Kinh tế Việt Nam lấy lại “hào quang”

HÀ THU 01/08/2024 03:30

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng của nước ta duy trì xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo.

>>Nền kinh tế tích cực, tăng trưởng GDP có thể đạt 7%

Theo đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2024 ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%).

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5%, đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4%, đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 0,9 điểm phần trăm.

Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước ghi nhận mức tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước.

HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm 2024 lên 6,5% so mức 6% trước đó.

HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm 2024 lên 6,5% so mức 6% trước đó.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong tháng 7/2024, cả nước có 14,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 6,3% so với tháng 6/2024 và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 6,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,2% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2023; có 6.837 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26,2% và giảm 0,7%...Tính chung 7 tháng năm 2024, cả nước có 139,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 7 tháng năm 2024 vẫn ghi nhận sự áp đảo của nhóm hàng công nghiệp chế biến với giá trị ước đạt 199,94 tỷ USD, chiếm 88,1%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,9 tỷ USD, tăng 16,9%, trong đó nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 199,88 tỷ USD, chiếm 93,9% cơ cấu hàng hoá nhập khẩu.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD, trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD.

Tổng cục Thống kê nhận định, cán cân thương mại hàng hóa tháng 7/2024 ước tính xuất siêu 2,12 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.

Trước những kết quả khả quan nêu trên, bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 lên 6,5%, so với 6% trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024.

Với kết quả tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong nửa đầu năm 2024, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm 2024 lên 6,5% so mức 6% trước đó. Đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%. "Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024, một vị trí Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023", báo cáo nhận định. 

Trước đó, báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng ngày 6/7 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định kinh tế nước ta đã phục hồi trở lại, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. "Nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5%)", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng dự báo khó khăn, thách thức trong các tháng còn lại rất lớn và cho rằng các cấp, ngành, địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Ở góc độ chuyên gia, ông José Viñals - Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered khuyến nghị, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những thách thức liên quan đến tỷ giá hối đoái, lạm phát và một số biến động địa chính trị trên thế giới. "Những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt cũng là những vấn đề xảy ra ở tất cả các nền kinh tế. Điều quan trọng là cần duy trì tầm nhìn và chính sách đúng đắn để tiếp tục thúc đẩy Việt Nam trở thành một nền kinh tế tăng trưởng theo hướng ngày càng bền vững". - Chủ tịch Tập đoàn Standard Chartered phân tích.

Trong khi đó, các chuyên gia WB chỉ ra một số điểm cần theo dõi đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, trong khi cầu quốc tế đang có dấu hiệu phục hồi thì diễn biến của cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa chắc chắn. “Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, trước bối cảnh đồng USD mạnh, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá. Do vậy, cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư”, WB khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • "Đòn bẩy" quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào

    04:00, 11/07/2024

  • Ngoại lực của kinh tế Việt Nam

    05:00, 01/07/2024

  • Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ 2024: Thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên

    20:50, 20/06/2024

  • Nhiều NHTW cắt giảm lãi suất, kinh tế Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

    10:11, 14/06/2024

  • Thúc đẩy tài chính toàn diện: Giải pháp phát triển nền kinh tế Việt Nam bền vững

    14:35, 20/05/2024

HÀ THU