Xây dựng “đế chế” cho ngành sầu riêng

MAI CHIẾN 29/07/2024 02:00

Ngành quả sầu riêng trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận mức xuất khẩu hơn 487 ngàn tấn, đạt giá trị khoảng 1,5 tỷ USD.

>>Xuất hiện "đối thủ" mới của sầu riêng Việt

Đây là loại quả chủ lực trong danh mục hoa quả xuất khẩu hướng tới mục tiêu đạt 6,5 tỷ đô vào năm 2030. 

 Các cơ đóng gói có vai trò quan trọng trong truy xuất nguồn gốc của trái cây theo mã số vùng trồng.

Các cơ đóng gói có vai trò quan trọng trong truy xuất nguồn gốc của trái cây theo mã số vùng trồng.

Để đạt điều này, trái cây sầu riêng cần một cơ chế quản lý chất lượng và chính sách phát triển chuyên biệt. Đặc biệt là quy trình trồng, chăm sóc, và thu mua sầu riêng ngoài vùng cấp mã số cần được minh bạch hoá, để tránh ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu sầu riêng.

Trái cây “vua” nhận cảnh báo

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: “Sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế như sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, có nhiều thời điểm không cạnh tranh trực tiếp với sầu riêng Thái Lan. Thời gian vận chuyển nhanh và giá thành hợp lý, đặc biệt khi sầu riêng đông lạnh được kiểm soát chất lượng tốt hơn”.

Tuy nhiên thời gian qua, không ít vụ việc làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng xuất khẩu sầu riêng. Đầu tháng 3 năm 2024, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm.

Đến tháng 6 năm 2024, 77 lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lại bị cảnh báo có chứa cadmium (một kim loại nặng) vượt mức cho phép. Kèm theo đó, phía Trung Quốc cũng đã quyết định cấm nhập khẩu sầu riêng từ 15 nhà máy đóng gói và 18 vùng trồng của Việt Nam kể từ ngày 12-6-2024.

Trước đó, Trung Quốc cũng đã có báo cáo số lượng mã số vi phạm bị cảnh báo đối với sầu riêng là 187, bao gồm 115 mã số vùng trồng và 72 mã số cơ sở đóng gói. Đặc biệt, có đến 35 mã số vùng trồng và 29 mã số cơ sở đóng gói được xác định vi phạm nhiều lần, trong khi có 80 mã số vùng trồng và 43 mã số cơ sở đóng gói vi phạm một lần.

Điều này làm dấy lên lo ngại về việc bị Trung Quốc hạn chế đối với mặt hàng này, nếu xảy ra khả năng trên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu, tiêu thụ “trái cây vua” của Việt Nam thời gian tới.

Phía sau thương lái

Mỗi thôn, làng đều có “cò” vườn sầu riêng. Các vườn có sản lượng nhiều được thương lái chỉ đạo cò tiếp cận thu mua, sản xuất như thế nào cũng mua. Một “cò” sầu riêng cho biết “nếu thu mua thành công vườn nào, hoa hồng sẽ là 1000 đồng/kg. Vườn càng nhiều sản lượng càng thích”.

Khi vụ sầu riêng của Tây Nguyên vào chính vụ, không ít “cò” nhận được lời mời giúp thu mua sầu riêng để đủ lượng hàng cung cấp cho đối tác. Giá luôn cao hơn giá thị trường 1 đến 2 giá để “cò” có động lực đi mua vườn kiếm sản lượng. Anh Cảnh – 48 tuổi ở thành phố Pleiku cho biết, trong niên vụ vừa rồi anh không có thời gian nghỉ. “Phía bên Trung Quốc thông qua phiên dịch gọi thẳng cho tôi, mong muốn mua được từ 1 ngàn tấn đến 2 ngàn tấn trong đầu tháng 7. Còn trước đó, người Việt làm ăn ở biên giới cũng gọi cho tôi để nhờ thu mua khoảng hơn 1 ngàn tấn sầu riêng. Mọi giấy tờ họ lo hết, mình chỉ việc mua đủ, mua đúng là có xe tới bốc đi”.

Không chỉ thế, một doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả có tiếng ở Tây Nguyên (xin giấu tên) cho biết việc mua bán hồ sơ giấy tờ xuất khẩu sầu riêng vẫn diễn ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu chân chính của các doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín, chất lượng sầu riêng của Tây Nguyên nói riêng và sầu riêng Việt Nam nói chung.

Do đó, cộng đồng xuất khẩu sầu riêng mong muốn có một cơ chế để quản lý chất lượng và phát triển ngành hàng tỷ đô đúng với tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam.

Để sầu riêng không còn “sầu”

Liên quan đến tình trạng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo, tại hội nghị phát triển ngành sầu riêng bền vững, bà Ngô Tường Vy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã nói: “Tách sầu riêng thành ngành hàng độc lập để có cơ chế quản lý riêng nhằm bảo vệ thương hiệu và giúp phát triển bền vững. Các nhà quản lý, cùng doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến cùng ngồi lại, cùng nhìn nhận và phân tích những khó khăn và đưa ra giải pháp thích hợp. Để làm sao, ngành hàng sầu riêng không còn bị cảnh báo, mất uy tín như những lần qua”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Công ty Cổ phần N&H tỉnh Đắk Lắk tâm sự: “Cái chúng ta cần là sự thực hành nông nghiệp tốt từ nông dân, tại Việt Nam có nhiêu quy chuẩn để nông dân tham gia như VietGap, GlobalGap. Để đạt được điều này, cần có sự đồng hành từ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế biến sâu và xuất khẩu sầu riêng. Từ khâu hỗ trợ kỹ thuật, đến các quy trình chăm sóc và thu hái. Nếu làm được như vậy, sẽ tạo tự tin cho nông dân đảm bảo đầu ra ổn định, và họ không chạy theo thị trường dùng các loại hoá chất ảnh hưởng tới an toàn sức khoẻ người tiêu dùng”.

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất hiện

    Xuất hiện "đối thủ" mới của sầu riêng Việt

    02:45, 24/06/2024

  • Sầu riêng Việt

    Sầu riêng Việt "chiếm sóng" tại Trung Quốc

    02:30, 10/06/2024

  • Thái Lan thu mua sầu riêng của Việt Nam để làm gì?

    Thái Lan thu mua sầu riêng của Việt Nam để làm gì?

    03:00, 21/03/2024

MAI CHIẾN