“Hiện tượng” trong thu hút FDI
Trong khi nhiều “ông lớn” sa sút về thu hút FDI thì Nam Định lại nổi lên như hiện tượng. Sức thu hút đầu tư của tỉnh Nam Định không chỉ hạ tầng, nhân lực mà còn cơ chế thông thoáng.
Ngày 20/7, Tập đoàn Chung Nam, Hồng Kông (Trung Quốc) đã có cuộc xúc tiến hợp tác đầu tư tại tỉnh Nam Định. Theo ông Hồ Tiểu Phong - Phó Chủ tịch Tập đoàn Chung Nam, Tập đoàn có nhu cầu đầu tư nhà máy sản xuất cụm camera, mắt kính trước và sau của điện thoại, dự kiến tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 50 triệu USD. “Tập đoàn đã tìm hiểu đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận và cũng đặc biệt quan tâm đến năng lực đáp ứng nguồn lao động, hạ tầng điện, hạ tầng xử lý nước thải... của tỉnh” – ông Phong cho hay.
“Hữu xạ tự nhiên hương”
Không riêng Tập đoàn Chung Nam, mới đây Tập đoàn nhôm Kam Kiu, Hồng Kông (Trung Quốc) đã có buổi xúc tiến đầu tư tại tỉnh Nam Định. Tại đây, Chủ tịch Tập đoàn Harley Lei cho hay, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng 12-20 ha đất để đầu tư nhà máy sản xuất phụ kiện nhôm cho các thiết bị điện tử, thiết bị thông minh (điện thoại, màn hình máy tính, loa, đồng hồ) và phụ tùng ô tô với tổng mức đầu tư dự kiến 100 triệu USD.
“Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam và thống nhất quyết định sẽ đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận, tỉnh Nam Định. Tập đoàn mong muốn đến tháng 5/2025 sẽ hoàn tất đầu tư nhà máy và đưa vào vận hành, sản xuất” – ông Harley Lei cho biết.
Từ đầu năm 2023 đến nay, sức thu hút đầu tư của tỉnh Nam Định được ghi dấu mạnh mẽ bởi một số dự án lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Như dự án sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính của nhà đầu tư Quanta với tổng mức đầu tư 120 triệu USD. Dự án Nhà máy sản xuất sợi, vải, may mặc tại KCN Rạng Đông của Công ty YI DA DENIM MILL (VN) CO., LTD với tổng mức đầu tư 60 triệu USD. Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc tại KCN Rạng Đông của Công ty TNHH sợi hóa học công nghệ cao Xielong Chương Bình Phúc Kiến với tổng mức đầu tư 40 triệu USD…
Theo báo cáo của Cục Thống kê Nam Định, tính đến hết ngày 20/6, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 39 dự án, bao gồm 20 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 5.572,8 tỷ đồng và 19 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 148,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, số lượng dự án đầu tư vào tỉnh Nam Định gấp 3,4 lần và số vốn đầu tư đăng ký gấp 5,8 lần. Tính đến nay, tỉnh Nam Định có 170 dự án FDI, với tổng số vốn hơn 4,1 tỷ USD.
Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, Nam Định hiện đã và đang là địa điểm đầu tư của nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn, vị thế toàn cầu thuộc đa dạng các quốc gia. Tỉnh cũng chủ động, sẵn sàng các điều kiện để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia trên thế giới.
Lấy cơ chế làm lợi thế
Để có được những dự án đầu tư lớn trong thời gian qua, với Nam Định không phải là ngẫu nhiên. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng nhấn mạnh, Nam Định đang rất nỗ lực để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, với phương châm “Đồng hành với doanh nghiệp, cùng hướng tới thành công”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các tỉnh phía nam vùng đồng bằng sông Hồng còn những hạn chế, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, như thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế đột phá và thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp. Cùng với đó, là những hạn chế về tính liên kết trong hạ tầng giao thông, liên kết chuỗi sản xuất, cụm liên kết ngành trong các hành lang phát triển, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Để khắc phục được những hạn chế trên, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh đã triển khai lập quy hoạch các khu công nghiệp mới. Hạ tầng công nghiệp cũng được đầu tư đồng bộ, giúp Nam Định giành lợi thế để đón các nhà đầu tư lớn. Hiện, Nam Định đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, Khu công nghiệp Mỹ Thuận, các cụm công nghiệp Yên Bằng, Thanh Côi…
Đặc biệt, để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, Nam Định còn quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Điển hình như dự án của Tập đoàn Quanta đã được cấp phép chỉ sau 36 giờ nộp hồ sơ hợp lệ. Nam Định đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Với chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, giao thông phải đi trước một bước, Nam Định đã ưu tiên và huy động tối đa các nguồn lực cho việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối thông suốt liên vùng. Ngày 30/6/2024, Nam Định đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh. Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (Tỉnh lộ 490)…
Hiện, Nam Định đang tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng và tiến độ thực hiện các dự án: Tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484), xây dựng cầu vượt sông Đáy nối hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình, xây dựng cầu qua sông Đào…
Có thể bạn quan tâm