân. Phân khúc nhà ở chung cư có giá ngày càng cao, bỏ xa thu nhập của đại đa số người dân.
Điều này dẫn tới sự phổ biến của nhiều công trình nhà ở thiếu an toàn phòng chống cháy nổ, như chung cư mini, các khu trọ cho sinh viên và công nhân, người lao động thu nhập thấp, khu nhà ở do dân tự cơi nới cho thuê… gây khó khăn trong việc quản lý đô thị và xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
>>Ba bộ luật quan trọng cho bất động sản có hiệu lực tác động thế nào đến thị trường?
Như đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết nhìn chung, nhà tái định cư trên địa bàn thành phố còn đang thiếu rất nhiều. Nhu cầu đăng ký loại hình nhà ở này của các quận huyện trong giai đoạn 2026 - 2030 là rất lớn, thời gian tới Hà Nội có thể còn thiếu hàng chục nghìn căn nhà tái định cư.
Trong trường hợp không đủ quỹ nhà, Sở Xây dựng đã có đề xuất bố trí tái định cư bằng tiền hoặc sớm hoàn thiện hồ sơ, triển khai xây dựng quỹ nhà tái định cư cho giai đoạn sau.
Tháo gỡ “nút thắt” pháp lý
Nhiều nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra đó là chất lượng của nhiều công trình nhà tái định cư không đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của người dân. Thực trạng này đã được ghi nhận tại nhiều nơi, khiến nhiều dự án bị bỏ hoang và gây lãng phí.
Nhiều chuyên gia cho rằng để giải quyết tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang, vấn đề cốt lõi là cần nâng cao chất lượng xây dựng các dự án kiểu này trong tương lai. Các dự án nhà tái định cư cần xây dựng với chất lượng xây dựng tốt, yếu tố hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phải thật sự thuận lợi thì mới thu hút được người dân về ở.
Mặt khác, để tránh tình trạng nhà tái định cư “đắp chiếu” trong tương lai, các địa phương cần có sự rà soát, cân đối giữa kế hoạch thu hồi đất với việc triển khai các dự án tái định cư.
"Khi xây dựng các dự án tái định cư cần khảo sát, điều tra xã hội học đối với các hộ dân về nhu cầu, nguyện vọng nhà tái định cư. Đây sẽ là yếu tố để địa phương “cân bằng” trong việc vừa đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất nhưng vẫn bảo đảm được quỹ nhà tái định cư không bị lãng phí như hiện nay" – LS.Ths Phạm Thanh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) kiến nghị.
Ngoài ra, đã có đề xuất chuyển đổi nhà tái định cư bỏ hoang thành nhà ở xã hội. Sáng kiến này được nhiều chuyên gia ủng hộ tuy nhiên cần tháo gỡ một số khó khăn về pháp lý và chất lượng dự án để thực sự thu hút người dân tới ở.
Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn & Phát triển dự án DKRA Group nhận định, do đặc tính của nhà ở tại các khu tái định cư và nhà ở xã hội khác nhau nên khi chuyển đổi cần có những văn bản mang tính pháp lý cụ thể hướng dẫn cho cơ quan chức năng thực hiện. Ngoài ra, cần mở rộng nhóm đối tượng hoặc nới lỏng một số tiêu chí trong xét duyệt để tăng khả năng sở hữu nhà ở cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Dự án Vành đai 3 TP.HCM: Các hộ dân bị giải toả sẽ được mua nhà tái định cư trả góp
03:00, 05/07/2024
Nhiều địa phương muốn thí điểm mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư
16:42, 19/06/2024
Có nên đấu giá nhà tái định cư để làm nhà ở xã hội?
12:00, 08/06/2024
Nhận diện giải pháp gỡ khó cho dự án tái định cư ở Lâm Đồng
17:15, 31/05/2024