Kỳ vọng dòng vốn rẻ cho nhà ở xã hội

VI ANH 27/07/2024 10:00

Dù nhận được nhiều sự quan tâm, phân khúc nhà ở xã hội vẫn chưa thực sự phát triển do những vướng mắc liên quan đến dòng vốn vay.

>>Cải cách thủ tục vay vốn đầu tư, mua nhà ở xã hội

Trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhiều khó khăn vướng mắc về cơ chế, mặt bằng, nguồn vốn… đang được cho là rào cản khiến phân khúc này vẫn ảm đạm.

 Dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê quy mô hơn 1.000 căn hộ tại TP Thủ Đức.

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê quy mô hơn 1.000 căn hộ tại TP Thủ Đức.

Doanh nghiệp không “mặn mà”

Một điểm nghẽn lớn mà hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều gặp phải khi thực hiện dự án chính là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Tại toạ đàm về nhà ở xã hội vào tháng 5 vừa qua, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, rất khó kiếm được ngân hàng nào cho vay với lãi suất dưới 10%/năm. Với lãi suất 13% mà doanh nghiệp đang vay để làm dự án hiện nay, hoạt động kinh doanh nhiều khả năng sẽ chịu lỗ do mức giá bán hoặc cho thuê không thể cao hơn thị trường thương mại.

Theo Bộ Xây dựng, liên quan tới Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, số tiền các ngân hàng đã giải ngân đến thời điểm hiện tại khoảng 1.234 tỷ đồng (khoảng 1% quy mô gói tín dụng), bao gồm cho chủ đầu tư dự án vay 1.202 tỷ đồng, cho người mua nhà vay 32 tỷ đồng.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng còn rất chậm. Hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) đã có thêm ngân hàng TPBank và VPBank đã đăng ký tham gia chương trình với số tiền của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Đến nay, số tiền cam kết cho vay phát triển nhà ở xã hội của 6 ngân hàng là 130.000 tỷ đồng.

>>> Tăng mức ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội

Chỉ ra nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng do mức lãi suất ưu đãi chưa đủ hấp dẫn. Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, mặc dù NHNN đã hai lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà nhưng vẫn còn cao và thời hạn ưu đãi ngắn (trong vòng 3 - 5 năm) nên chưa thực sự thu hút người vay.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhận định, lãi suất cho vay của gói ưu đãi chỉ thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi vay thông thường là chưa đủ hấp dẫn. Bên cạnh đó, thời hạn vay là 5 năm với người mua nhà và 3 năm với doanh nghiệp, sau đó lãi suất sẽ thả nổi và điều chỉnh 6 tháng/lần.

Do đó, ông Châu kiến nghị lãi suất cho nhà ở xã hội nên ổn định, để người mua vay với lãi suất 4,8% thời hạn vay 25 năm, còn chủ đầu tư được vay với lãi suất 4,8 - 5% trong thời hạn 5 năm.

Kì vọng tháo gỡ dòng vốn giá rẻ

Vào đầu tháng 5, Tập đoàn Vingroup và ngân hàng Techcombank đã cùng ký văn bản gửi tới Bộ Xây dựng đề xuất một chương trình tín dụng dành cho người mua nhà ở xã hội với lãi vay thấp hơn, thời hạn vay dài hơn gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng đang triển khai.

Nguồn tài chính hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội sẽ vào khoảng 8.010 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng Techcombank đề xuất xem xét cấp bổ sung hạn mức tín dụng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu thí điểm.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, đề xuất thí điểm này có nhiều điểm tương đồng với gói vay 120.000 tỷ hiện nay. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở mức cho vay, mức lãi vay và thời hạn vay.

Theo đề xuất của Vingroup và Techcombank, đối tượng vay là tất cả những cá nhân đủ điều kiện mua nhà ở xã hội theo danh sách do chủ đầu tư dự án xác minh và cung cấp. Mức cho vay mua nhà ở xã hội tối đa đến 100% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở xã hội.

Trong thời gian đề xuất này được xem xét, Bộ Xây dựng kiến nghị tục xem xét tăng thời hạn cho vay ưu đãi, hạ mức lãi vay gói 120.000 tỷ đồng ở mức thấp hơn lãi cho vay thông thường từ 3 - 5%, kỳ hạn 10 - 15 năm.

Trước bối cảnh nghẽn dòng vốn, đề xuất của Vingroup và Techcombank về gói tín dụng ưu đãi 4,8%/năm, thời hạn vay 30 năm là một tín hiệu vui cho thấy thị trường tín dụng cho loại hình nhà ở này đang dần được quan tâm.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch VARS, nếu gói vay mua nhà ở xã hội đạt được cả hai điều kiện lãi vay 4,8%/năm, thời hạn vay 30 năm thì quá tốt. Bởi hai điều kiện bắt buộc với người mua hiện nay là khả năng thu nhập và phải có 30% vốn tự có.

Do đó, ông Khánh nhấn mạnh cần có những chính sách hỗ trợ người lao động ổn định thu nhập. Nỗi lo nhất của người mua nhà phân khúc này là không có thu nhập ổn định, nên việc trả nợ sẽ trở thành một gánh nặng về tài chính. 

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng mức ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội

    Tăng mức ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội

    10:23, 25/07/2024

  • Đề xuất giảm lãi vay cho gói tín dụng nhà ở xã hội

    Đề xuất giảm lãi vay cho gói tín dụng nhà ở xã hội

    03:00, 25/07/2024

  • Cải cách thủ tục vay vốn đầu tư, mua nhà ở xã hội

    Cải cách thủ tục vay vốn đầu tư, mua nhà ở xã hội

    04:00, 24/07/2024

  • Kỳ vọng dòng vốn rẻ cho nhà ở xã hội

    Kỳ vọng dòng vốn rẻ cho nhà ở xã hội

    13:00, 23/07/2024

  • Thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội còn chậm trễ, kéo dài

    Thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội còn chậm trễ, kéo dài

    10:05, 23/07/2024

VI ANH