Hấp dẫn du lịch bản địa

MINH HUỆ 29/07/2024 00:30

Trải nghiệm gần gũi hơn với cuộc sống, văn hóa người dân địa phương bản địa là hình thức du lịch độc đáo và hấp dẫn với mọi lứa tuổi, thành phần trong 4 mùa tại Quảng Ninh.

>>>Quảng Ninh: Mở đường cho nông sản "xuất ngoại"

Từ ẩm thực bản địa...

Với điều kiện tự nhiên đa dạng, Quảng Ninh sở hữu các món ẩm thực trên rừng, dưới biển rất phong phú, đa dạng. Cùng với đó, lối sống khoáng đạt, hòa hợp với tự nhiên của người dân Quảng Ninh cũng tạo nên nét đặc trưng mang đậm bản sắc.

Để nhắc đến món ăn đã trở thành “đại sứ” văn hóa, du lịch của Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung, có lẽ “chả mực” là món ăn xứng tầm hơn cả. Đại diện doanh nghiệp thương hiệu chả mực Thoan cho biết: Chả mực là món ăn được người dân Hạ Long sáng tạo trong quá trình lao động, sản xuất. Không ai nhớ nghề làm chả mực Hạ Long có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, khi cuộc sống còn khó khăn, người dân Hạ Long đã bắt đầu làm chả mực. Khi đó, người dân mua mực về làm, giã tay rồi rán. Quy trình hoàn toàn thủ công. Đến nay, chả mực là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ, đồng thời cũng là đặc sản thơm thảo đãi khách của người Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung. Chả mực là món ăn phổ biến trên các du thuyền phục vụ du khách tham quan Vịnh Hạ Long hay trong các bữa tiệc tiếp khách long trọng của tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh cũng tạo nên nét đặc trưng mang đậm bản sắc (Ảnh minh họa)

Du lịch Quảng Ninh luôn tạo nên nét đặc trưng mang đậm bản sắc bản địa (Ảnh minh họa)

Ngược lên với các huyện miền núi (Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên), các món ăn phần lớn được tạo nên từ sản vật của núi rừng. Ở mảnh đất biên giới Bình Liêu, văn hóa ẩm thực của đồng bào Tày, Dao, Sán Chỉ nơi đây từ lâu cũng đã trở thành nét đẹp, tạo sức hấp dẫn với du khách bốn phương. Đó là các loại bánh như: Bánh lá ngải, bánh tài lồng ệp, bánh dày, bánh chưng gù, bánh coóc mò hay các món ăn như phở xào Đồng Văn, xôi ngũ sắc, xôi nếp lá gừng, cá suối, miến dong, ngan đen…

Bà Hoàng Thị Cam, chủ homestay Hải Oanh (xã Lục Hồn, Bình Liêu), chia sẻ: Từ nhiều năm nay, gia đình chúng tôi phục vụ cả dịch vụ ăn uống cho du khách, ưu tiên lựa chọn và giới thiệu những món ăn truyền thống, được chế biến từ nguyên liệu, nông sản địa phương.

Đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết: Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh là địa phương đi đầu toàn quốc trong xây dựng và triển khai chương trình OCOP - Mỗi xã, phường một sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 417 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm của Quảng Ninh được khách du lịch yêu thích mua sắm, như: Rượu nếp cái hoa vàng Đông Triều, sản phẩm từ thịt lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực ống Cô Tô, chả mực Hạ Long, trà hoa vàng Ba Chẽ…

Cùng với việc triển khai các sự kiện, chương trình thúc đẩy khai thác giá trị ẩm thực của các sản phẩm OCOP như Hội chợ OCOP Quảng Ninh, Tuần văn hóa ẩm thực, Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh…, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương chú trọng phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của từng địa phương qua mô hình OCOP; xác định sản phẩm OCOP là sản phẩm văn hóa và quan tâm đầu tư nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp cho từng sản phẩm, mang đậm giá trị văn hóa bản địa. 

Ẩm thực cũng là cách thu hút khách du lịch đến với Quảng Ninh (Ảnh minh họa)

Ẩm thực cũng là cách thu hút khách du lịch đến với Quảng Ninh (Ảnh minh họa)

... đến trải nghiệm khám phá văn hóa  

Theo chị Trần Lan Anh – Hướng dẫn viên Du lịch Công ty Travel Xanh: Khám phá du lịch bản địa là hình thức du lịch mà bạn sẽ chú trọng trải nghiệm, tìm hiểu sâu hơn về con người, văn hóa và cuộc sống bình dị của những người dân bản địa. Điểm đến của hình thức du lịch này có thể không phải là những thắng cảnh mà là trọng tâm vào những nét đẹp, giá trị văn hóa và đặc trưng của địa phương, vùng miền.

Đây là hình thức du lịch phát triển khá thịnh hành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, xu hướng du lịch này góp phần thúc đẩy cho du lịch cộng đồng, mang lại cơ hội phát triển cho các homestay mang đặc trưng văn hóa bản địa. Đơn cử như dịch vụ ở homestay Halo Bay (Kênh Liêm, TP Hạ Long), điểm đến được các trang đặt phòng quốc tế quan tâm, nhiều bạn trẻ, du khách quốc tế yêu thích.

