Quảng Ninh: Quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số
Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế.
Chuyển đổi số toàn diện
Tỉnh Quảng Ninh đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu đứng trong top 5 tỉnh, thành trên cả nước dẫn đầu về chuyển đổi số một cách toàn diện, đồng thời, là địa phương dẫn đầu cả nước về an toàn, an ninh mạng… Theo kế hoạch 73/KH-UBND (ngày 13/3/2024) của UBND tỉnh về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2024 đã đặt ra 20 mục tiêu và 35 nhiệm vụ. Đến nay, có 6/20 mục tiêu hoàn thành, gồm: 90% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ/số thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ; tỷ lệ khai khác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt tối thiểu 50%; 100% các cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; trên 99% doanh nghiệp và tổ chức nộp thuế điện tử; tỷ lệ hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện nộp thuế điện tử đạt trên 50%; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 99%; hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 93%.
Việc chuyển đổi số đem lại nhiều thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt hàng ngày, doanh nghiệp dễ dàng thực hiện giải quyết các thủ tục đầu tư kinh doanh.
Ông Trần Mạnh Thắng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch mở Hạ Long cho hay: Từ khi thực hiện chuyển đổi số, hoạt động kinh doanh của công ty đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt như giảm nhu cầu về nhân lực, tiết kiệm chi phí lương, thưởng, bảo hiểm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dễ dàng trong quá trình tiếp cận khách hàng 24/7 ở đa dạng các nền tảng. Từ đó, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, thuận tiện. Đồng thời, chúng tôi cũng có thể dễ dàng giới thiệu đến khách hàng các địa điểm, tour du lịch… thông qua phần mềm trên máy tính hoặc điện thoại. Chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tiếp cận thêm nhiều khách hàng tiềm năng, tăng hiệu suất công việc, tăng hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số tại tỉnh vẫn còn gặp một số rào cản, làm chậm bước tiến chuyển đổi số của Quảng Ninh. Hiện, các phần mềm quản lý chuyên ngành vẫn chưa được kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu được với hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh (kế hoạch và đầu tư, giao thông vận tải, bảo hiểm xã hội, thuế, công an, điện…) dẫn đến việc cán bộ khó khăn giải quyết các thủ tục hành chính như theo dõi, giám sát, tổng hợp báo cáo. Hay một số tài khoản của cán bộ tiếp nhận mới có chức năng tra cứu cơ sở dữ liệu về dân cư, chức năng tra cứu thông tin hộ gia đình trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chưa được chia sẻ, nhiều thông tin trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chưa chính xác dẫn đến công dân không giải quyết được thủ tục hành chính… Đây là một bài toán đặt ra cho địa phương, cần phải nhanh chóng có “lời giải” để sớm hoàn thành mục tiêu.
Nỗ lực từ nhiều phía
Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chủ thể, động lực của chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số.
Được biết, tính đến nay, Quảng Ninh có khoảng hơn 16.800 doanh nghiệp, đây là một bộ phận quan trọng quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã liên tục tổ chức các buổi hội thảo, hướng dẫn đào tạo trực tuyến về kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Ông Lê Như Thiều - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh xác định chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ... Tuy nhiên, để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công cần quan tâm 3 yếu tố là con người, thể chế và công nghệ. Trong đó khó khăn lớn chính là thay đổi thói quen, nhận thức của đội ngũ cán bộ, người lao động. Thời gian tới đây chúng tôi sẽ kiến nghị và đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp chuyển đổi số.
Với sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đến thời điểm hiện tại, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử, có 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 95,7%), 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ cập chữ ký số. Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đang giới thiệu 560/560 sản phẩm OCOP của 235 doanh nghiệp, trong đó có 334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Đến 31/5/2024, có 3,3 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 2,4 triệu tài khoản đang hoạt động.
Trong giải quyết các thủ tục hành chính. 6 tháng đầu năm, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh được đồng bộ trên cổng dịch vụ công quốc gia là 217.276 hồ sơ (đạt 97,8%), số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tính riêng trên cổng dịch vụ công của tỉnh, đối với cấp tỉnh là 23.600/hồ sơ (đạt 98,3%), cấp huyện là 66.532 hồ sơ (đạt 98,9%), cấp xã là 17.862/18.136 hồ sơ (đạt 98,5%). Các trung tâm hành chính công đã đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, Quảng Ninh đang triển khai cấp miễn phí chữ ký số cho người dân, cho phép người dân nộp hồ sơ trực tuyến có thể ký số điện tử. Đây được đánh giá là bước ngoặt lớn cho sự phát triển của địa phương trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các sở ban ngành đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân lập tài khoản, nộp và nhận thủ tục hành chính trực tuyến.
Đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm chỉ đạo các sở ban ngành, các doanh nghiệp, người dân hoàn thành việc chuyển đổi số một cách đồng bộ, sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Chuyển đổi số là cơ hội lớn để mọi người dân, doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận với công nghệ cao, tạo ra thế và lực mới, nâng cao hơn nữa đóng góp của vào sự phát triển chung của Quảng Ninh.