Giải pháp thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo
Để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm, cần có nhiều biện pháp tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp.
>> Gỡ khó về vốn, tiếp đà tăng trưởng cho doanh nghiệp chế biến chế tạo
Theo đó, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, xuất khẩu, đặc biệt một số nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực như dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ…
Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục cho thấy sự khởi sắc và có đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Giá trị toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Cùng với đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023, trị giá xuất khẩu của một số mặt hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II đạt cao hơn so với quý I/2024. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo xuất khẩu ước đạt 160,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023 và tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (84,3%) trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…
Sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng.
Liên quan đến vấn đề này, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, ngoài cạnh tranh về giá cá, các doanh nghiệp trong ngành đang đứng trước những thách thức từ yêu cầu mới của thị trường, đặc biệt là yêu cầu về tái chế.
“Hiệp hội mong muốn được các Thương vụ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tại những thị trường phát triển, nước đang phát triển hoặc tương đồng trình độ Việt Nam đã làm tốt vấn đề này để xuất khẩu”, Tổng Thư ký VASI kiến nghị.
Cũng theo bà Bình, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ có khả năng sản xuất đa dạng các mặt hàng để xuất khẩu như linh kiện xe máy, xe đạp; các sản phẩm liên quan đến tủ điện, hệ thống tự động hóa; nhựa; cao su; các sản phẩm đồ chơi bằng nhựa, cao su; quạt gió, tua bin gió… Các doanh nghiệp rất cần Thương vụ hỗ trợ thông tin, kết nối để mở rộng thị trường.
“Với thị trường trong nước, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi lãi vay cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ”, Tổng Thư kí VASI kiến nghị.
>> Doanh nghiệp chế biến chế tạo lạc quan về sản xuất kinh doanh
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam đề xuất Thương vụ cung cấp, cập nhật thông tin cảnh báo các nguy cơ bị kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng da giầy, túi xách tại thị trường sở tại; cập nhật hướng dẫn thực thi đạo luật chống phá rừng và đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng vừa mới ban hành của EU để doanh nghiệp có kế hoạch chuẩn bị đáp ứng…
Liên quan đến những vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhận định, 6 tháng cuối năm 2024, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đối diện với nhiều khó khăn, do đó đề nghị các hiệp hội tăng cường phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để kịp thời nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin về về giá cả thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại. Chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến liên quan đến các rào cản kỹ thuật, các yêu cầu của thị trường, kịp thời định hướng cho doanh nghiệp đầu tư trong sản xuất và xuất khẩu.
“Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các sự kiện xúc tiến xuất khẩu theo định hướng chiến lược về nhóm thị trường trọng điểm của mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổ chức, tham gia các sự kiện thương mại quốc tế quy mô lớn, hội chợ triển lãm uy tín tại những thị trường trọng điểm, thị trường giàu tiềm năng”, Thứ trưởng Hoàng Long nhấn mạnh.
Với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng yêu cầu tăng cường theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến diễn biến thị trường, thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn điều kiện xuất khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng chủ lực để kịp thời hỗ trợ địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ khó về vốn, tiếp đà tăng trưởng cho doanh nghiệp chế biến chế tạo
03:00, 05/07/2024
Doanh nghiệp chế biến chế tạo lạc quan về sản xuất kinh doanh
02:45, 02/04/2024
Đột phá phát triển cho công nghiệp chế biến chế tạo
02:00, 09/01/2024
Hơn 70% doanh nghiệp chế biến chế tạo lạc quan về đơn hàng xuất khẩu quý I
03:00, 07/01/2024
Đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo tại Đà Nẵng
15:06, 12/09/2023