Tại đây, ngoài lưu trú, sinh hoạt cùng gia đình người dân địa phương, du khách được chủ homestay tư vấn điểm tham quan, đồng hành, chỉ dẫn khách cách đi chợ, cung cấp bếp nấu, cách chế biến các món ăn đặc trưng vùng biển cho tới các chuyến đi tham quan, đến các di tích mà ít du khách biết đến, như: Trận địa pháo đồi Đặng Bá Hát, phố cổ Hòn Gai, nhà Pháp, cuộc sống làng chài, xưởng chế biến than đá...

Chị J.Radhika (du khách người Anh) đánh giá: Thật tuyệt khi đây là điểm nhấn trong chuyến đi dài của tôi. Không chỉ được hiểu hơn nếp sống, văn hóa người Hạ Long, tôi được dẫn đi thăm di tích lịch sử, phố cổ, tập thể dục sáng ở đường bao biển, tối đạp xe xuống bãi biển... Đó còn hơn cả một chuyến đi".

Không chỉ ở thành phố, trên các vùng cao xa xôi như Bình Liêu cũng là điểm đến được du khách quan tâm. Ngoài cảnh quan, du khách đến Bình Liêu bởi vì yêu nét đẹp văn hóa, cuộc sống của đồng bào ở các bản làng. Ở Bình Liêu, không ít homestay thật sự như ngôi nhà truyền thống ấm cúng của đồng bào, tạo không gian cho du khách trải nghiệm văn hóa bản địa, từ bữa cơm đến nếp sinh hoạt thông qua các món ăn do chính người dân nuôi trồng, giao lưu văn nghệ như hát then - đàn tính, trò chơi dân gian...

Du khách còn được hòa vào hoạt động thường ngày của bà con dân bản, như cấy, gặt lúa, làm nhà trình tường... hoặc được hướng dẫn viên bản địa dẫn đi tham quan bản mùa lúa chín, phượt rừng hái măng, tham gia các chợ phiên, thưởng thức ẩm thực ở các lễ cơm mới...

Trải nghiệm gần gũi hơn với cuộc sống, nét đẹp văn hóa người dân địa phương bản địa. Đây là hình thức du lịch độc đáo và hấp dẫn với mọi lứa tuổi, thành phần và luôn hấp dẫn trong 4 mùa.

Trải nghiệm gần gũi hơn với cuộc sống, nét đẹp văn hóa người dân địa phương bản địa. Đây là hình thức du lịch độc đáo và hấp dẫn với mọi lứa tuổi, thành phần và luôn hấp dẫn trong 4 mùa.

Không chỉ vùng cao, khám phá cuộc sống của người dân biển vùng vịnh Bái Tử Long, các đảo Minh Châu, Quan Lạn, Cô Tô... cũng là điều du khách thích thú. Bởi tới đây, du khách sẽ được người dân địa phương dẫn đi biển, trải nghiệm cuộc sống lao động hàng ngày. Dưới sự hướng dẫn của ngư dân, du khách sẽ được trực tiếp tham gia đánh cá, cào ngao, đào sá sùng...

Qua đó, không chỉ du khách được trực tiếp trải nghiệm, thể hiện sự khéo léo của mình mà còn hiểu hơn khó khăn, vất vả của ngư dân. Sau đó, du khách sẽ vào bếp chế biến và thưởng thức thành quả mình vừa đánh bắt.

"Du lịch như người bản địa không quá chú trọng tới thắng cảnh mà khai thác góc cạnh cuộc sống, nét đẹp trong đời sống, văn hóa. Qua đó, du khách có thể khám phá, hiểu chân thực hơn vùng đất đó. Đây chính là sức hút, sự hấp dẫn riêng có của hình thức du lịch này" - ông Trần Đăng An, Giám đốc lữ hành Halotour, đánh giá. 

Thực tế, không ít các trải nghiệm này đã được các đơn vị lữ hành quan tâm khai thác, trở thành ý tưởng, chất liệu cho các sản phẩm du lịch, đơn cử như: Tour du lịch 1 ngày làm ngư dân trên Vịnh Hạ Long, ở đảo Quan Lạn, city tour TP Hạ Long, trải nghiệm mùa lúa chín, lễ cơm mới ở Bình Liêu, trải nghiệm làng quê Yên Đức...

Từ kết quả ban đầu đó, hiện ngành du lịch tỉnh đang hướng đến xây dựng những hoạt động trải nghiệm dựa vào chất liệu trên như trải nghiệm đời sống ngư dân, đua thuyền rồng, chợ phiên, du lịch băng rừng. Điều cần làm là khai thác được sự khác biệt, nét đẹp đặc trưng của từng sản phẩm thay vì dập khuôn, thiếu sáng tạo...

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành công nghiệp Quảng Ninh nỗ lực thoát những “cơn sóng gập ghềnh”

    Ngành công nghiệp Quảng Ninh nỗ lực thoát những “cơn sóng gập ghềnh”

    01:40, 25/07/2024

  • Quảng Ninh: Rốt ráo gỡ vướng để quản lý chặt tàu “3 không”

    Quảng Ninh: Rốt ráo gỡ vướng để quản lý chặt tàu “3 không”

    00:05, 22/07/2024

  • Quảng Ninh: Mạnh tay loại bỏ

    Quảng Ninh: Mạnh tay loại bỏ "3 không" trong vi phạm IUU

    15:25, 28/07/2024

MINH HUỆ