Chống hàng giả

Thái Bình: Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

TRUNG THÀNH 28/07/2024 00:06

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương quyết liệt đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào những tháng cuối năm trên địa bàn.

Ngăn chặn

Mặc dù các đối tượng thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, tuy nhiên, thời gian qua, Chi cục Hải quan Thái Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ, kịp thời ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thông quan hàng hóa.

Thời gian qua, Chi cục Hải quan Thái Bình liên tục phát hiện các vụ nhập khẩu hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật. Cụ thể, ngày 14/5, một doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Minh Lãng (Vũ Thư) làm thủ tục nhập khẩu lô hàng gồm 298 kiện nguyên liệu sản xuất các loại vải dệt, bánh xe đẩy, vải lưới, bu lông... mới 100%, xuất xứ Trung Quốc với trọng lượng 12.980kg.

Tờ khai được hệ thống hải quan phân luồng đỏ và Chi cục Hải quan Thái Bình đã tiến hành kiểm tra; kết quả phát hiện một số mục hàng thiếu về số lượng so với khai báo, 27 mục hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định về tiêu chí xuất xứ trên nhãn gốc của hàng hóa. Chi cục đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước 35.000.000 đồng và buộc doanh nghiệp đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với các mục hàng vi phạm về nhãn.

Tiếp đó, ngày 21/5, Chi cục Hải quan Thái Bình phát hiện một doanh nghiệp FDI ở khu công nghiệp Phúc Khánh (thành phố Thái Bình) cũng với hành vi nhập khẩu hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định về tiêu chí xuất xứ trên nhãn gốc của hàng hóa. Ngoài xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước 27.500.000 đồng, Chi cục Hải quan Thái Bình buộc doanh nghiệp tái xuất toàn bộ hàng hóa vi phạm trong số 548 kiện hàng gồm nguyên liệu, vật tư sản xuất tai nghe, tổng trọng lượng 10.860kg.

Lực lượng hải quan Thái Bình tiến hành kiểm tra thực tế 100% hàng hóa bị hệ thống phân luồng đỏ (Ảnh Báo Thái Bình)
Lực lượng hải quan Thái Bình tiến hành kiểm tra thực tế 100% hàng hóa bị hệ thống phân luồng đỏ (Ảnh Báo Thái Bình)

Ông Lê Văn Hào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Bình cho biết: Đó chỉ là hai vụ điển hình về doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động thông quan hàng hóa. Thực tế trong 6 tháng đầu năm 2024, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã thực hiện rất nhiều thủ đoạn với hành vi vi phạm khác nhau như khai sai về mã số, thuế suất, số lượng, chủng loại, trọng lượng, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, giả mạo xuất xứ. Không ít đối tượng còn xuất nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng nhưng khai là hàng mới để né tránh việc kiểm tra, khai sai tên hàng hóa để được hệ thống hải quan phân luồng xanh, luồng vàng không bị kiểm tra hoặc được hưởng hoàn thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu... Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Chi cục Hải quan Thái Bình đã kịp thời phát hiện và xử lý 66 vụ vi phạm, phạt tiền nộp ngân sách nhà nước gần 250 triệu đồng.

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian qua, Chi cục Hải quan Thái Bình đã tập trung thu thập thông tin doanh nghiệp và phân loại doanh nghiệp thuộc diện rủi ro; xác định mặt hàng, quy trình sản xuất thuộc loại có nguy cơ cao để đưa vào kế hoạch kiểm tra; tăng cường kiểm soát nhập khẩu thiết bị, máy móc cũ, theo dõi sự chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Đẩy mạnh chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan nhằm quản lý, giám sát và tự động cảnh báo rủi ro, đề xuất kiểm tra.

Ông Trần Quốc Chính - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Bình cho biết: Chúng tôi đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tất cả các mặt hoạt động của đơn vị nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan, số hóa chứng từ, hạn chế tiếp xúc, nộp thuế điện tử và công khai, minh bạch mọi quy định, chính sách, pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, số hóa nghiệp vụ hải quan cũng giúp đơn vị phát hiện dấu hiệu vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm kịp thời, không để sót lọt gây thất thu thuế.

Song song với biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm, Chi cục Hải quan Thái Bình chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, phòng ngừa vi phạm do doanh nghiệp thiếu hiểu biết pháp luật.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã mở 3 lớp tuyên truyền, hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp thực hiện các quy định mới liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Ông Bùi Duy Hưng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Ohsung Vina Thái Bình (khu công nghiệp Liên Hà Thái) cho biết: Chúng tôi thường xuyên phải nhập khẩu các linh kiện, thiết bị điện tử để sản xuất. Được Chi cục Hải quan Thái Bình phổ biến, cập nhật kiến thức pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ xuất nhập khẩu đã giúp chúng tôi nâng cao nghiệp vụ, hàng hóa thông quan thuận lợi, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật sẽ tránh bị vi phạm dẫn tới phải xử lý, góp phần giữ vững uy tín của doanh nghiệp với các đối tác, bạn hàng quốc tế.

Để đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389/ĐP): Từ đầu năm đến nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.

Cán bộ Chi cục Hải quan Thái Bình kiểm tra hàng hóa thông quan của doanh nghiệp bị hệ thống hải quan phân luồng đỏ (Ảnh Báo Thái Bình)
Cán bộ Chi cục Hải quan Thái Bình kiểm tra hàng hóa thông quan của doanh nghiệp bị hệ thống hải quan phân luồng đỏ (Ảnh Báo Thái Bình)

Các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 999 vụ với 1.109 đối tượng vi phạm; tổng số tiền xử phạt thu nộp ngân sách nhà nước 19.961.134.000 đồng và tịch thu nhiều hàng hóa tang vật vi phạm. Ngoài ra, các ngành thành viên BCĐ 389/ĐP tỉnh đã tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm từ quần chúng nhân dân qua hệ thống đường dây nóng, vào cuộc xác minh làm rõ 10 vụ vi phạm, xử phạt thu nộp ngân sách nhà nước 196.500.000 đồng. Sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng đã ngăn chặn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trôi nổi trên thị trường góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường.

Theo BCĐ 389/ĐP tỉnh nhận định, những tháng cuối năm thị trường sẽ sôi động, mức lưu chuyển hàng hóa tăng nhanh với nhiều chủng loại hàng hóa thiết yếu là cơ hội cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả núp bóng hoạt động.

Để bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, BCĐ 389/ĐP tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chủ động xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Kiểm soát chặt chẽ các nhóm ngành hàng cấm, thiết yếu, có ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, chống hành vi đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá trái quy định gây bất ổn thị trường. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử.

TRUNG THÀNH