Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: Nhớ ơn các thế hệ cha, ông

NHẬT QUANG 27/07/2024 04:30

Hầu như gia đình nào trên đất nước Việt Nam cũng có người thân, người nhà là thương binh, liệt sĩ. Nhiều gia đình có bàn thờ riêng cho liệt sĩ, có nhà ảnh liệt sĩ còn xếp thành dãy hàng dài.

>>Doanh nhân thương binh: Năng động trong phát triển kinh tế

Nhà tôi cũng thế, bác ruột tôi là liệt sĩ chống Pháp. Bác là Tiểu đội trưởng quân chủ lực của bộ đội Việt Minh, xuất phát từ căn cứ Tiên Lãng tập kích tỉnh lỵ Kiến An - Hải Phòng, bác bị thương rút về thôn Du Viên - An Lão rồi hy sinh tại đây.

Bác tôi còn trẻ lắm, mới lấy vợ chưa kịp có con. Bác gái cứ ở vậy với gia đình tôi mãi, sau ông nội tôi nói mãi: “Nó hy sinh rồi mà con còn trẻ, tuổi xuân có thì, đoạn tang cũng lâu rồi, con đừng ở vậy nữa, hãy đi tìm người nào thương yêu mình mà sống”, mãi rồi bác mới đi bước nữa.

Cứ tới ngày giỗ bác với ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 là bác gái lại về nhà thắp hương cho bác tôi. Có việc lớn, nhỏ, bác gái vẫn như dâu con trong nhà, đến con bác sau này vẫn thân thiết với gia đình tôi. Năm nay bác gái không vào thắp hương cho bác tôi được nữa vì bác gái đã mất rồi.

Thế hệ trẻ bày tỏ sự tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Tiêu Dao

Thế hệ trẻ bày tỏ sự tri ân đối với các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Tiêu Dao

Họ hàng nhà tôi nhiều người đi bộ đội, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhà thờ họ ở quê danh sách liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ được chia thờ tự ở hai bên y như trong nghĩa trang liệt sỹ của xã. Còn thương binh, bệnh binh thì nhiều lắm, mỗi lần có việc họ hay giỗ chạp ngồi nói chuyện với các chú, các bác tôi vẫn luôn được nghe.

Hoà bình quý giá, độc lập tự do cho đất nước phải trả giá bằng sinh mạng hàng triệu anh hùng liệt sỹ; là máu xương, thân thể của bao nhiêu thương binh, là nước mắt của bao nhiêu bà mẹ, người vợ, người chị, người em; là nỗi đau câm nín trong lòng người cha, người anh… Vậy nên bây giờ làm gì thì làm phải giữ cho được nền hoà bình độc lập, tự do của dân tộc.

Năm nay anh trai cũng điện thoại hẹn tôi về viếng mộ liệt sĩ dịp ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 để được ra nghĩa trang thắp cho bác và đồng đội nén nhang thơm, tưởng nhớ đến người. Để lại được gặp người chú đi bộ đội chống Mỹ, lại được nghe những câu chuyện kỷ niệm đời lính ngày xưa.

Chú hai lần vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, lần nào cũng gian khổ như nhau. Lần đầu vào đến miền Đông Nam Bộ chưa đánh được trận nào mà nếm đủ đèo cao, vực sâu, rừng thiêng nước độc, đói khát, sốt rét ác tính. Chưa được bao lâu lại nhận nhiệm vụ theo đoàn bảo vệ cán bộ ra Bắc hoạt động, lại ngược núi, ngược non ra Bắc.

Lần thứ hai vào Nam còn gian khổ hơn, toàn đi xuyên qua những cánh rừng tận bên Lào, lại trèo đèo, lội suối, đội nắng, dầm mưa… Đói khát, bệnh tật, cái chết đến dễ như đi chợ. Rồi còn bom đạn, biệt kích, có đợt nằm chốt lại nằm trong hầm mà miếng cơm đưa từ cửa hầm vào đến bên trong bị cắn bớt đi còn có một mẩu vì ai cũng đói. Nhận nắm cơm mà khóc không thành tiếng, không biết thương hay giận đồng đội. Cũng có trường hợp bị thương do đi tìm kiếm thức ăn cải thiện, đánh mìn bắt cá bị thương, nhưng xét cho cùng như lời người mẹ của thương binh nói về quyền lợi cho con mình: "Đúng là con tôi không bị thương khi chiến đấu, nhưng chẳng nhẽ kiến tha con tôi vào đó để bắt cá hay sao mà còn thắc mắc về chế độ. Đi cải thiện thức ăn cho đồng đội cũng là nhiệm vụ, nếu cứ đói rét thì có thể đánh thắng được ai?"

Hàng triệu thanh niên Việt Nam ưu tú đã một đi không về vì độc lập tự do của dân tộc. “Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”, kiêu hùng và hồn nhiên không luyến tiếc đời trai. Chú tôi từng nói làm trai thời loạn, có giặc thì cầm súng chiến đấu đánh đuổi giặc, giặc tan thì trở về cày cấy trên mảnh ruộng của ông cha, chết thì về với tổ tiên là đủ thanh thản cho một kiếp làm trai.

Chú thì may mắn bị thương nhẹ, về quê làm kinh tế cũng ổn định, nhưng chú luôn đau đáu với đồng đội của mình. Ngày trước cả nước kinh tế còn khó khăn, nhưng sự đền ơn đáp nghĩa, tri ân anh hùng liệt sĩ, thương binh người có công với nước vẫn làm được thì bây giờ kinh tế tốt hơn nhiều, tuy chưa giàu có nhưng sự quan tâm động viên tới liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách xin đừng đợi đến dịp 27 tháng 7 mới làm.

Họ hy sinh, bỏ lại máu xương để mở cửa cho độc lập, tự do về, người dân giờ no cơm ấm áo cuộc sống không ám ảnh bởi tiếng đạn bom. Có rất nhiều chính sách tốt của nhà nước đối với liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách, nhưng có lẽ vẫn là chưa đủ.

Hãy tri ân họ bằng cách giúp đỡ người nhà, người thân của họ có điều kiện thuận lợi hơn khi xin việc làm, khi đăng ký kinh doanh, miễn giảm thuế khoá… Cần thêm nhiều hành động hơn giáo dục thế hệ trẻ thể hiện lòng biết ơn tri ân tới sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông, thế hệ dâng hiến cả cuộc sống, tuổi xuân để giành được độc lập, tự do cho dân tộc.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nhân thương binh: Năng động trong phát triển kinh tế

    21:03, 27/09/2022

  • Thương binh nặng Vũ Văn Tinh vươn lên làm giàu từ 'hai bàn tay trắng'

    03:08, 05/09/2022

  • Chuyện người thương binh làm giàu từ vùng đất bãi bị bỏ hoang

    03:26, 27/07/2022

NHẬT QUANG